Khi phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

16/06/2023 - 06:11

PNO - Không còn nhiều thời gian cho gia đình, tốn tâm huyết mà đôi khi lại áp lực, nhưng họ không bỏ cuộc bởi ý thức được rằng: mình đang góp sức cho cộng đồng.

Chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc

Vào Đảng năm 1986, nhưng đến năm 2015, sau khi về hưu, bà Đỗ Thị Sự (65 tuổi) mới bắt đầu tham gia công tác ở địa phương với vai trò Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 3, quận Phú Nhuận, TPHCM.

“Công ty của tôi ở quận 10. Cuối tuần ở nhà, tôi đi chợ thì cũng chỉ đi từ nhà ra Nguyễn Kiệm - Nguyễn Đình Chiểu - Phan Đình Phùng - Phan Xích Long rồi về nhà. Tôi không rành về địa phương, kể cả trụ sở UBND phường” - bà Đỗ Thị Sự chia sẻ về trở ngại khi nhận công tác. 

Bà Đỗ Thị Sự thăm gia đình chính sách nhân kỷ niệm 27/7
Bà Đỗ Thị Sự thăm gia đình chính sách nhân kỷ niệm 27/7

 Để làm quen với người dân, ban đầu bà phải theo chân phó bí thư chi bộ trong mọi hoạt động. Trên địa bàn khu phố 3 có tổ 17 “trắng” đảng viên, trình độ dân trí chưa cao, nên khi triển khai các chính sách không có người đi đầu, thế là bà Sự trực tiếp phụ trách, bám sát dân để lắng nghe, thấu hiểu và vận động họ đồng hành cùng chính quyền trong mọi hoạt động. Từ một “điểm nóng” về đá gà, nay tổ 17 chỉ còn lác đác vài hộ dân nuôi gà nhưng tuyệt nhiên không tụ tập cá độ. 

Năm 2022, nghe người dân hẻm 170D Phan Đăng Lưu phản ánh việc đường hẻm xuống cấp, thường xuyên đọng nước khiến việc đi lại khó khăn, vệ sinh môi trường không được đảm bảo, bà Sự liền tìm hiểu. Nhận thấy việc xin kinh phí sẽ mất nhiều thời gian, trong khi đây là nhu cầu cấp thiết, bà đã phân tích rồi gợi ý người dân tự đóng góp kinh phí để làm. Thấy đề xuất và phân tích của bà hợp lý nên mọi người đã ủng hộ. Với tổng kinh phí hơn 61 triệu đồng, con hẻm dài 20m, rộng 4m đã được làm mới. “Vào mùa mưa rồi nhưng tôi không thấy tình trạng ngập hay đọng nước trở lại. Người già và trẻ em ra vào cũng không sợ bị té ngã nữa” - chị Hồ Nhật Xuân An - người dân tại hẻm - nhận xét. 

Là bí thư chi bộ khu phố, bà Sự luôn cố gắng tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức chính trị trên địa bàn cùng hoạt động, nhất là hoạt động của hội phụ nữ. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhìn thấy các cán bộ trẻ phải “chạy ngược, chạy xuôi” lo cho dân, bà rất muốn ra đỡ đần các em, các cháu, nhưng đã bị từ chối vì tuổi tác. Trong lúc nằm ở nhà, bà nhận được cuộc gọi của một đồng chí báo rằng ông đã mắc bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị. Thế là bà nảy ra ý tưởng hỗ trợ thuốc men cho người dân. Liên hệ với một bác sĩ quen tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà hỏi rõ các loại thuốc cần thiết rồi tự bỏ tiền mua và nhờ chính quyền trao cho bà con.

Từ ngày tham gia công tác chính quyền, bà Sự không còn nhiều thời gian cho bản thân. Khi con dâu sinh nở bà cũng không giúp được gì nhiều. Ấy vậy mà, khi hỏi bà có muốn từ bỏ hay không thì bà nói ngay: “Tôi không có ý định bỏ cuộc. Nhưng tôi vẫn đang vừa làm vừa đào tạo nguồn nhân lực trẻ, và dù sau này họ có lên thay, tôi vẫn sẽ hỗ trợ hết mình”. 

Muốn vận động thì phải đi đầu

Cách hẻm 170D Phan Đình Phùng chừng 1,5km, hẻm 694 Nguyễn Kiệm cũng đang chờ được mở rộng. Tuyến hẻm dài (140m) và hẹp (chỗ rộng nhất khoảng 2m), nhiều ổ gà, mùa mưa nước đọng, khiến việc đi lại khó khăn; hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa không thể vào khiến nhà cháy rụi. Vì thế mà chính quyền có kế hoạch mở rộng hẻm với khoảng 45 hộ dân phải hiến đất. 

Bà Lê Thị Minh Thương nhận quà của UBND quận Phú Nhuận trong ngày hội hiến đất mở hẻm 694 Nguyễn Kiệm
Bà Lê Thị Minh Thương nhận quà của UBND quận Phú Nhuận trong ngày hội hiến đất mở hẻm 694 Nguyễn Kiệm

Do đất có giá trị cao, việc mở rộng hẻm sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu nhà của nhiều gia đình và họ sẽ phải tốn tiền sửa chữa… nên việc vận động người dân hiến đất là không đơn giản. Là người sống lâu năm ở hẻm, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường 4, quận Phú Nhuận bà Lê Thị Minh Thương (60 tuổi) đã chủ động tham gia vận động bà con. Đầu tiên, bà tìm đến những gia đình “có khả năng đồng thuận cao”, rồi từ đó mở rộng ra các hộ khác. Dù khó nhưng bà Thương vẫn kiên trì lui tới để giải thích cho bà con hiểu: “Nhà nước đã đầu tư toàn bộ kinh phí làm đường, hệ thống thoát nước, di dời hệ thống điện, nước và hỗ trợ một phần kinh phí cho dân. Trong khi hưởng lợi là chúng ta và con cháu chúng ta chứ không ai khác”. Để làm gương, bà Thương thuê thợ về đập bỏ cổng cũ nhà mình và lùi vào đúng vị trí. Có “phát súng” đầu tiên, cả xóm cũng theo gương di dời.

Cho đến hiện tại, đã có 36/45 hộ bàn giao mặt bằng, những hộ khác vẫn đang được tích cực vận động. “Tôi cũng từng rất áp lực và muốn dừng lại, nhưng nghĩ đến chuyện mình đang góp sức xây dựng cho môi trường sống ngày càng văn minh, sạch đẹp thì tôi lại thấy vui” - bà Thương tâm sự. 

Bài và ảnh: Trang Thư

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI