Lên rừng xuống biển xứ Phú Yên

17/02/2020 - 07:45

PNO - Nếu như Gành Đá Đĩa cho ta cảm giác hoang sơ thì nhà thờ Mằng Lăng chính là lựa chọn để ta tìm về bình yên, thư thả.

Bên núi non trùng điệp, bên biển xanh ngút ngàn, đó là những ưu ái mà thiên nhiên dành cho vùng đất Phú Yên. Chính vì đặc điểm này, nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách.

Đường biển dài với nhiều kiến tạo đã tạo nên đặc điểm tự nhiên độc đáo cho Phú Yên. Gành Đá Đĩa là một trong những tạc tạo mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng biển này. 

Những vách đá lan ra sát biển. Chúng ngâm mình trong những con sóng hàng triệu năm, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời và trơ trơ thổi cùng gió.

Núi đá tại Gành Đá Dĩa.
Núi đá tại Gành Đá Đĩa.

Đứng trong những nách đá biển, ta sẽ nghe ngoài kia gió lồng lộng. Cảm giác tựa như chúng ta đang cầm một con ốc, áp tai vào, tiếng rì rào to nhỏ.

Từ khe đá nhìn ra biển.
Từ khe đá nhìn ra biển.

Gành Đá Đĩa không chỉ điểm tô vẻ đẹp duyên hải đất nước mà còn tạo nên văn hóa đá của cư dân nơi đây. Những chuồng bò được tạo nên từ những viên đá bằng cách xếp chồng lên nhau mà không cần gạch vữa.

Những ngôi nhà có móng bằng đá và một con dốc với từng bậc đá nối liền. Những ngôi mộ đá trơ trọi giữa đất trời tạo nên nét văn hóa độc đáo cho vùng gành đá này. Người dân nơi đây không chỉ biết tận dụng sản vật đất trời mà còn thật tài tình và khéo léo.

Chuồng bò được xếp bằng đá.
Chuồng bò được xếp bằng đá.

 

Những ngôi mộ đá vùng Gành Đá Dĩa.
Những ngôi mộ đá vùng Gành Đá Đĩa.

 

Móng và cầu thang đá một ngôi nhà.
Móng và cầu thang đá một ngôi nhà.

Núi lan ra sát biển là đặc điểm nổi bật của địa hình miền trung. Chính đặc điểm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống giao thông của khu vực. Các con đèo uốn lượn áp sát triền núi. Đó là cảm giác mà các tay lái rất thích thú.

Một đoạn đèo tại Quốc lộ 29 đi ngang Vịnh Vũng Rô.
Một đoạn đèo tại quốc lộ 29 đi ngang vịnh Vũng Rô.

Và dưới chân đèo, những hốc hang ăn sâu vào núi để lộ ra những bãi đá vô tư. Chúng đón gió biển, tắm nước biển và phơi nắng biển, năm này qua năm khác. Nơi đây trở thành những bãi tắm rất lý tưởng.

Bãi đá dưới chân đèo Cả đoạn đi qua biển Đại Lãnh.
Bãi đá dưới chân đèo Cả đoạn đi qua biển Đại Lãnh.

Ngang đèo Cả, ngoài việc thưởng trọn cảm giác ôm ấp núi rừng, ta còn thoải mái với những cái phóng mắt xa xăm về phía biển. Trên những quanh co uốn lượn ấy, liệng mắt xuống, ta sẽ bắt gặp sợi dây xích vắt trên chân đèo. Đó chính là đường sắt Bắc Nam tại khu vực mũi Đại Lãnh. 

Một đoạn đường sắt tại Đại Lãnh.
Một đoạn đường sắt tại Đại Lãnh.

Ngược vào đất liền, nhà thờ Mằng Lăng sừng sững giữa núi rừng như một chứng tích của thế kỷ trước. Nhà thờ được thiết kế theo kiến trúc Gothic với nhiều hoa văn, bài trí độc đáo.

Mặt chính của nhà thờ được chia làm ba phần: phần dưới cùng là cửa, phần giữa thường là cửa sổ kính màu và phần trên cùng là tháp chuông.

Nhà thờ Mằng Lăng Phú Yên.
Nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên.

Trong cung thánh đường, ánh đèn vàng mờ tạo nên không gian huyền ảo nhưng cung kính. Phong cách Gothic nhấn mạnh vào những hình khối theo chiều thẳng đứng, tập trung vào những hệ cột mảnh và kết hợp cùng với vật liệu kính.

Bên trong nhà thờ Mằng Lăng.
Bên trong nhà thờ Mằng Lăng.

Kính màu trang trí các cửa sổ tạo nên điểm nhấn cho nhà thờ. Ngoài kính màu tại các cửa sổ hai bên thì phần giữa của mặt chính nhà thờ cũng sử dụng vật liệu này.

Hệ thống cột và kính màu của nhà thờ
Hệ thống cột và kính màu của nhà thờ

 

Từ thánh đường nhìn ra, cửa sổ kính màu mặt trước nhà thờ lấp lánh nhờ ánh mặt trời.
Từ thánh đường nhìn ra, cửa sổ kính màu mặt trước nhà thờ lấp lánh nhờ ánh mặt trời.

Gạch bông thánh đường là một trong những chỉ dấu của lịch sử nhà thờ. Các viên gạch vuông vức với hoa văn liền nhau tạo nên một bức tranh liền mạch và tinh xảo.

 

Gạch bông lát nền nhà thờ Mằng Lăng với nhiều hoa văn tinh xảo.
Gạch bông lát nền nhà thờ Mằng Lăng với nhiều hoa văn tinh xảo.

Ngoài hệ thống kính màu thì vòm và cửa gỗ cũng là một vết tích của nhà thờ. Khác với hệ thống vòm hình múi có sóng quen thuộc, vòm ở nhà thờ Mằng Lăng được ốp phông gỗ, trang trí đèn màu. Theo đó, những cánh cửa gỗ được trạm trổ tinh xảo, trầm mình với dòng chảy của thời gian.

Cánh cửa gỗ tại lối đi vào nhà thờ.
Cánh cửa gỗ tại lối đi vào nhà thờ.

Đến với Phú Yên, ta không chỉ hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ mà còn lắng đọng với những lớp trầm tích của vùng đất. Nếu như Gành đá Dĩa cho ta cảm giác hoang sơ thì nhà thờ Mằng Lăng chính là lựa chọn để tìm về bình yên, thư thả.

Tấn Đồng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI