Nghề giáo, sự chọn lựa của tận tuỵ

20/11/2021 - 07:07

PNO - Làm giáo viên đòi hỏi cực kỳ nhiều năng lực đa dạng và phải học hỏi không ngừng. Việc giữ đam mê với nghề này là một sự lựa chọn không hề dễ dàng.

Năm ngoái, khi tôi đang trên xe cứu trợ đi từ Hướng Hoá về Đông Hà (Quảng Trị), dọc đường tới địa phận Dakrong, tự dưng bạn lái xe tấp vào bên lề đột ngột. Bạn nói: "có cô giáo đi nhờ xe".

Tôi nhìn lại mới thấy có cô giáo đứng vẫy xe. Tôi hỏi: sao bạn biết đó là cô giáo? Bạn nói đón xe muộn thế này chắc là cô giáo vì giờ hết xe khách rồi. Đúng vậy thật. Cô giáo lên xe giải thích: "em biết trễ rồi nhưng mấy bữa lụt, học sinh nghỉ học, nay em thấy các em đang làm bài nên em cố thêm chút nữa".

Hỏi ra mới hay, mỗi ngày cô đi tổng cộng 70km đi dạy. Sáng 5-6 giờ đón xe khách, rồi lội qua cái cầu lấp xấp nước mặt sông vào trường. Bền bỉ với nghề hơn 20 năm. Chồng cô làm bộ đội đi biền biệt. Hai con của cô phải nhờ hàng xóm đón đưa đi học và chăm lo.

Lần khác, tôi đi hội thảo ở Hà Nội có cán bộ quản lý, giáo viên 10 tỉnh thành phía Bắc tham dự, chủ yếu nơi xa xôi khó khắn như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai...Có cô giáo dạy tiểu học ở huyện Bắc Mê kể trường có 500 học sinh nhưng rải ra 9 điểm trường.

Mỗi ngày cô đi 60 km đi về để dạy học. Cô cũng bền bỉ mấy chục năm rồi. Ánh mắt vẫn lấp lánh khi nói về học trò. Nơi huyện lị xa xôi, đường đi học của học trò gian nan. Giáo viên chưa từng mong đợi có quà chúc mừng bất cứ dịp gì. Học trò đi học đã là món quà lớn nhất.

Nghề giáo không chỉ cần năng lực mà đòi hỏi cả sự đam mê, tận tuỵ và hy sinh
Nghề giáo không chỉ cần năng lực mà đòi hỏi cả sự đam mê, tận tuỵ và hy sinh

Đầu tháng 11, tháng của nghề, trong thời tiết mưa gió, tôi về Quế Sơn (Quảng Nam) gặp các thầy cô giáo ở các trường. Điều thú vị là hầu hết các thầy cô trên 45 tuổi đều có thời gian dạy học ở vùng cao phía bên kia đèo Le (Quế Sơn- Quảng Nam).

Các thầy cô kể về những ngày tháng đi bộ, đi xe đạp không phanh vượt đèo, vượt rừng mấy chục cây số, mấy tháng mới về thăm nhà với giọng điệu thật vui vẻ, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào về những học trò đã thành tài của mình.

Tôi hỏi một thầy lớn tuổi: Điều gì giữ chân thầy với nghề này trong những năm tháng đó? Thầy nói rằng: lúc đó tổ chức phân công đâu thì mình đi đó là lý do nhưng sau này được bố trí về nơi ít khó khăn hơn thì tôi cũng ở đấy đến 11 năm. Học trò cần mình, không có giáo viên nào lên đấy thì các em sẽ mãi thất học. Thương thầy, tụi nó mang gạo, tự đổ lén vào hũ gạo của thầy ở trường. Bà con quanh đó có gì cho nấy. Thầy trò dìu nhau qua những ngày tháng đó với đầy ắp niềm vui.

Cho tới giờ phút này, hơn 40 năm trong nghề, thầy vẫn ngày ngày đến trường với những việc quen thuộc như đi vòng quanh trường kiểm tra phòng ốc, đứng trước cổng trường nhìn học trò đến lớp, tan học, nhắc nhở nhân viên, giáo viên những việc nho nhỏ…

Ai cũng nghĩ giáo viên chỉ có việc giảng dạy, nhưng thực chất có 1001 chuyện không tên, không có lịch trình. Chẳng hạn, một học sinh gặp sự cố ngoài trường, người dân cũng hỏi con nhà ai, học trò trường nào, tìm thông tin trường bao giờ cũng nhanh hơn tìm thông tin gia đình. Gọi đến trường, Ban giám hiệu và thầy cô có khi đến nơi giải quyết trước cả gia đình.

Đi dạy, học sinh không hiểu bài, thầy cô phải nghĩ đủ cách để kèm cặp, tạo động lực kích thích, trò chuyện tìm hiểu nhu cầu. Thế nhưng, điều đó chưa khó bằng việc học sinh cư xử chưa đúng chuẩn mực thì việc uốn nắn còn thách thức, đòi hỏi nhiều tâm sức hơn. Làm giáo viên, để hoàn thành đúng và đủ những việc như phân công trên văn bản có thể không quá khó nhưng để trở thành những nhà giáo thực thụ, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi học sinh thì cần rất nhiều sự tận tụy.

Mỗi năm, Việt Nam có một ngày để thầy cô tận hưởng niềm hạnh phúc của nghề nhưng thực ra, với những ai đã chọn nghề này, mỗi ngày, họ đều tự góp nhặt một niềm vui để giữ lửa với nghề và mang nhiều lợi ích nhất cho học trò.

Trở lại với câu chuyện của bản thân, tháng 10/2005, tôi chính thức là giáo viên. Tới nay 16 năm tròn. Có những lúc dừng việc giảng dạy để đi học và làm quản lý nhưng tôi chưa từng định vị bản thân bằng danh xưng nào khác ngoài Giáo viên và Nhà giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền

16 năm, tôi chưa có khái niệm nghỉ hè. Tôi cũng chưa từng ngồi tính mỗi tuần mình phải làm việc bao nhiêu tiếng. Nhớ thời kì "đỉnh cao", tôi dạy không khác gì cái máy, 75 tiết/ tuần kín 3 ca sáng đến 9g đêm, cả thứ 7, chủ nhật.

Tôi không đủ thời gian làm mới bài dạy, không đọc thêm, không hiểu sâu, giảng dù sinh viên vẫn thích nhưng tôi thấy thất vọng với chính mình. Tôi tin học trò của mình xứng đáng được học những điều có giá trị hơn. Hậu quả là tôi "ghét" lên lớp. Sau khi dứt ra, tôi tự hứa không bao giờ đưa mình quay trở lại cái "mẫu hình giáo viên" đó.

Những ngày tháng này, tôi thực sự rất tận hưởng những giờ "lên lớp", được giảng dạy, được chia sẻ với những người cũng làm trong ngành giáo dục. Tôi nhận ra khi có đủ thời gian nghiên cứu, tìm tòi và chuẩn bị bài giảng, mình đầy cảm xúc tích cực trước, trong và sau bài giảng. Cảm xúc đó duy trì cho đến những bài giảng kế tiếp.

Tôi nhớ từng có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ giáo viên bỏ nghề trong 3 năm đầu cao hơn hẳn các năm sau đó. Có lẽ đúng. 3 năm đầu có thể là cú sốc với nhiều người vốn nghĩ nghề giáo là nhẹ nhàng, làm việc với trẻ con là dễ dàng, mà chưa biết hết những thách thức của nghề. Làm giáo viên đòi hỏi cực kỳ nhiều năng lực đa dạng và phải học hỏi không ngừng. Việc kiệt quệ đam mê với nghề, trong đầu đầy những suy nghĩ tiêu cực về nghề và trong tim không còn tình yêu với trẻ thì đúng là nên dừng lại. Làm nghề giáo không là cuộc dạo chơi cho bất cứ ai!

Tôi cũng gặp nhiều thầy cô làm nghề nhiều năm với đầy nhiệt huyết, càng lớn tuổi, gắn bó với nghề càng lâu, họ càng bao dung, kiên nhẫn. Họ nhắc mình mỗi ngày phải sống tử tế và làm nghề nghiêm túc.

Nhân ngày nhà giáo, chúc mừng những người theo đuổi nghề giáo bền bỉ và luôn thấy hạnh phúc với sự lựa chọn không dễ dàng này!

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI