Khuyến sinh cho cán bộ công chức: Cần tính đến chuyện làm việc từ xa

13/05/2025 - 15:21

PNO - Tại tọa đàm khoa học “Thực trạng chính sách dân số liên quan đến phụ nữ và gợi ý giải pháp” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 13/5, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm đến hình thức làm việc từ xa trong các chính sách khuyến sinh.

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm

Trong rất nhiều vấn đề cần lưu tâm đến câu chuyện tăng tỷ suất sinh tại TPHCM, bà Trần Kim Thanh – Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM – đặt biệt quan tâm đến nhóm đối tượng cán bộ công chức. Theo bà Kim Thanh, đây là nhóm nguy cơ bởi những cán bộ, công chức trẻ hiện nay rất lười lập gia đình và lười sinh con. Theo bà, áp lực công việc hiện nay khiến người cán bộ, công chức không còn nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình.

Đề cập đến việc Bộ luật lao động có chế độ làm việc linh hoạt, tuy nhiên, bà Kim Thanh khẳng định, chế độ này chưa được áp dụng đối với nhóm công chức, viên chức. Bà đề nghị cần có chính sách linh hoạt dành cho cả phụ nữ và nam giới trong bối cảnh hiện nay.

Trần Kim Thanh – Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM
Trần Kim Thanh – Phó trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ TPHCM - đề xuất ý kiến tại tọa đàm

Từ trải nghiệm của bản thân, anh Lê Thanh Bình – Phó ban Mặt trận – An ninh quốc phòng, địa bàn dân cư Thành Đoàn TPHCM – đồng tình với đánh giá của bà Kim Thanh về việc cán bộ, công chức trẻ hiện nay kết hôn trễ và rất ngại sinh. Theo anh Bình, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Song song đó, việc sáp nhập tỉnh thành đang được khẩn trương thực hiện và sắp tới, cả nước sẽ tiến tới đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, tiệm cận với phương thức đánh giá của khối doanh nghiệp và tư nhân đã làm trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, anh đề cập đến việc cần thiết phải thay đổi tư duy về hình thức làm việc tại nhà, làm việc từ xa.

“Việc sáp nhập tỉnh thành dự báo khả năng cán bộ, công chức phải đi làm xa rất cao. Việc di chuyển vất vả và mất nhiều thời gian khiến cán bộ, công chức không còn nhiều thời gian cho câu chuyện cá nhân, con cái, gia đình trong khi đây là nhóm đối tượng có mức sinh rất thấp hiện nay. Do đó, tôi đề nghị mạnh dạn tận dụng bối cảnh chuyển đổi số hiện nay để làm việc từ xa, làm việc trực tuyến. Việc làm việc tại nhà có KPI sẽ giúp cho mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là lực lượng trẻ - những người có khả năng thích ứng rất nhanh trước những thay đổi của khoa học công nghệ - vừa có thể đảm bảo công việc cơ quan, vừa có thể dành nhiều thời gian cho gia đình cũng như đời sống cá nhân sẽ là một giải pháp có tác động trong câu chuyện liên quan đến dân số và xây dựng gia đình hạnh phúc”, anh Bình đề xuất.

Bà Đào Thị Vi Phương - Phó trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN Việt Nam (bìa trái) và bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM (bìa phải) đồng chủ trì tọa đàm
Bà Đào Thị Vi Phương - Phó trưởng ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN Việt Nam (bìa trái) và bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM (bìa phải) chủ trì tọa đàm

Tâm đắc với giải pháp trên, bà Đào Thị Vi Phương - Phó Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam – cũng chỉ ra rằng, nhà nước đã đặt ra vấn đề đảm bảo an sinh cho lực lượng cán bộ công chức khi phải chuyển địa bàn làm việc xa bằng việc cố gắng xây dựng các khu lưu trú công vụ. Tuy nhiên, việc phụ nữ hiện nay đang đảm trách quá nhiều công việc không lương và đặt trong bối cảnh phụ nữ đã có con và có con nhỏ, với khoảng cách di chuyển, làm việc xa như vậy, sự ưu tiên công việc sẽ dành cho nam giới. Và nếu lựa chọn giữ lấy công việc, phụ nữ sẽ không sinh thêm con. Điều đó sẽ tác động rất nhiều đến các vấn đề dân số trong nhóm đối tượng cán bộ, công chức. Do đó, theo bà, giải pháp làm việc từ xa cần được quan tâm.

TPHCM đang đối mặt với thách thức dân số vô cùng nghiêm trọng

Chia sẻ tại tọa đàm, tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt – Phó trưởng ban Gia đình – Xã hội HĐND TPHCM - dẫn số liệu cho thấy, từ năm 2004 đến 2021, tổng tỷ suất sinh của TPHCM liên tục duy trì dưới mức sinh thay thế, giảm từ 1,59 (2004) xuống 1,39 (2021). Đồng thời, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nữ tại TPHCM đạt 27,2 tuổi và có xu hướng tăng – phản ánh tâm lý trì hoãn sinh con phổ biến trong giới trẻ do chi phí sinh hoạt, giáo dục cao và thay đổi trong quan niệm về hôn nhân, gia đình. “TPHCM đang đối mặt với thách thức về dân số vô cùng nghiêm trọng”, tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban Gia đình - Xã hội HĐND TPHCM chia sẻ về thực trạng dân số của TPHCM
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó trưởng ban Gia đình - Xã hội HĐND TPHCM chia sẻ về thực trạng và những chính sách dân số của TPHCM

Mặc dù TPHCM đã triển khai nhiều chính sách dân số, bao gồm một số chính sách đặc thù như Đề án nâng cao chất lượng dân số (2021–2025), Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số và đặc biệt là Nghị quyết số 40/2024/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về hỗ trợ phụ nữ sinh đủ 2 con, tầm soát trước sinh – sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi và kiểm soát mất cân bằng giới tính. Tuy vậy, theo ông Minh Nhựt, chính sách hiện hành chủ yếu dừng lại ở mức hỗ trợ hành chính và truyền thông, chưa đủ mạnh để điều chỉnh hành vi sinh sản trong bối cảnh đô thị.

Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI