Kịch bản nào cho thị trường bất động sản hậu giãn cách?

24/06/2021 - 07:19

PNO - Theo ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư đánh giá lại thị trường, tài chính và danh mục đầu tư.

TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, khiến giao dịch nhà đất ngưng trệ theo. Trong thời gian này, các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu tập trung xây dựng kế hoạch để quay lại sau thời kỳ giãn cách. Thị trường bất động sản hậu giãn cách sẽ như thế nào? Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam (chuyên nghiên cứu thị trường thế giới) - về vấn đề này.

Ông David Jackson
Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam


Phóng viên: Ông nhận định gì về thị trường bất động sản (BĐS) dưới tác động của đợt dịch COVID-19 thứ tư này ở Việt Nam?
- Ông David Jackson: Đương nhiên là đại dịch COVID-19 có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường BĐS. Sự bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ tư khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng. Do đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát thành công dịch COVID-19. Thị trường BĐS cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.  

Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, “nguồn cầu” các hoạt động kinh doanh BĐS trong tháng 5/2021 giảm so với các tháng của quý I/2021, nhưng nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực BĐS ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn, đồng thời ở Việt Nam, giá nhà đất thường có xu hướng tăng theo thời gian. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới tham gia thị trường - PV). Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng khá thấp, dưới 6,5%/năm, khó thu hút nguồn tiền tích lũy trong dân.

Trong thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh trực tuyến và khách hàng vẫn có nhu cầu mua nhà, đất để đầu tư hoặc ở, đặc biệt là ở những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, TP.Hà Nội... 

Các chuyên gia khuyên những nhà đầu tư mới thận trọng trước khi quyết định đổ vốn vào thị trường bất động sản
Các chuyên gia khuyên những nhà đầu tư mới thận trọng trước khi quyết định đổ vốn vào thị trường bất động sản

Tại TP.HCM, trong sáu tháng cuối năm, nguồn cung căn hộ có khả năng tăng và đất nền vẫn là phân khúc khá sôi động khi mà quỹ đất “sạch” ngày càng khan hiếm. Đất nền vùng ngoài trung tâm như TP.Thủ Đức, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt sốt đất vừa qua. 

* Theo ông, liệu có xảy ra hiện tượng nhà đầu tư bán cắt lỗ hoặc giảm giá trong thời gian tới không?

- Chúng tôi vẫn chưa nhận thấy tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ BĐS một cách ồ ạt. Đợt dịch lần này đã kéo dài sang tuần thứ ba và nhìn chung, số đông nhà đầu tư vẫn có thể “gồng” được. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài thêm vài tuần nữa, khả năng “chịu đựng” cũng như tâm lý của không ít nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm và hiện tượng bán tháo, bán cắt lỗ có thể xảy ra ở quy mô nhỏ. 

* Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp và nhà đầu tư BĐS trong thời gian này? 

- Theo tôi, điều quan trọng là doanh nghiệp và nhà đầu tư BĐS phải kiểm soát dòng tiền hiệu quả, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Áp lực trả tiền lãi và gốc cho ngân hàng mỗi tháng sẽ rất nặng nếu tỷ lệ vay của nhà đầu tư quá cao (từ khoảng 50% giá trị BĐS trở lên). Thậm chí, nhà đầu tư có thể phải bán tháo, cắt lỗ. Do đó, nhà đầu tư nên xác định đầu tư lúc này tức là nhìn về trung và dài hạn để tìm kiếm lợi nhuận vì một bộ phận không nhỏ người dân chịu các tổn thất về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Đây cũng là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư bình tĩnh đánh giá lại thị trường, tình hình tài chính và danh mục đầu tư. 

 

TP.HCM: Phấn đấu phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở vào cuối năm nay

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Trong đó, về công tác phát triển nhà ở, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phấn đấu phát triển 8 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở trên địa bàn thành phố, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người lên 21,04m2/người vào cuối năm 2021. Tính đến tháng 6/2021, TP.HCM đã phát triển 1,92 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở (diện tích nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng là 1,39 triệu m2, nhà ở thương mại là 0,53 triệu m2), diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,65 m2/người.

Sở Xây dựng cũng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án, với tổng số 11.948 căn nhà và tổng diện tích sàn là 1.231.514,12m2. Cụ thể, căn hộ chung cư là 11.038 căn, diện tích sàn là 1.006.040,12m2; nhà ở thấp tầng 910 căn, diện tích sàn 225.474m2. Trong đó, phân khúc cao cấp là 7.040 căn (chiếm tỷ lệ 58,92%) tăng 112,57% so với cùng kỳ năm 2020; phân khúc trung cấp là 4.908 căn (chiếm 41,08%) tăng 294,85% so với cùng kỳ năm 2020; không có căn nào ở phân khúc căn hộ bình dân.

Bích Trần 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI