Làm sao tránh dị ứng khi mang thai?

05/04/2021 - 11:47

PNO - Ước tính khoảng 20% phụ nữ mang thai bị dị ứng. Những triệu chứng hoặc phản ứng dị ứng có thể thay đổi trong quá trình mang thai, do sự thay đổi nội tiết thai kỳ.

 

Có nhiều dạng dị ứng: chàm thể tạng, suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, phấn hoa - bụi bẩn, thời tiết… Các triệu chứng có thể xảy ra: ngứa da, nổi mẩn đỏ khắp người, nổi mề đay, chảy nước mũi, chảy nước mắt, hắt hơi, khò khè, khó thở, phù nề miệng, môi, mặt. 

Người có cơ địa dị ứng như: suyễn, chàm thể tạng, viêm mũi dị ứng, dị ứng với latex (có trong găng tay hoặc dụng cụ y khoa), dị ứng thực phẩm, dị ứng vài loại thuốc, có tiền căn gia đình dị ứng… đều dễ bị dị ứng khi mang thai.

Điều trị dị ứng thai kỳ như thế nào?

Phòng ngừa dị ứng luôn là cách điều trị tốt nhất. Hạn chế tiếp xúc với dị nguyên để tránh sự kích hoạt dị ứng bất cứ khi nào có thể. Thuốc chống dị ứng có thể được sử dụng khi mang thai, nhưng tốt nhất là theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng bệnh

Để phòng ngừa dị ứng, trước tiên phải tránh tiếp xúc với dị nguyên. Nếu bạn dị ứng với khói thuốc nên tránh xa những người hút thuốc lá. Tránh những hóa chất gia dụng (sơn, vani…) nếu đó là dị nguyên của bạn. Tránh bụi bẩn, nếu phải ra đường nên dùng kính mát. Khi về nhà nên cởi bỏ giày, rửa tay và rửa mặt ngay. Tránh dùng những thực phẩm gây dị ứng cho bạn. Tránh tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo. 

Những người có tiền căn dị ứng nên ghi sẵn vào sổ tay và sổ khám thai các loại dị nguyên, chẳng hạn: loại thuốc đã bị dị ứng, thực phẩm, phấn hoa, latex, thời tiết lạnh, khói thuốc, bụi bẩn… Sổ tay hoặc sổ khám thai này phải để ở nơi dễ lấy và cho người nhà biết. Thông báo với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế về tiền căn dị ứng của mình, trình bày các dị nguyên từng bị. Mang theo bên người các loại thuốc chống dị ứng đã từng sử dụng phòng khi tình trạng dị ứng xảy ra.

Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ bị dị ứng

Nên ăn uống đầy đủ các chất như: đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ, trái cây. Chú ý tránh các loại thực phẩm từng bị dị ứng. Tránh ăn những thực phẩm lạ. 

Bệnh dị ứng có di truyền không?

Dị ứng là tình trạng có tính di truyền, chẳng hạn cha hoặc mẹ bị chàm thể tạng thì 50% con cái sẽ mắc bệnh này. Nếu cha hoặc mẹ bị suyễn thì con cái có nguy cơ cao bị dị ứng như viêm mũi dị ứng, suyễn, viêm da tiếp xúc, dị ứng thực phẩm.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà

Bệnh viện Từ Dũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI