Khi ông bà nhiều hơn con cháu

05/02/2019 - 06:00

PNO - Lời chúc phúc đầu năm “sống lâu trăm tuổi” mà con cháu thường dành cho ông bà, dù là ước mơ xuất phát từ lòng hiếu thảo truyền thống, thì vào thời buổi này không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui trọn vẹn.

Trong không gian thu hẹp của đời sống gia đình, tuổi già đặt ra nhiều vấn đề khá phức tạp. Còn trong đời sống kinh tế xã hội, gần đây đã xuất hiện những nỗi lo về dân số đi vào ngưỡng tuổi già với tốc độ vượt trội so với đà phát triển của một đất nước đang kỳ vọng đạt được cột mốc giàu có trong vài thập niên tới.    

Khi ong ba nhieu hon con chau
 

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay số người trên 60 tuổi - về lý thuyết không thuộc lực lượng lao động - chiếm 12% dân số Việt Nam và dự kiến sẽ tăng lên đến 20% trong vòng hai mươi năm nữa, đây là một trong những mức tăng nhanh nhất thế giới.

Nếu dự báo này chính xác thì đến năm 2038, cứ 5 người Việt Nam sẽ có 1 người già so với tỷ lệ 9/1 hiện nay. Cụ thể, trong vòng chưa đến 20 năm tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng vọt từ 7% lên 14%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình này, nhưng chủ yếu là do tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng từ 68 tuổi năm 1999 lên 73,2 tuổi năm 2014, rồi 76 tuổi vào thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, sau 58 năm thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, đến nay mức sinh của Việt Nam đã giảm từ 6 con/phụ nữ năm 1960 xuống dưới 2 con trong năm 2017. Thế là đã qua rồi thời con đàn cháu đống. Tình trạng già hóa dân số là khi tỷ lệ người lứa tuổi 60 tăng lên, trong khi tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống. Nói ví von cho vui - đó là khi ông bà nhiều hơn con cháu.

Những con số lạnh lùng vừa nói cho thấy xu hướng về nhân khẩu của chúng ta đang thay đổi giống như nhiều nước khác do đời sống kinh tế được cải thiện, nhất là tình trạng giảm sinh trong phụ nữ đã trở thành trào lưu.

Trong một động tác nhằm giảm bớt áp lực mất cân đối về tháp dân số, hồi năm ngoái Chính phủ đã nới lỏng chủ trương hạn chế mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con tồn tại mấy chục năm qua, vốn đã làm cản trở con đường thăng tiến của nhiều người có năng lực trong bộ máy nhà nước.

Thật ra thì Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 khi tỷ lệ người cao tuổi đạt trên 10%. Tính ra, quá trình già hóa dân số của Việt Nam diễn ra trong khoảng hơn 20 năm, ngắn hơn rất nhiều so với các nước khác, như ở Mỹ là 69 năm, Úc 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp 115 năm. Nhật Bản là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng lão hóa dân số nhưng quá trình này cũng phải mất 60 năm.

Chủ nghĩa thành tích đã làm giàu niềm tự hào của chúng ta bằng nhiều loại kỷ lục. Nhưng tốc độ dân số già hóa nhanh nhất thế giới lại là một kỷ lục đáng lo bởi diễn ra trong khi đất nước vẫn còn nghèo, đang cần một thế hệ dân số vàng có trình độ kỹ thuật và năng suất cao làm lực lượng chủ yếu đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Khi ong ba nhieu hon con chau
 

Hơn một thập niên trước đây, dân số trẻ của Việt Nam là một lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư, nay tình hình đang chuyển sang chiều hướng bất lợi khi số người già tăng nhanh. Mặt khác, thông thường một khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt đến mức cao thì GDP bình quân đầu người cũng tăng theo.

Vậy mà thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 - năm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh cao nhất - cũng chỉ 1.900 USD, một con số quá thấp so với các nước.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự kiến hai thập niên tới tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Indonesia và Philippines sẽ đạt đến mức đỉnh, với thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều lần. Chúng ta nghĩ gì về điều vượt trội này của bạn bè khu vực?

Sự chuyển dịch dân số trong độ tuổi lao động ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế sẽ mang lại nhiều thách thức cho chúng ta.

Trước tiên, liệu Chính phủ có khả năng hỗ trợ hàng triệu người bước vào tuổi già mỗi năm? Khảo sát cuộc sống của người cao tuổi tiến hành năm 2011 cho thấy, hầu hết số người này không có nhiều tiền tiết kiệm, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.

Trong khi đó, theo IMF, chi phí hưu trí ở mức hiện tại của Việt Nam có thể làm tăng chi tiêu của Chính phủ lên khoảng tám điểm phần trăm GDP vào năm 2050. Đây là tỷ lệ tăng nhanh nhất trong số 12 quốc gia châu Á khác mà IMF đã đánh giá. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn ở nông thôn trong thời gian tới, khi lớp trẻ có xu hướng bỏ làng quê lên thành phố kiếm sống, quay lưng với việc thường xuyên chăm sóc cha mẹ già như trước đây.

Hiện nay đa số người già ở nông thôn sống với con cháu, đặc biệt là ở các làng quê, nơi gần phân nửa nam giới đang lao động ở tuổi 75. Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng chục triệu người già lại là một vấn đề đáng lo ngại hơn nữa, trong khi khoảng một phần ba số người trên 60 tuổi khó tiếp cận với bảo hiểm y tế.

Khi ong ba nhieu hon con chau
 

Thứ hai, vào thời điểm 30 năm nữa thì nhóm dân số già lúc đó chính là lực lượng lao động lứa tuổi 30-40 hiện nay đang có vai trò chủ lực cho phát triển đất nước.

Nếu từ bây giờ, các chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để họ có tích lũy, bảo hiểm và được chăm sóc sức khỏe chu đáo thì nhóm dân số này khi về già sẽ có khả năng tiếp tục đóng góp cho đời sống kinh tế chứ không trông chờ vào sự giúp đỡ của ai khác.

Trang bị những gì cho lớp lao động trẻ hiện nay để họ còn khả năng làm việc vào lúc ấy - không chỉ là lo cho tương lai của người già mà cả tương lai của xã hội.

Sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức với những kỹ năng phức tạp hơn so với lao động chân tay trong khi Việt Nam chỉ 8% lao động có trình độ đại học, cho thấy lực lượng này nếu không được tiếp cận tri thức mới thì vào tuổi xế chiều sớm muộn gì cũng bị gạt ra ngoài quỹ đạo xây dựng đất nước.

Kinh nghiệm cho thấy, những người ở tuổi trung niên rất khó tiếp thu khoa học công nghệ vốn được xem là chìa khóa mở cánh cửa việc làm.

Đáng lo hơn là năng suất lao động của chúng ta hiện thấp nhất khu vực, vì thế việc chuẩn bị cho một lực lượng lao động cao tuổi trong tương lai không phải là chuyện dễ dàng. Không dễ nhưng không thể bỏ qua, bởi nếu giải được bài toán khó này sẽ giảm thiểu được tình cảnh người già là gánh nặng, thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào xã hội và con cháu.

Thật đáng mừng khi trong đời sống xã hội vài chục năm gần đây, tuổi tác không còn là rào cản với những ai còn đủ sức khỏe và ham mê công việc, mà có khi cường độ lao động không hề thua kém lớp con cháu.

Nhóm dân số này các nước phát triển gọi là “người cao tuổi năng động” (active older people), cũng đã xuất hiện ngày càng đông ở nước ta trên nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có cả việc làm thiện nguyện.

Bác sĩ Hinohara Shigeaki - một huyền thoại của nền y học Nhật Bản, người khởi xướng phong trào “Người già thời đại mới” - đã nhận định rất chính xác khi cho rằng “nếu tất cả người già đều chỉ muốn an phận để gia đình, con cháu chăm sóc thì tương lai đất nước không biết sẽ đi về đâu”.

Theo ông, sống sôi nổi, sống sao để có ích cho người khác trong quỹ thời gian giới hạn còn lại thì cuộc sống ấy sẽ có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc.

Giai đoạn cuối của cuộc đời là thời điểm mà người già đền đáp lại cho xã hội những kiến thức đã tiếp thu, những kinh nghiệm đã đúc kết, những thành quả đã nhận được trước đó.

Chắc hẳn đa số chúng ta đều cảm thấy gần gũi với suy nghĩ này trong hoàn cảnh hiện nay.

Trần Trọng Thức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI