Lửa ấm từ SEA Games 31

09/05/2022 - 06:29

PNO - Ngày 12/5, lễ khai mạc SEA Games 31 mới chính thức diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (TP.Hà Nội) nhưng lửa đã ấm dần lên từ vài ngày trước, từ lễ xin lửa thắp đuốc SEA Games 31 được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và từ chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Indonesia trong ngày đầu ra quân (6/5).

Chiều 6/5, kiếm thủ Vũ Thành An - người giành huy chương vàng ba kỳ SEA Games liên tiếp - cầm ngọn đuốc dẫn đầu đoàn gồm 11 vận động viên tiêu biểu (tượng trưng cho 11 nước tham dự kỳ SEA Games lần này) di chuyển trên đường phố Hà Nội về sân vận động Mỹ Đình và đưa tới phòng thờ Bác Hồ. Ngọn lửa thiêng sẽ được bùng cháy cho đến khi SEA Games 31 khép lại vào ngày 23/5.

Một người chị mà tôi quen kể, lúc đoàn xin lửa thắp đuốc đi qua, thấy khung cảnh trang trọng mà người lớn sửa soạn, đứa con trai sáu tuổi của chị đang đi bộ với mẹ, liền đứng yên một chỗ, giơ tay lên chào cờ với một vẻ háo hức đặc biệt. Một thời gian dài chơi trong bốn bức tường do dịch COVID-19, đã lâu, em mới được mẹ cho ra ngoài đi dạo vào buổi chiều. Bé nói: “Các cô chú đó hôm nay không còn đeo chiếc khẩu trang kín mít nữa”. 

Đoàn rước đuốc SEA Games 31 về tới SVĐ Quốc gia Mỹ Đình
Đoàn rước đuốc SEA Games 31 về tới SVĐ Quốc gia Mỹ Đình

Lời một đứa nhỏ nói, thoạt nghe thì quá đỗi bình thường, nhưng ngẫm một chút, mới thấy không chỉ có thế. Thay cho lời muốn nói, Việt Nam đã hạ “chiếc khẩu trang rào cản” về mặt biên giới, sẵn sàng chào đón bạn bè quốc tế đến với SEA Games 31, đến với Việt Nam.

Lẽ ra, theo kế hoạch, SEA Games 31 đã diễn ra tại Việt Nam vào năm ngoái, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay mới tiến hành. Từ cuối tháng Tư tới đầu tháng Năm, đặc biệt những cận kề sự kiện, mọi công tác chuẩn bị đã gần như hoàn tất, chỉ chờ chuyến tàu mang tên SEA Games lăn bánh. Khắp đường phố Hà Nội, không khí SEA Games thực sự đang đến gần với băng rôn, áp phích, cờ hoa… nhằm quảng bá, truyền thông, tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần cho các vận động viên. 

Đừng quên, khi Việt Nam khẩn trương và tích cực cho kỳ đại hội thể thao của cả khu vực, trong vòng 24 giờ qua, thế giới vẫn ghi nhận trên 394.000 ca mắc COVID-19 và 950 ca tử vong (theo trang mạng worldometer.info). Còn theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, dịch COVID-19 ở nước ta đã giảm sâu và duy trì ổn định với khoảng 3.000 - 4.000 ca mắc mới mỗi ngày suốt hai tuần qua; số ca tử vong là 2, số người bệnh nặng là dưới 500 ca; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới… Rõ ràng, đây là những số liệu đáng mừng. 

Có được những kết quả đó và an toàn thích ứng với “bình thường mới” là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ. Để Việt Nam có thể tự tin mở rộng đôi tay đón bạn bè quốc tế trong kỳ SEA Games này lại là một nỗ lực khác nữa, của nhiều cá nhân, tổ chức, các cấp, các ngành. 

Vì thế, SEA Games 31 không đơn thuần chỉ là một đại hội thể thao của khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh vượt lên nghịch cảnh mà đại dịch COVID-19 đến và gieo nên, SEA Games 31 lớn hơn nhiều so với tính chất của nó. Nó là một sự kiện bản lề khép - mở: Khép lại một chặng đường dài chống chọi dịch bệnh, mở ra chặng đường mới sống chung an toàn, thích ứng và làm chủ nó. 

Đó cũng là tinh thần được đưa ra cách đây vài ngày trong cuộc họp của Tiểu ban Thông tin Truyền thông SEA Games 31: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. SEA Games 31 cổ vũ, khuyến khích những cú vượt lên mạnh mẽ của những quốc gia anh em.

Theo Kinh dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim. Còn trong tiếng Phạn, trong sạch và lửa chỉ là một từ. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (Nhà xuất bản Đà Nẵng, Phạm Vĩnh Cư chủ biên), lửa cũng là biểu tượng của tẩy uế và tái sinh. SEA Games 31 diễn ra đúng những ngày mùa hè cuồng nhiệt nhất, sau hơn hai năm ngưng trệ với nhiều mất mát, tổn thất, cố gắng không ngừng. 

Ngọn đuốc mà kiếm thủ Vũ Thành An mang trong nghi lễ xin lửa đó sẽ được cháy cho tới ngày cuối cùng của đại hội thể thao của khu vực. Ở một góc nhìn khác, đó còn là ngọn lửa thiêng thắp lên một tâm tình khác, cho một đất nước và con người Việt Nam sau đại dịch. Một cảm thức của Việt Nam mới. 

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI