Khuyến mãi thực mới mong kích cầu tiêu dùng

08/07/2020 - 11:30

PNO - “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2020” do Bộ Công thương phát động và “60 ngày vàng khuyến mãi” do Sở Công thương TPHCM phát động cùng diễn ra trong suốt tháng 7/2020 nhằm kích cầu tiêu dùng, vực dậy thị trường nội địa sau khi bị dịch COVID-19 gây ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, xuất hiện không ít lo ngại rằng, nhiều chương trình khuyến mãi vẫn chỉ mang tính phong trào.

Xả hàng tồn hay bán thứ người mua cần? 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - để phục hồi sản xuất, đầu ra rất quan trọng. Chương trình khuyến mãi là một trong những yếu tố để kích cầu, nhưng với điều kiện việc khuyến mãi phải đúng thực chất, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng bán hàng tồn kho kém phẩm chất hay nâng giá rồi rao giảm để đánh lừa người tiêu dùng (NTD). Khi các đơn vị kinh doanh giảm giá đúng, bán sản phẩm có chất lượng thì sẽ tăng doanh số, từ đó tác động tới sản xuất. 

Rất nhiều ngành hàng khuyến mãi rầm rộ nhưng người tiêu dùng không mấy mặn mà
Rất nhiều ngành hàng khuyến mãi rầm rộ nhưng người tiêu dùng không mấy mặn mà

“NTD có tâm lý thích mua hàng khuyến mãi nên chương trình khuyến mãi này chồng lên chương trình khuyến mãi khác là không đáng ngại. Quan trọng là khuyến mãi những mặt hàng mà NTD có nhu cầu thì họ mới mua. Có hai yếu tố để kích cầu tiêu dùng là giảm giá và giảm thuế, ví dụ như giảm thuế ô tô vừa rồi” - tiến sĩ Long lưu ý. 

Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng (TPHCM) - cho rằng, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng chỉ thực sự hiệu quả khi người lao động có việc làm và thu nhập. Nếu chỉ tập trung khuyến mãi mà người dân khó khăn, không có tiền mua sắm, hiệu quả sẽ không có.

“Quần áo trẻ em tồn kho lâu ngày vừa bị qua mẫu, vừa giảm chất lượng nên doanh nghiệp (DN) giảm giá tới mức lỗ và phải may thêm hàng mới bán cùng, mới mong bán được hàng. Nhưng vấn đề là DN cạn kiệt nguồn vốn để tiếp tục sản xuất. Mức giảm cao nhất cũng chỉ 20 - 30% chứ giảm đến 50 - 100% thì không thể vì ăn cả vào vốn, khó chồng khó. Minh Long Hưng đang ở thế kẹt như vậy” - ông Sinh bày tỏ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bên cạnh chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, cần những chương trình hỗ trợ người lao động có công ăn việc làm trở lại. Tuy nhiên, không nhất thiết phải chờ có các chương trình hỗ trợ mới làm chương trình xúc tiến kích cầu. Một số chương trình xúc tiến không gây tốn kém quá nhiều cho ngân sách nhà nước và đảm bảo hiệu quả thì vẫn nên làm, chỉ ngại những chương trình xúc tiến gây tốn nhiều cho ngân sách mà hiệu quả không cao.

Cũng theo bà Lan, cần tránh tình trạng tổ chức chương trình xúc tiến mà DN không hưởng ứng vì thấy chương trình không hiệu quả. Tốt nhất, cơ quan nhà nước trước khi tổ chức chương trình xúc tiến cần hỏi các DN liên quan ở từng lĩnh vực cụ thể xem có nên làm hay không, làm cách nào, làm như thế nào, tổ chức ở đâu sẽ hiệu quả nhất. 

Khuyến mãi khó giúp doanh nghiệp thoát khổ

Theo bà Phạm Chi Lan, trong lúc kinh tế còn đang khó khăn, để thoát khỏi ảnh hưởng xấu của dịch COVID-19, bên cạnh cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, giao lưu với thị trường nước ngoài, việc đẩy mạnh sức mua của thị trường trong nước rất quan trọng. 

Để thu hút người tiêu dùng mua sắm, các đơn vị kinh doanh cần khuyến mại sản phẩm chất lượng và giảm giá đúng
Doanh nghiệp cũng đang cần được hỗ trợ mới có thể tham gia kích cầu tiêu dùng

Lâu nay, Việt Nam mải miết chạy theo quan hệ bên ngoài mà lãng quên phần nội lực, cho nên nhiều khi không công bằng: DN trong nước không được những ưu đãi như DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nơi hô hào muốn đón “đại bàng” nhưng lại quên mất những “đàn chim sẻ” trong nước. 

Mặc dù hiện nay, chưa có nhiều “đại bàng” Việt Nam xuất hiện, nhưng phải nuôi dưỡng, tạo điều kiện thì mới có “đại bàng” được. Nếu chỉ trông chờ “đại bàng” bên ngoài về làm tổ và dành những điều tốt đẹp cho họ thì đến lượt “đại bàng” Việt Nam ra đời và lớn lên một chút không còn gì để làm. 

Tương tự, có sản phẩm gì tốt đẹp nhất thì mình hướng đến xuất khẩu mà quên gần 100 triệu NTD trong nước - là một thị trường cực kỳ lớn. “Việc bỏ quên thị trường trong nước cũng tạo tâm lý coi thường NTD Việt Nam. Tôi nghĩ, làm ra những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất theo tiêu chuẩn nước ngoài để bán ra nước ngoài, thờ ơ với thị trường trong nước là không được. Những chương trình khuyến khích thị trường trong nước là rất tốt, nên làm, nhưng phải làm như thế nào cho thực chất, lâu dài và tôn trọng, đánh giá đúng mức thị trường nội địa và NTD Việt Nam, để NTD Việt Nam yên tâm về sản phẩm của Việt Nam và sẵn sàng tiêu dùng, chứ không phải chỉ bằng cách hô khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - bà Lan nhấn mạnh. 

Theo bà Phạm Chi Lan, Nhà nước phải vừa giúp, vừa giám sát DN, phải đảm bảo họ cung cấp hàng tử tế cho người Việt. Chỉ khi nào DN Việt Nam và sản phẩm Việt Nam thực sự chinh phục được NTD Việt thì NTD mới gắn bó, ủng hộ hàng Việt. Nhà nước không cần đứng ra kiểm soát mà để cho DN làm, xã hội giám sát vì nhiều khi Nhà nước đưa ra những công cụ kiểm soát bằng định lượng không thực sự hiệu quả, còn DN cố tình lách hay làm khác thì kiểm soát cũng không thể làm gì được DN.  

Khi các hiệp hội DN, truyền thông, báo chí phát hiện bất cứ trường hợp nào gian lận, bán hàng kém chất lượng, nâng giá rồi rao giảm giá… thì cơ quan quản lý phải loại DN đó ra khỏi chương trình và xử phạt nghiêm. Nhà nước chỉ kiểm soát về những tiêu chuẩn sản phẩm, yêu cầu DN, nhà sản xuất đăng ký, thực hiện đúng. Trên cơ sở đó, Nhà nước kiểm tra; nếu đơn vị nào đưa sản phẩm tham gia chương trình khuyến mãi không đúng tiêu chuẩn, khuyến mãi ảo thì Nhà nước phải xử lý ngay và nghiêm. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI