Lô hồ tiêu trị giá 3 triệu USD của Việt Nam bị kẹt ở Nepal

15/07/2020 - 06:18

PNO - 58 container hồ tiêu của 13 doanh nghiệp Việt Nam bị kẹt gần hai tháng tại Nepal khiến chủ các lô hàng này phải kêu cứu.

Theo đại diện 13 doanh nghiệp (DN), số hàng này bị kẹt tại cảng Birgunj (Nepal) và Kolkata (biên giới Nepal - Ấn Độ) do các nhà nhập khẩu Nepal không nhận hàng. Lý do họ đưa ra là quốc gia này áp dụng lệnh cấm nhập khẩu năm mặt hàng, trong đó có hồ tiêu dù thời gian chốt đơn hàng, vận chuyển đi đều hoàn thành trước khi có lệnh cấm này. Hàng đã cập cảng mà không được thông quan khiến các DN đang phải chịu chi phí thuê container, kho, bãi, hao hụt rất lớn. Các DN muốn tái xuất ngược về Việt Nam cũng không được.

Lượng hồ tiêu chứa trong 58 container của 13 doanh nghiệp trị giá hơn 3 triêu USD
Lượng hồ tiêu chứa trong 58 container của 13 doanh nghiệp trị giá hơn 3 triêu USD

Bà Phùng Thu Huyền (Công ty TNHH Nam International) cho hay, dù phía Việt Nam đã có rất nhiều văn bản chính thức gửi đến phía Nepal nhưng đến nay, đã gần hai tháng, phía Nepal vẫn chưa có động thái nào chính thức, cũng chưa có phương án để đưa hàng về. Chi phí lưu kho, lưu bãi mỗi container thấp nhất là hơn 100 USD/ngày. “Đáng ngại hơn, hồ tiêu để lâu ngày có thể bị mốc, giảm chất lượng, hao hụt” - bà Huyền nói.

Mỗi container hồ tiêu có trị giá khoảng 60.000 USD. Số hồ tiêu bị kẹt chủ yếu là của các DN vừa và nhỏ nên nhiều DN đối diện nguy cơ nợ ngân hàng quá hạn. Đại diện một số DN cho biết, phí lưu kho, lưu bãi tính đến nay đã vượt 30-40% giá trị lô hàng. 

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - hiện các DN chỉ mong muốn các nhà nhập khẩu của Nepal nhận hàng, thanh toán tiền hoặc cho tái xuất 58 container hàng; khi tái xuất cũng đề nghị các hãng tàu liên quan đến 58 container này giảm tối đa chi phí vận chuyển.

Ngay khi các DN xuất khẩu hồ tiêu kêu cứu, trong văn bản gửi ông Moti Lal Dugar - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam - nêu rằng, lệnh cấm này có vẻ không nhất quán với tinh thần tự do thương mại và cũng không được báo trước cho các bên có liên quan. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay ngày được phát hành là 6/4/2020, thậm chí chính sách này còn được áp vào việc từ chối cho thông quan các lô hàng đã mở tín dụng thư từ chín ngày trước đó, tức ngày 29/3/2020. 

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu hồ tiêu này đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới các DN xuất khẩu hồ tiêu và nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam. Nếu các DN xuất khẩu Việt Nam mang hàng về, họ sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn để hoàn tất thủ tục tái xuất hàng của Nepal.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị phía Nepal cân nhắc cho các container hàng hồ tiêu Việt Nam đã tới cảng Nepal được phép nhập khẩu hoặc tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu Việt Nam được mang hàng quay lại Việt Nam. Ông Trần Tuấn Anh cũng đề nghị phía Nepal chỉ định một bộ phận chuyên trách để thảo luận với bộ phận chuyên trách của Bộ Công thương Việt Nam nhằm nhanh chóng tìm giải pháp cho các container hàng nói trên để giảm thiểu thiệt hại cho DN cả hai bên. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI