Không chỉ khôi hài mà còn nguy hiểm

31/08/2013 - 07:29

PNO - PN - Những tưởng chỉ có những văn bản được bộ này bộ nọ đưa ra gây cười kiểu “thư giãn cuối tuần” như ngực lép không được lái xe hay cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hoặc “khôi hài một cách nguy hiểm” hơn...

edf40wrjww2tblPage:Content

May là những vở bi hài kịch có mùi “lợi ích” này đã bị dư luận phát hiện kịp thời nên chết ngay trong trứng, không được trình diễn.

Khong chi khoi hai ma con nguy hiem

Ảnh minh họa. Nguồn: Baodatviet.vn

Nhưng, không chỉ có thế! Làm sao không ngã ngửa người ra khi trong bối cảnh hòa bình, hòa nhập, công chức được xét tuyển nghiêm túc, vậy mà 10 năm qua đã có gần 50.000 văn bản trái pháp luật hay vi phạm căn cứ pháp lý đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho Cục trưởng Lê Hồng Sơn và tập thể Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vì đã có thành tích lôi ra ánh sáng hàng chục ngàn văn bản có dấu hiệu sai luật đó.

Đó là những văn bản của các cấp, các ngành ban ra, thiếu căn cứ pháp lý cũng như thẩm quyền ban hành, vi phạm về nội dung, trình tự thủ tục hoặc bất khả thi. Chuyện không còn để cười hay đàm tiếu mà đã trở nên nguy hiểm, tuy có nhiều văn bản trong số đó đã được đính chính, thu hồi hoặc hủy bỏ. Nhưng, làm sao kiểm soát thấu đáo hết được hàng triệu văn bản đã được đưa ra?

Liệu 50.000 đã là con số cuối cùng? Nguy hiểm ở chỗ, đây không chỉ là hành động sai phạm lẻ tẻ, cá biệt mà là sai luật. Sai luật thì hậu quả khó lường, có thể gây ra sai lầm hàng loạt bởi luật là căn cứ duy nhất để người dân tuân theo mà sống, mà hành động. Văn bản dưới luật của các bộ, các ngành cũng như cấp địa phương là cụ thể hóa, hướng dẫn luật. Trong hàng trăm ngàn vụ án xảy ra mỗi năm có bao nhiêu vụ do người dân không hiểu luật hoặc phạm luật do hậu quả văn bản sai? Có bao nhiêu quyền lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm vì những văn bản có vấn đề? Thiết nghĩ, Bộ Tư pháp nên có cuộc điều tra nghiêm túc, công bố để công luận biết những thiệt hại cho Nhà nước, cho người dân do những văn bản trái hoặc thiếu căn cứ luật pháp này gây ra.

Vấn đề không chỉ dừng ở đó. Mục tiêu xây dựng một xã hội pháp quyền là cấp bách và chính đáng. Ai là người xây dựng? Người dân với ý thức thượng tôn pháp luật đã đành nhưng chủ yếu vẫn là thể chế và nhân viên công quyền các cấp. Qua thực tế vừa được phanh phui, người dân có quyền nghi vấn về trình độ của quan chức và viên chức các bộ, các ngành thực thi pháp luật. Cơ chế nào để có thể kiểm soát được công vụ của họ?

Rõ ràng là trình độ chuyên nghiệp của nhân viên công quyền có vấn đề. Họ có bằng cấp cả đấy, số xài bằng giả không đáng kể nhưng số có bằng thật mà kiến thức giả hoặc trình độ nghiệp vụ quá kém đã ngồi nhầm không ít chỗ quan trọng trong các cơ quan soạn thảo văn bản pháp quy có lẽ là quá nhiều. Thủ phạm chính của tình trạng này ai cũng biết là do giáo dục đại học không đạt yêu cầu, tung ra quá nhiều bán thành phẩm được đóng mác. Thêm vào đó là cơ chế tuyển dụng, đề bạt không chính xác.

Làm sao giữ được kỷ cương quốc gia, xây dựng được xã hội pháp quyền, mọi người sống và làm việc theo pháp luật, luôn “thượng tôn pháp luật”, nếu không có biện pháp hữu hiệu có tầm hệ thống để ngăn chặn những văn bản trái luật, được viết và ban phát ra bởi những công chức trình độ kém cỏi, với trái tim dửng dưng trước cuộc sống người dân và có thể bốc mùi vụ lợi? 

Nguyễn Quang Thân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI