Khi bộ máy là gánh nặng của phát triển

09/10/2017 - 14:55

PNO - Khi quá trình quyết sách có quá nhiều bên có thể can thiệp và khư khư giữ lấy quyền lợi của mình thì toàn bộ tổn phí đó sẽ bị đội lên nhiều lần so với bình thường và doanh nghiệp, xã hội là người phải gánh chịu.

Những con số về tình hình ngân sách tiếp tục là nỗi lo thường trực. Trong khi tổng thu ngân sách được các cơ quan chức năng thông báo đến thời điểm này đạt 65% dự toán, và khả năng bội chi ngân sách nằm trong phạm vi dự toán do Quốc hội quyết định thì cơ cấu chi bộc lộ nhiều bất cập.

Khi bo may la ganh nang cua phat trien

Tỷ trọng chi thường xuyên đang ở mức cao với tỷ trọng gần 73% và chi đầu tư phát triển đạt thấp. Lý do đầu tư phát triển thấp bắt nguồn chính từ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ, còn lý do chi thường xuyên cao bắt nguồn từ lý do bộ máy. 

Nhìn kỹ hơn các con số cho thấy: chi thường xuyên trong năm 2017 tiếp tục tăng cao xét về giá trị lẫn tỷ trọng trong cơ cấu chi ngân sách. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, chi thường xuyên tăng 8,2% so với cùng kỳ. Con số này chiếm khoảng 73,3% tổng chi ngân sách, có mức bình quân cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2016 là 70,5%. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, đe dọa cho tính bền vững về tài khóa và cân bằng ngân sách.

Nhớ lại cuộc tranh luận về sắp xếp vốn cho việc triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Riêng việc giải phóng mặt bằng của dự án được tính toán lên đến xấp xỉ 23.000 tỷ đồng. Con số này tạo sự lo ngại cho các đại biểu Quốc hội vì lấy tiền đâu cho các dự án trọng điểm quốc gia khi ngân sách đang eo hẹp. Đại biểu Phạm Minh Chính - Trưởng Ban tổ chức Trung ương, đã đặt vấn đề: một trong những giải pháp là tiết kiệm chi phí thường xuyên trên cả nước.

Những con số và quan điểm ông nêu ra khiến nhiều người phải giật mình. Năm 2015, Bộ Chính trị khóa XI ban hành nghị quyết về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau 2 năm triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, biên chế của bộ máy không giảm mà còn tăng, chi tiêu thường xuyên tăng lên con số tương đối là 62,3% năm 2015 và 65,7% năm 2016. Dự kiến năm 2017 là 64,9%, tăng con số tuyệt đối năm 2016 so với 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỷ đồng. 

Những con ngàn tỷ, chục ngàn tỷ chi thường xuyên đang là gánh nặng thường trực không phải chỉ riêng ngân sách, mà còn cả khả năng quyết sách. Ngân sách lâm vào hoàn cảnh bức bí khiến cho những chuyện đáng chi thì không thể chi, hay những việc cần làm thì ngại không dám làm. Dư địa quyết sách bị thắt chặt, tầm nhìn quyết sách bị giới hạn, những cải cách hay công trình lớn về cơ sở hạ tầng trở thành “con tin” của sự cồng kềnh của bộ máy.    

Để giảm chi thường xuyên thì phải đụng vào bộ máy, và câu chuyện cải cách bộ máy như chuyện dài nhiều tập. Trong lịch sử, nhiều lần Trung ương cũng đã bàn về việc tinh gọn, giảm người, nhưng thực tế cho thấy càng tinh giản thì bộ máy càng phình to. Câu hỏi đặt ra là nếu không làm được lần này thì tác động của nó với ngân sách sẽ như thế nào?

Ông Trưởng Ban tổ chức Trung ương đưa ra một bài tính trên Quốc hội: cứ tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi là có trên 10.000 tỷ đồng, năm 2018 tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ đồng nữa. Như vậy là con số 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng của sân bay Long Thành có thể tính toán bằng hai năm giảm chi thường xuyên với định mức mỗi năm 1%. 

1% là con số gắn vào một dự án cụ thể, nhưng nó cũng là một con số mang tính ước lượng về khả năng cải cách của bộ máy sẽ tác động đến tình hình ngân sách. Muốn biết bao nhiêu % đồng nghĩa với bao nhiêu tiền tiết kiệm chi thường xuyên mỗi năm thì cần phải có các tính toán cụ thể và toàn diện hơn. Nhưng rõ ràng từ một bài toán thuần kinh tế cho thấy, mức chi thường xuyên cho bộ máy ở Việt Nam đang là một gánh nặng cho phát triển. Không đụng vào, hoặc đụng vào không quyết liệt, khối u này sẽ nằm ở đó với tác động không những trước mắt, mà còn cả những di căn sau này.

Một bộ máy cồng kềnh còn là gánh nặng của doanh nghiệp và xã hội vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh và làm việc của mỗi cá nhân. Số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) gần đây nhất cho thấy chi phí không chính thức vẫn là những thách thức lớn với doanh nghiệp, cả trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Chi phí không chính thức này từ đâu mà có? Nó xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó là việc có tầng tầng lớp lớp các cơ quan quyết sách, có quyền ra quyết định, quy định hay can thiệp vào các hoạt động diễn ra tại thị trường. Tầng nấc trong quá trình ra quyết định còn là mãnh đất màu mỡ cho tham nhũng, cái tạo ra gánh nặng không chỉ về chi phí, mà còn về thời gian, chất lượng dịch vụ và cả kết cấu hạ tầng. 

Khi quá trình quyết sách có quá nhiều bên có thể can thiệp và mỗi bên đều khư khư giữ lấy quyền lợi của mình thì toàn bộ tổn phí đó sẽ bị đội lên nhiều lần so với bình thường và doanh nghiệp, xã hội là người phải gánh chịu.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ 
(Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI