Muốn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, phải diệt trừ tham nhũng

17/07/2014 - 17:15

PNO - PNO - Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên, tham nhũng như một “mảng đen” lớn, có sức lan tỏa, vừa trực tiếp vừa gián tiếp sinh ra những “chấm đen” khác trên bức tranh văn hóa hiện nay.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng 17/7, tại Hội trường TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM tổ chức Hội thảo “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TP.HCM trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”.

Muon giu ban sac van hoa dan toc, phai diet tru tham nhung

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM nhấn mạnh: ngày nay, đất nước ta đang từng bước ổn định và phát triển, TP.HCM tiếp tục đi tiên phong trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục được bồi đắp, phát huy; đồng thời, lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được vun bồi mạnh mẽ, bền bỉ và tiếp tục phát triển. Nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa rõ nét đã trở thành một trong những động lực rất quan trọng, mang tính nhân văn sâu sắc, nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách con người ngày càng lành mạnh, tiến bộ.

Tuy nhiên, đề dẫn của bà Thân Thị Thư cũng cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và áp lực toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức mới đầy nóng bỏng, quyết liệt trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Văn hóa ngoại lai và sản phẩm phi văn hóa, độc hại xâm nhập với cường độ “chóng mặt” thông qua các con đường như phim ảnh, âm nhạc, xuất bản phẩm, báo chí, truyền thông và nhất là trên internet đang gióng lên hồi chuông báo động. Xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyên truyền, kích động bạo lực, hành vi tội ác, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục, cổ xúy lối sống thấp kém, rẻ tiền… ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa xã hội. Lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thâm nhập làm nhạt phai các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, làm xói mòn dần các giá trị đạo đức tốt đẹp trong một bộ phận tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên.

Bà Thư cho rằng, những tiêu cực phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường đang tạo ra những mâu thuẫn về giá trị giữa tính thị trường và tính nhân văn của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Tình trạng thương mại hóa của nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ bất chấp tác hại gây ra cho xã hội đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Với gần 50 tham luận của các đại biểu gửi về tham gia tại hội thảo cùng 14 ý kiến tham luận và phát biểu tại hội thảo đã tập trung mổ xẻ thực trạng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TP.HCM trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Muon giu ban sac van hoa dan toc, phai diet tru tham nhung

Các đại biểu bên lề hội thảo.

Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng thiếu vắng hoặc nhạt nhòa bản sắc dân tộc trong các tác phẩm văn hóa nghệ thuật hiện nay trước hết là do ta chưa định hình, và từ đó chưa thực thi có hệ thống sự kế thừa đúng đắn các giá trị truyền thống dân tộc, khiến nhận thức chung nông cạn, có khi sai lệch, thiếu khoa học về mối quan hệ giữa hiện đại với dân tộc; đánh giá sai một số giá trị của văn hóa truyền thống, dẫn đến coi nhẹ hoặc bất lực trước đòi hỏi thể hiện bản sắc dân tộc, từ đó nảy sinh xu hướng tự ti, sùng ngoại, bắt chước, lai căng.

Đề xuất giải pháp, PGS.TS Trần Luân Kim cho rằng, ngoài việc phải có biện pháp khắc phục hiện tượng thiếu nhận thức và kém kiến thức về giá trị văn hóa dân tộc, cần đặc biệt coi trọng, khuyến khích các phản ánh sáng tạo cuộc sống đương đại theo tinh thần của dân tộc, mang hồn dân tộc; cần uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc hiện tượng lai căng, rập khuôn nước ngoài; quyết tâm chuẩn hóa và làm trong sáng tiếng Việt một cách toàn diện; tổ chức nghiên cứu khoa học, làm rõ bản chất mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc với yếu tố ngoại lai, đồng thời tìm hiểu khả năng hấp thụ và bản địa hóa hợp lý các yếu tố ngoại lai trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay của TP.

Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định: mặc dù TP.HCM có tiềm lực về văn hóa, có lực lượng văn nghệ sĩ đông nhưng hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa góp phần có hiệu quả vào việc xây dựng con người, xây dựng nhân cách, chưa đáp ứng đòi hỏi trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong tham luận “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho rằng: 15 năm Nghị quyết Trung ương 5 ra đời, nhưng thực trạng văn hóa vẫn còn quá nhiều nhiễu loạn. Nguyên nhân lớn nhất là vì chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh. “Giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” không nên chỉ là câu khẩu hiệu, mà phải được thực thi bằng chiến lược. Nó phải là cái lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trên thế giới phẳng về văn hóa hiện nay.

Muốn vậy, phải có chiến lược bảo vệ văn hóa và phải được thực thi trên cơ sở pháp luật, phải xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho các lĩnh vực văn hóa trong nước. Bên cạnh đó, trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ là không thể làm ngơ trước những tiêu cực trong xã hội. Cuộc sống vẫn ngồn ngộn biết bao vấn đề đòi hỏi văn nghệ sĩ phải sáng tạo bằng tâm huyết, bằng lòng dũng cảm.

Bà cho rằng rất cần sự nỗ lực đồng bộ. Cùng với việc thể chế hóa nghị quyết của Đảng thành chính sách cụ thể ở phạm vi cả nước, TP.HCM cần có đề án riêng, đề cập đúng mức những vấn đề cần giải quyết. Trong đó có xem xét nâng tỷ lệ đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật một cách tương xứng, có trọng tâm, trọng điểm, có chính sách đầu tư cho các văn nghệ sĩ có khả năng sáng tác. Tổ chức các cuộc vận động sáng tác lớn với đề tài lịch sử và đương đại, cùng những đề tài dành cho thiếu nhi; quan tâm đúng mức việc quy hoạch, sắp xếp và đầu tư mới những công trình văn hóa, thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân; có kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường văn hóa, giao lưu văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới mà TP.HCM là nơi có thế mạnh.

Là nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, ông Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, trước những thời cơ và thách thức hiện nay của TP.HCM trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì vấn đề xây dựng “nội lực văn hóa” của TP đã, đang và sẽ là vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong đó, phát huy truyền thống “Nhân văn, thượng võ” của Sài Gòn - TP.HCM là một trong những nguyên lý “sống còn” và có ý nghĩa thực tế đối với các điều kiện phát triển vững chắc của TP.

Nhận diện những thành phần xuống cấp về văn hóa, đạo đức trong xã hội, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và chính sách Quốc gia nhận định: “Có thể nói, chưa bao giờ những biểu hiện tiêu cực, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp lại xuất hiện nhiều như ngày nay. Những biểu hiện xuống cấp văn hóa và đạo đức đã như những chấm đen làm “tối” đi từng phần của bức tranh văn hóa Việt Nam.

Vì vậy, cần xác định đúng đối tượng chủ yếu và biện pháp mang tính đột phá cho vấn đề bảo vệ “Bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”. Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên tham nhũng là đối tượng chủ yếu vì nó như một “mảng đen” lớn, có sức lan tỏa, vừa trực tiếp vừa gián tiếp sinh ra những “chấm đen” khác trên bức tranh văn hóa. Vì vậy nếu loại trừ hoặc thu hẹp được thành phần tham nhũng thì nhiều “chấm đen” khác sẽ tự mất đi hoặc thu hẹp. Đó là giải pháp cơ bản làm cho bức tranh văn hóa Việt Nam tươi sáng hơn.

Lynh Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI