Khaisilk có dấu hiệu phạm tội hình sự sản xuất buôn bán hàng giả?

26/10/2017 - 15:45

PNO - LS Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Với hành vi đánh tráo, che giấu, thay đổi thông tin, xuất xứ sản phẩm... doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Thưa luật sư, về mặt luật pháp, việc Khaisilk bán hàng không minh bạch xuất xứ, đến lúc người tiêu dùng phát hiện và phản ánh thì doanh nghiệp mới thừa nhận có là hành vi vi phạm pháp luật không?

- Có thể khẳng định ngay với hành vi đánh tráo, che giấu, thay đổi thông tin, xuất xứ sản phẩm... là doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, Điều 8 và Điều 10 qui định: Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng; Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung của hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Khaisilk co dau hieu pham toi hinh su san xuat buon ban hang gia?
Doanh nhân nổi tiếng Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khaisilk.

Trong trường hợp này, người tiêu dùng có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình? Có thể khởi kiện hay không vì doanh nghiệp đâu thể chỉ đơn giản nói câu xin lỗi và bồi thường là xong? 

- Về mặt dân sự, người tiêu dùng có quyền: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về mặt hình sự, thì có dấu hiệu Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo qui định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1999. Vì nếu doanh nghiệp cam kết là hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng lại nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về rồi cắt dán nhãn hiệu Việt Nam vào để bán nên sản phẩm hàng hóa đó không phải là hàng thật được sản xuất tại Việt Nam thì nó có dấu hiệu “hàng giả”. 

Nếu có tội buôn bán hàng giả thì ảnh hưởng như thế nào đến hàng hoá Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài khi sản phẩm này đã xuất ngoại?

- Tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là lãnh vực may mặc.

Khi doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa đã thừa nhận hàng không đảm bảo chất lượng, có lỗi với người tiêu dùng thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng theo qui định của Luật bảo vệ người tiêu dùng; kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật (trừ trường hợp không thể phát hiện được khuyết tật của hàng hóa với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng).

Khaisilk co dau hieu pham toi hinh su san xuat buon ban hang gia?
Khăn lụa bán tại hệ thống Khaisilk có dấu hiệu bị cắt tag, người tiêu dùng nghi ngờ đây là mác "Made in China". Ảnh FB Đặng Như Quỳnh.

Để sự việc này xảy ra, trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào thưa luật sư?

- Khi doanh nghiệp kinh doanh hàng hòa thì phải đảm bảo tính trung thực của các sản phẩm mình bán, bởi khách hàng đã bỏ tiền để mua sản phẩm về thương hiệu chỉ 1 nhưng chất lượng và đúng nguồn gốc phải là 10.

Để đảm bảo vấn đề chất lượng hàng hóa lưu thông kinh doanh trên thị trường thì có nhiều cơ quan quản lý nhà nước; đối với doanh nghiệp khi hàng hóa lưu thông trên thị trường thì trách nhiệm chính phải nói đến cơ quan Quản lý thị trường, vì là cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước, trong đó có phát hiện kịp thời hành vi hàng giả, hàng lậu.

Do đó cơ quan này phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa khi có nghi ngờ các hàng giả, hàng lậu hoặc theo phản ánh của người tiêu dùng.

Xin cảm ơn luật sư!

Điều 156 (Bộ luật hình sự năm 1999). Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
g) Thu lợi bất chính lớn;
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

                                                     
Quỳnh Mai (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI