Hollywood đưa chủ đề sức khỏe tâm thần trên màn ảnh

12/05/2021 - 19:15

PNO - Hàng loạt ngôi sao và các nhà sản xuất Hollywood tham dự hội nghị để thảo luận về cách thể hiện tốt hơn liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần trên màn ảnh.

Có những lúc Hollywood khá hời hợt trong việc miêu tả bệnh tâm thần, điển hình như cách khắc họa nhân vật phản diện trong bộ phim kinh dị Psycho của Alfred Hitchcock hoặc cách các phim truyền hình như Full House và Pretty Little Liars sử dụng chứng rối loạn ăn uống làm chủ đề chính một thời. Trong tháng nhận thức về sức khỏe tâm thần, một loạt các tập đoàn giải trí đã cùng nhau thảo luận để khắc phục các điểm thiếu xót trên.

13 Reasons Why của Netflix đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng trong phần cuối của mùa một, trong đó nhân vật chính chết thảm vì tự tử
13 Reasons Why của Netflix đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng trong tập cuối của mùa một, trong đó nhân vật chính chết thảm vì tự tử.

Mental Health Storytelling Coalition, một hội đồng gồm các công ty sản xuất lớn bao gồm MTV Entertainment Group, Disney, NBC Universal và WarnerMedia cùng khoảng 20 tổ chức và chuyên gia hàng đầu về sức khỏe tâm thần đã tham gia hội nghị kéo dài ba ngày,  quy tụ các ngôi sao và những nhà sáng tạo nội dung để thảo luận cách trình bày tốt hơn các vấn đề sức khỏe tâm thần trên màn ảnh.

“Chúng tôi cần chứng minh rằng họ (những người mắc vấn đề về tâm lý) không đơn độc. Tôi nghĩ rằng việc họ nhận ra bản thân có một điểm chung nào đó với một số người sẽ khiến họ bớt cô đơn và sau đó họ có thể nói chuyện, ít nhất đây là một bước khởi đầu trong quá trình chữa trị” - nữ diễn viên Regina Hall nói trong hội nghị về cách phim ảnh giúp nhiều người bệnh tìm được sự đồng cảm.

Sự hiểu biết của xã hội về sức khỏe tâm thần đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn một chặng đường dài để coi nó như vấn đề sức khỏe thể chất - nghĩa là chúng ta sẽ tự động tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia khi bản thân cảm thấy không khỏe. 

Theo tiến sĩ Christine Yu Moutier, giám đốc y tế của Tổ chức Phòng chống tự tử Hoa Kỳ cho biết “hiện tại một nửa số thanh niên đang có ý định tự tử không nói cho ai biết”.

Hiểu được điều này, Mental Health Storytelling Coalition đã xây dựng một hướng dẫn truyền thông nhằm mục đích giáo dục cho những người trong ngành giải trí về các phương pháp để khắc họa chính xác nhất các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nữ diễn viên Regina Hall thảo luận về bộ phim của cô ấy trong hội nghị.
Nữ diễn viên Regina Hall thảo luận trong hội nghị.

Moutier nói: “Giải trí có vai trò mạnh mẽ nhất. Có thể làm được rất nhiều điều để giúp mọi người nắm bắt được những kiến thức cơ bản và có thể bắt đầu đào sâu kiến thức về sức khỏe tâm thần”.

Moutier từng là cố vấn cho phim 13 Reasons Why của Netflix sau phản ứng dữ dội của công chúng khi mùa một kết thúc, trong đó nhân vật chính chết bằng cách tự sát. Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể chứng minh mối tương quan trực tiếp, nhưng nghiên cứu năm 2019 cho thấy các vụ tự tử ở trẻ từ 10-17 tuổi tại Hoa Kỳ đã tăng lên mức cao nhất sau khi bộ phim phát hành. Hai năm sau, cảnh quay tự sát trong tác phẩm đã bị xóa khỏi dịch vụ phát trực tuyến.

“Bất cứ điều gì mô tả quá chi tiết, bằng hình ảnh về nỗ lực tự sát hoặc cái chết do tự sát đều có nguy cơ trở thành mối nguy tiềm tàng với đối tượng là những người dễ bị tổn thương” - Moutier nói.

Điều đó không có nghĩa là phim ảnh và các chương trình giải trí cần phải chặn tất cả mô tả về bệnh tâm thần nhưng có nhiều cách để giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Theo đó, đội ngũ biên kịch nên mời các chuyên gia sức khỏe tâm thần để họ giúp cố vấn thêm những vấn đề mà bản thân muốn khám phá và cân nhắc xem câu chuyện này có khiến người xem nhận thức tiêu cực về cách điều trị bệnh hay không. Đồng thời, các diễn viên cũng nên được đào tạo về cách thể hiện sao cho phù hợp nhất.

Chung Thu Hương (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI