Mua bán cảnh phục, quân phục: Khó xử lý

05/05/2013 - 07:00

PNO - PN - TP.HCM có nhiều nơi bán quần áo, dụng cụ mô phỏng quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ gần giống như hàng thật. Với những bộ cảnh phục, quân phục, dụng cụ này, kẻ xấu có thể trang bị để gây án, trong khi việc quản lý...

Cần là có

Tại chợ Dân Sinh, khu chợ nổi tiếng về các loại hàng “độc” trên đường Yersin, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, khi tôi hỏi mua giày, vớ, mũ bảo hiểm của công an, bà chủ ki-ốt T. dè dặt hỏi: “Có thẻ ngành không mà mua?”. Sau khi nghe khách hàng trình bày lý do mua gửi về quê, bà chủ cửa hàng niềm nở báo giá: giày công an 200.000 - 250.000đ/đôi, nón bảo hiểm công an hai sọc 350.000đ/cái… Ngoài ki-ốt này, một tài xế xe ôm bên ngoài chợ còn sẵn lòng dẫn chúng tôi đi một số ki-ốt khác có bán loại công cụ hỗ trợ như: dùi cui bằng cao su, dùi cui bằng inox, thắt lưng công an có dòng chữ “Công ty May 19/5 - Bộ Công an”.

Trong vai những người khách có nhu cầu, chúng tôi đến cửa hàng Ph.N. ở số 125 Kha Vạn Cân, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, quầy bán hàng của Công ty 19/5 (thuộc Bộ Công an). Đáp lại sự dè dặt của chúng tôi, hai nhân viên nữ ở cửa hàng trưng bày sản phẩm trước cổng công ty hỏi: “Hai anh cần mua gì?”. Sau khi trả lời muốn mua nón bảo hiểm công an, một nhân viên liền mở tủ kính trưng bày nói: “Có nhiều kích cỡ lắm, anh xem vừa cỡ nào em lấy”. Trong lúc chúng tôi đang chọn hàng, một thanh niên đeo ba lô bước vào đề nghị được mua một đôi giày công an. “Không cần xuất trình thẻ ngành à?”, tôi hỏi thì được cô nhân viên trả lời: “Không cần đâu, cái này người dân mua được mà!”.

Một số trang mạng cũng công khai rao bán áo giáp chống dao, chống đạn với hai màu sắc rằn ri và đen, giá bán 1,6 triệu đồng. “Không có gì đảm bảo 100% bạn sẽ thoát nạn, nhưng với bộ áo giáp này khả năng sống sót sẽ tăng lên nhiều”, quảng cáo trên trang chodientu… khẳng định.

Mua ban canh phuc, quan phuc: Kho xu ly

Hai cảnh sát dỏm ở Nghệ An bị bắt khi kiểm tra giấy tờ và nhận tiền mãi lộ

“Chắp cánh” cho tội phạm

Gần đây, tình trạng tội phạm sử dụng quân trang giống như thật để gây án đã khiến dư luận lo ngại. Trong nhiều vụ việc, các đối tượng chủ yếu thực hiện hành vi lừa đảo, nguy hiểm hơn nữa là dùng “hàng nóng” cướp tài sản. Một trong những nội dung trong báo cáo tình hình trật tự an toàn xã hội tháng Ba vừa qua, Bộ Công an cho biết: nhiều địa phương xảy ra một số vụ giả danh công an đi lừa, cưỡng đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành. Đáng chú ý là nạn nhân của các vụ giả danh thường là phụ nữ.

Mới đây, một MC của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại tỉnh Phú Yên đã bị bắt quả tang khi đang cùng một học sinh lớp 12 giả mạo công an chặn xe người đi đường. Tối ngày 29/4, lực lượng công an phát hiện hai đối tượng mặc sắc phục công an đang chặn bắt, kiểm tra giấy tờ xe máy của người dân lưu thông trên đường nên ập vào bắt giữ đưa về trụ sở. K., nhân vật chính trong vụ việc khai nhận đóng giả công an để đi tác nghiệp về đề tài an toàn giao thông cho… an toàn. Sau khi sự việc bị phát giác, VTV Phú Yên đã phải cắt bỏ toàn bộ các chương trình truyền hình có K. tham gia.

Tương tự, ngày 1/5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Trần Long Duy (26 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP. Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, vào tháng 1/2013, Duy biết chị T. (ngụ P.Tam Hiệp) có em trai bị đưa vào trường giáo dưỡng nên mặc trang phục công an đến nhà chị T. hứa sẽ “chạy” cho em chị này về nhà trước thời hạn. Chị T. tin tưởng đưa cho Duy năm triệu đồng và viết giấy biên nhận hẹn “giải cứu” người thân. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Duy bỏ trốn. Qua xác minh, Công an TP. Biên Hòa khẳng định Duy từng làm bảo vệ dân phố ở P.Tam Hiệp nhưng đã nghỉ việc từ lâu.

Qua các hành vi giả danh công an trên, dù hậu quả chưa nghiêm trọng nhưng khiến nhiều người giật mình nhớ lại vụ cướp 400 lượng vàng chấn động TP.HCM trước đó. Đối tượng Huỳnh Hữu Nhân (57 tuổi, quê An Giang) đã sử dụng trang phục công an, cấp bậc đại úy. Sau khi hẹn giao dịch với DNTN kinh doanh vàng Tân Kim Hiếu (P.Tân Phú, Q.7), Nhân đến điểm hẹn với sắc phục công an rồi dùng hai khẩu súng xả đạn về nhóm nhân viên của tiệm vàng nhằm cướp 400 lượng vàng đã thỏa thuận mua trước đó.

Việc các cơ sở có khả năng may quân phục, cảnh phục dỏm như “chắp cánh” thêm cho tội phạm. Theo Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an TP.HCM), hầu hết tang vật giả mạo quân trang, quân dụng trong các vụ án qua xác minh không nằm trong quản lý của lực lượng công an - quân sự các cấp… Để kịp thời phát hiện tội phạm sử dụng quân trang, quân dụng giả mạo, cần phối hợp tổ chức kiểm tra hành chính thường xuyên và đột xuất.

Mua ban canh phuc, quan phuc: Kho xu ly

Để kịp thời phát hiện tội phạm sử dụng quân trang, quân dụng giả mạo, cần phối hợp tổ chức kiểm tra hành chính thường xuyên và đột xuất

Cần sự phối hợp đồng bộ

Luật sư Nguyễn Văn Trường- Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, điều 265 Bộ luật Hình sự quy định người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tuy nhiên, các hành vi tiếp diễn sau đó như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản… mới thực sự đáng lo ngại, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, theo luật sư Trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh quân trang, công cụ hỗ trợ được sử dụng trong lực lượng vũ trang sẽ vi phạm Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Vi phạm với số lượng hàng hóa có giá trị lớn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 59/2006/NĐ-CP đã quy định chi tiết về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, trong đó xác định rõ vũ khí quân dụng, quân trang… thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nếu thương nhân, cá nhân, tổ chức kinh doanh mặt hàng này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều vụ trọng án, tội phạm giả dạng công an, quân đội, sử dụng vũ khí để gây án, tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường không thể phát hiện hết việc mua bán, sản xuất quân trang, quân dụng, công cụ hỗ trợ. Việc xử lý hàng cấm kinh doanh phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía mới đạt hiệu quả.

VINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI