“Mẹ đỡ đầu” - hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19

03/11/2021 - 10:23

PNO - Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho hay “Mẹ đỡ đầu” là chương trình dài hơi của Hội nhằm hỗ trợ, chăm sóc toàn diện trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19, góp phần làm vơi đi nỗi đau, mất mát to lớn mà các em phải trải qua.

Phóng viên: Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 2.600 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19, trong đó có 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ. Hội LHPN Việt Nam có những chương trình nào để hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt này?

Bà Hà Thị Nga: Do tác động của dịch COVID-19, hơn 2.000 trẻ đã mất đi cha mẹ, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự mất mát này là quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Các em này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là những trẻ có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nay tiếp tục mất đi trụ cột gia đình. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, phù hợp thì sức khỏe thể chất, tinh thần cũng như cơ hội thành công của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, hoạt động để hỗ trợ các em. Hội đã phát động chương trình “Triệu phần quà chia sẻ yêu thương” giúp phụ nữ, trẻ em vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh. Tới nay, chương trình đã vận động được 166,04 tỷ đồng, tương đương 553.466 phần quà (mỗi phần quà trị 300.000 đồng) hỗ trợ trực tiếp cho phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị cách ly, phong tỏa tại các tỉnh, thành phía Nam và những tỉnh bị ảnh hưởng của COVID-19.

Bên cạnh đó, các cấp hội LHPN tiếp tục vận động nguồn lực duy trì “Quỹ tiếp bước cho em đến trường” nhằm kịp thời động viên, khích lệ và hỗ trợ để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không phải bỏ học giữa chừng. Kết quả, từ tháng 6/2020 - 7/2021, quỹ đã vận động được 238,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, mới đây, ngày 17/10, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Chương trình được phát động trên phạm vi toàn quốc nhằm vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ, nhận đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt tập trung vào trẻ mồ côi do đại dịch để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng. 

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại lễ phát động chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp hội
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại lễ phát động chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp hội

* Xin bà nói thêm về mục tiêu và các hoạt động của chương trình “Mẹ đỡ đầu”?

- “Mẹ đỡ đầu” ở đây có thể hiểu là tổ chức hoặc cá nhân hảo tâm trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện… “Mẹ đỡ đầu” cũng có thể gián tiếp hỗ trợ vật chất cho gia đình, cho người nuôi dưỡng trực tiếp hoặc thông qua chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tại các cấp hội. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” khuyến khích cam kết nhận đỡ đầu các em đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định theo điều kiện, khả năng của người tham gia hoặc nguyện vọng của gia đình. 

Theo lộ trình, đến quý I/2022, chương trình sẽ cơ bản hoàn thành việc tổ chức cho các cá nhân, tập thể đăng ký nhận đỡ đầu. Cuối năm 2022, Hội sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm một năm thực hiện và đến năm 2026, sẽ sơ kết 5 năm thực hiện và định hướng triển khai cho các năm tiếp theo.

Trước hết, Hội sẽ tập trung truyền thông, vận động, giới thiệu chương trình tới cán bộ, hội viên, phụ nữ, các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội; từ đó vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, tiếp đến là kết nối, hỗ trợ người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại bệnh viện, tại trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các gia đình...

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” cũng giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở địa phương theo chức năng của Hội; hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em và gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước. Hội cũng chú trọng công tác tư vấn, chia sẻ và đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường gia đình, cộng đồng, từ đó giúp trẻ được chăm sóc tốt về tinh thần.

Chương trình được triển khai dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Sự hỗ trợ phải sát hợp với nhu cầu của trẻ, ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương. Toàn bộ các nguồn hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng sẽ được công khai, minh bạch.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải), Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM, đại diện chương trình Vòng tay yêu thương tặng quà cho trẻ mồ côi, khó khăn tại Q.4, TP.HCM vào chiều 2/11. Đây là một trong những chương trình hưởng ứng chương trình Mẹ đỡ đầu do Trung ương Hội phát động - ẢNH: DIỄM TRANG
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa (bìa phải), Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TPHCM, đại diện chương trình "Vòng tay yêu thương" tặng quà cho trẻ mồ côi, khó khăn tại Q.4, TPHCM vào chiều 2/11. Đây là một trong những chương trình hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội phát động - Ảnh: Diễm Trang

* Để chương trình thực sự đạt được hiệu quả, công tác tập huấn cho cán bộ để nắm được các kỹ năng tư vấn, điều phối các nguồn lực hỗ trợ, xử lý các tình huống phát sinh… là vô cùng quan trọng. Hội có kế hoạch như thế nào cho vấn đề này? 

- Ngay sau khi ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hướng dẫn Hội LHPN các tỉnh, thành rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi do COVID-19 để có cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Để đảm bảo chương trình được triển khai hiệu quả, liên tục, Trung ương Hội sẽ điều phối nguồn lực từ các chương trình, đề án liên quan do Hội đang chủ trì. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội LHPN các cấp và tư vấn kiến thức, kỹ năng cho người chăm sóc trực tiếp trẻ.

Để duy trì chương trình lâu dài, rất cần những chính sách mang tính chiến lược về hỗ trợ, chăm sóc để trẻ phát triển toàn diện. Hiện tại, Trung ương Hội đã đề xuất đưa nội dung này vào chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Mặt trận Tổ quốc và chủ trì thực hiện nhiệm vụ tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực gia đình và đời sống xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội có cơ chế đề xuất, huy động nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất các chính sách phù hợp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, phối hợp tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI