Không sẻ chia cho nhau lúc này thì chờ tới lúc nào!

15/04/2020 - 18:00

PNO - “Mình cực mà thấy sắp nhỏ còn cực hơn thì dựa vào nhau đi qua bão dịch này chớ biết sao. Cơm áo là chuyện cả đời, còn mình còn của”

“Mình cực mà thấy sắp nhỏ còn cực hơn thì dựa vào nhau đi qua bão dịch này chớ biết sao. Cơm áo là chuyện cả đời, còn mình còn của”, bà Võ Thị Chót, 59 tuổi, chủ nhà trọ ở khu phố 5, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM nói khi ôm mấy bịch gạo qua từng phòng tặng những người ở trọ, họ đều là công nhân và những lao động đang thất nghiệp vì COVID-19.

“Mấy bữa nay rầu dữ lắm cô ơi”, bà Chót thở dài. Tưởng đâu bà rầu vì COVID-19 làm ảnh hưởng chuyện kinh doanh nhà trọ, nhưng không phải. “Phải chi tui có nhiều hơn để cho sắp nhỏ”, giọng bà chùng xuống, nghe buồn.

Vợ chồng bà Chót tạo dựng khu trọ năm 1999 với 7 phòng. Sau đó, cứ dành dụm được chút nào bà lại xây thêm, xây riết mà thành 60 phòng trọ bình dân với giá chỉ 200.000-300.000 đồng/mỗi tháng. Năm 2013, thấy phòng ốc xuống cấp, những ngày mưa, người ở trọ phải tìm đủ mọi cách chằng chống, bà đánh liều vay ngân hàng sửa chữa lại toàn bộ khu trọ. Đến nay, nợ vẫn chưa trả xong, ông bà lại thay phiên nhau vào bệnh viện, cả nhà gần chục nhân khẩu đều đang sống dựa vào khu trọ giá rẻ. Vậy mà… “Hắn chơi mình cú như trời giáng”, bà nói về dịch bệnh COVID-19. 

Cán bộ Hội Phụ nữ Q.Bình Tân ghé hỏi thăm đời sống công nhân và cảm ơn chị Hòa (bìa trái) đã dồn tâm sức hỗ trợ mọi người lúc khó khăn
Cán bộ Hội Phụ nữ Q.Bình Tân ghé hỏi thăm đời sống công nhân và cảm ơn chị Hòa (bìa trái) đã dồn tâm sức hỗ trợ mọi người lúc khó khăn

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huỳnh - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Tạo - cho biết, phường có hơn 12.000 phòng trọ, gần 8.000 công nhân Công ty Pouyuen ở thuê. Hội đi vận động chủ trọ giảm giá thuê phòng, gặp bà Chót, thấy cảnh nhà khó quá, chưa biết nói gì bà đã mở lời: “Bây đừng lo, có ít tiền dư ra sau đám cưới thằng con, cô lấy mua gạo, mì gói, dầu ăn cho 60 phòng rồi, tiền trọ thì giảm một trăm ngàn mỗi tháng đến khi Nhà nước công bố hết dịch. Mấy phòng có hoàn cảnh đặc biệt để cô tính đường giúp thêm, không sẻ chia cho nhau lúc này thì chờ tới lúc nào”. 

Khuya 12/4, nghe lục đục trong bếp, cụ Nguyễn Thị Tươi, 81 tuổi, ở khu phố 1, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân nói với: “Bây nấu cơm cho người ta nữa hả con?”. Sau tiếng “dạ”, cô con dâu Phạm Thị Hòa lúi húi làm cá, lặt rau. Nằm trằn trọc một hồi, cụ Tươi bật dậy xuống bếp phụ. Cụ dặn còn gạo thì nấu nhiều thêm chút cho bà con ăn thiệt no, mùa dịch này nhiều người đã khổ tâm mà còn đói lòng. 

Từ hai năm qua, cứ ngày rằm và mồng Một là chị Hòa lại nấu hơn 300 phần cơm chay phục vụ những người lao động nghèo. Thương quý chị chủ trọ, các cô bên Hội Phụ nữ và anh em công nhân thỉnh thoảng lại góp chút ít để những phần cơm thêm mặn mòi. Từ sau Tết, chị tăng tần suất nấu cơm lên một tuần/lần và chuyển sang cơm mặn, còn tiền phòng trọ chị giảm 50%. Từ 0g ngày 14/4, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tạm ngưng hoạt động, thấy công nhân lo âu, chị Hòa nói: “Cứ bình tĩnh mà sống, tau ăn cá, bây ăn cá, tau ăn muối, bây ăn muối”. 

Xưa, chị Hòa cũng là công nhân Pouyuen, sau này cất phòng trọ rồi ở nhà bán hủ tíu, nước giải khát. Anh Phan Thanh Tân, chồng chị mở tiệm rửa xe kiêm luôn phụ hồ. Cả hai vợ chồng đều mắc bệnh tim mạch, huyết áp, uống thuốc mỗi ngày. Vậy mà, thấy xung quanh các cô chú bán vé số lao đao, chị dúi vô tay người này vài trăm, người kia vài chục. Cửa tiệm của chồng đã đóng cửa, chẳng có thu nhập gì thêm, nhưng chị vẫn duy trì việc nấu cơm. “Từ khu trọ ra đường, đâu đâu cũng thấy cảnh khổ, mình dửng dưng sao được”, chị lý giải.

Tại P.Tân Tạo, không khó tìm những khu trọ chỉ toàn công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam như nhà bà Thiều Thị Thu. Đa phần công nhân sống thành gia đình ba, bốn người, chỉ riêng chị Lê Thị Mộng Linh và chị H’Mỹ Linh Niê (dân tộc Ê đê) thui thủi một mình. Một bữa, bà có việc đến từng phòng thì bắt gặp Mộng Linh ngồi thu lu bên chén cơm chan nước mắm. Gặng hỏi, ăn uống vậy lấy sức đâu làm việc, phòng dịch bệnh, chị lí nhí, con để dành tiền gửi về quê phụ cha mẹ. Vậy là có cân gạo, mớ rau, bà lại mang cho Linh. Mấy phòng trọ xung quanh cũng đồng lòng san sẻ vì biết Linh chẳng bao giờ dám mua chút thịt, chút cá.

Hoàn cảnh H’Mỹ Linh Niê cũng éo le không kém. Hơn một năm trước, cha chị phát bệnh ung thư, phải cùng vợ khăn gói từ Đắk Lắk xuống TP.HCM điều trị. Những đợt vô hóa chất, ông bà qua ở trọ cùng con. Tiền xe, nhu yếu phẩm, bà Thu phụ giúp. “Mình có thể giúp được chừng nào thì giúp chứ có gì đâu mà kể. Nhưng ông ấy mới mất, nhìn H’Mỹ Linh Niê suy sụp, tui xót quá”, bà Thu nói. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI