Muôn nẻo đường xuân

05/02/2018 - 09:16

PNO - Trong hai ngày 25, 26/1, Hội LHPN TP.HCM cùng Ban liên lạc Phụ vận tổ chức đoàn đi thăm, chúc tết các gia đình chính sách, cơ sở cách mạng, đồng đội đã từng cùng “vào sinh ra tử” tại TP.HCM, Long An, Bình Dương.

Muon neo duong xuan
Bà Đỗ Thị Chánh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (phải) - tặng quà và thăm hỏi chị Nguyễn Thị Ở, em dâu út của liệt sĩ Nguyễn Thị Lan

NGƯỜI VỀ ÔN LẠI CHUYỆN XƯA 

Căn nhà của dì Năm Minh (Phan Thị Minh, SN 1926, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM) ở ấp Mỹ Nhơn, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, rợp hoa sứ hồng và rất nhiều loại cây ăn trái. Hôm đoàn đến thăm, dì bưng rổ sơ ri, đu đủ mới hái, móm mém cười: “Dìa rồi, dìa rồi, đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp”. 

Năm 1947, dì Năm Minh bắt đầu đi theo cách mạng, làm công tác phụ nữ ở huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (cũ). Giai đoạn 1977-1984, dì là Phó hội trưởng Hội LHPN TP.HCM, sau đó chuyển sang Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM. Mãi đến khi tuổi già, trở về khu vườn đầy khế, chuối, mít, đu đủ, sơ ri… này, dì mới có những phút giây cho riêng mình. Mà, riêng tư đến độ quạnh quẽ, bởi chồng mất, người con trai duy nhất của dì thì đang ở nước ngoài. Trong bữa cơm sum họp, nghe nhắc lại thời sống chung nhà tập thể trên đường Lý Chính Thắng (TP.HCM), dì Năm Minh thốt lên: “Sao tao nhớ Hội mình quá”. Dường như tiếng “Hội” đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt các dì từ cái thời rong ruổi từ nông thôn đến thành thị, lội ruộng cấy lúa, nhổ cỏ cùng bà con nông dân. 

Hôm 25/1, giữa chợ Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), đoàn ghé nhà thắp cho dì Trần Kim Hoa nén nhang. Thời kháng chiến, nhà dì từng là trụ sở Đông Dương đại hội. Miết tay lên tờ báo Phụ Nữ TP.HCM số xuân Mậu Tuất vừa được tặng, bà Nguyễn Thị Kính, em dâu dì Kim Hoa, bật khóc: “Để tui đặt lên bàn thờ cho chị Ba đọc trước”. Giống như bà Kính, bà Phan Thúy Liễu (ngụ  tại Q. Bình Tân, TP.HCM) cũng vội dâng lên bàn thờ tờ báo xuân cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Được. Má Được (Út Điệt) từng là cán bộ văn phòng Hội LHPN TP.HCM, hy sinh năm 1966 tại  xã An Phước, huyện Củ Chi. 

THẮM TÌNH ĐỒNG ĐỘI

Mới 6g sáng 26/1, dì Tám Nhỏ (Nguyễn Kim Phụng) đã có mặt tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM. Dì níu tay bà Đỗ Thị Chánh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - nói: “Ghé qua Q. Gò Vấp đón Ba Son với Hai Phượng rồi xuống Thuận An (Bình Dương) cho Út Én lên xe nữa nghen con. Mấy bả đòi đi, chân cẳng khập khiểng, biểu ở nhà nghỉ ngơi mà đâu có chịu". Từ trong nhà, dì Sáu Vân (Phạm Thị Cẩm, ngụ tại P. Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chống gậy, bước thấp bước cao ra cổng. Chao đảo mấy lần, gương mặt dì Sáu Vân hơi nhợt nhạt vì bệnh, song giây phút hạnh ngộ cùng các dì Tám Nhỏ, Ba Son (Bùi Thị Son), Hai Phượng (Nguyễn Thị Phượng), Út Én (Nguyễn Thị Én) dường như đã xua tan mọi đớn đau thể xác.

Bà Đỗ Thị Chánh nhẹ nhàng choàng lên cổ dì chiếc khăn rằn. Khoảnh khắc đó, cả đoàn lặng im. Mấy phút sau, dì Ba Son bộc bạch: “Chủ trương đưa cánh phụ vận về thăm nhau mỗi dịp cuối năm mà Thành hội phụ nữ triển khai lâu nay luôn khiến chúng tôi ấm lòng. Giờ tóc đã bạc, chân đã mỏi, mỗi giây mỗi phút được níu tay, được ôm nhau đều quý giá vô cùng”. 

Muon neo duong xuan
Dì Sáu Vân (giữa) ôn lại chuyện xưa cùng dì Ba Son (bìa phải) và dì Út Én

Nghe nói đoàn sẽ đến huyện Bến Cát thắp nhang cho các liệt sĩ Trần Như Ý, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Chua, dì Sáu Vân một hai đòi theo. Mọi người hùa lại “dỗ” mãi, dì giận lẫy một hồi mới chịu. 

Khi những gương mặt thân quen xuất hiện ngoài ngõ, bà Lê Ngọc Lượng - vợ liệt sĩ Trần Như Ý - không thể hồ hởi ra đón như mọi năm. Bà ngồi co ro trên bộ phản gỗ, tay run run chỉ từng người: “Kia là Tám Nhỏ, kia là Út Én”. Chị Phạm Thị Kim Luôn - con dâu bà Lượng - giật mình: “Trời ơi, má nhớ được kìa”. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị kéo tay ra một góc, nói nhỏ: “Gần năm nay, má bị tai biến ngồi một chỗ. Má nhớ nhớ quên quên, nhiều khi đến vợ chồng tui mà má cũng không biết ai”. 

Suốt hành trình, bà Đỗ Thị Chánh là người lặng lẽ nhất. Bà ân cần dìu từng dì bước trên những đoạn đường lồi lõm, chăm chú lắng nghe câu chuyện ngày sum họp, thỉnh thoảng lại ôm chầm lấy ai đó. “Đi, để lắng lòng cảm nhận những gian khổ, hiểm nguy mà các dì đã trải qua cùng nhau thời kháng chiến. Đi, để biết tình đồng đội vẫn còn nguyên đó. Đi, để thế hệ cán bộ Hội trẻ chúng tôi hôm nay có thêm động lực, niềm tin vững vàng dấn thân cống hiến vì sự phát triển của phụ nữ” - bà Chánh nói.  

Muon neo duong xuan
 

TÂM UYÊN - MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI