Hội làm nhịp cầu giúp chị em thoát nghèo

17/11/2021 - 11:00

PNO - Bên cạnh quỹ tín dụng tiết kiệm, các cấp Hội Phụ nữ Q.Bình Tân còn giới thiệu, bảo lãnh cho hội viên vay các nguồn vốn ủy thác, vượt lúc ngặt nghèo.

May nhờ có Hội!

Từ đầu tháng 10/2021, chị Lê Thị Kim Ngân, 48 tuổi, ở khu phố 2, P.An Lạc, bắt đầu lấy đót về bện chổi sau thời gian dài tạm ngưng vì dịch COVID-19. Chị nói, rất mừng khi được làm công việc yêu thích, và nhờ nó mà gia đình chị không sợ đói. “Mỗi ngày tôi bện 15 - 20 chổi quét nhà, còn chổi quét bếp thì có khách đặt mới làm. Mẹ con tôi cũng nhận gia công giấy vàng mã. Tuy chẳng dư dả gì, nhưng bữa rau bữa cháo thì vẫn lo được” - chị Kim Ngân chia sẻ.

Chị Kim Ngân đến với nghề bện chổi một cách tình cờ. Lần nọ, đưa mẹ vào Bệnh viện Q.6 thăm khám, chị gặp được người phụ nữ có thâm niên với nghề này, ở Q.8. Lúc đó, chị Ngân đã trải qua nhiều công việc như làm tóc, bán bánh ướt, làm móng tay, nhưng đều thất bại. Sau cùng, chị xin vô làm ở xưởng sản xuất dây ni-lông, nhưng được vài năm thì cơ sở chuyển đi nơi khác, quá xa nên không theo nổi. Là mẹ đơn thân nuôi ba con và chăm sóc mẹ già, cuộc sống của chị quẩn quanh trong toan lo, thiếu thốn. Nghe hoàn cảnh của chị, người phụ nữ kia đã cho chị theo học nghề một năm rồi tự ra riêng. “Học được nghề bện chổi rồi, nhưng thú thật, tôi rất bế tắc, vì không một đồng vốn lận lưng. Vậy là, tôi đánh liều nhờ Hội Phụ nữ giúp” - chị Kim Ngân nói.

Mỗi ngày chị Kim Ngân bện 15 - 20 chổi. Ngoài ra mẹ con chị còn nhận gia công giấy vàng mã. Dù chưa dư dả nhưng công việc giúp chị lo được cuộc sống hằng ngày
Mỗi ngày chị Kim Ngân bện 15 - 20 chổi. Ngoài ra mẹ con chị còn nhận gia công giấy vàng mã. Dù chưa dư dả nhưng công việc giúp chị lo được cuộc sống hằng ngày

Thế là, từ 10 năm trước, với sự giới thiệu và bảo lãnh của Hội Phụ nữ P.An Lạc, chị Kim Ngân được vay 15 triệu đồng từ ngân hàng và 5 triệu đồng không lãi từ Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của Hội LHPN phường. Nhờ đó, chị có tiền mua nguyên liệu về làm chổi để bỏ mối và bán lẻ. Chị khoe, công việc giúp chị lo được mọi chi phí sinh hoạt trong nhà, để dành tiền mua được chiếc xe máy cũ và nuôi được đứa con út học hành. Chị quyết tâm: “Hai đứa lớn làm công nhân xưởng ép keo, bé út đang học lớp Năm. Đời tôi và hai đứa lớn dang dở học hành nên tôi sẽ lo cho đứa út học hành chu toàn”. 

Tương tự chị Kim Ngân, chị Đỗ Thị Lan Thảo, 58 tuổi, ở khu phố 6, P.Bình Trị Đông mới nhận giá để bán lại cho các hàng quán hai tuần nay. Mỗi ngày, từ 5g sáng, chị chạy qua Q.Tân Phú lấy giá rồi loanh quanh giao hàng ở chợ Cây Gòn (Q.11). Trước dịch COVID-19, mỗi ngày chị bán được 70kg, còn hiện tại mỗi ngày chỉ bán được khoảng 40 - 50kg. Để kiếm thêm thu nhập, buổi chiều chị và cô con gái út nhận giúp việc nhà theo giờ. 

Con út của chị là mẹ đơn thân, có hai con nhỏ, bé lớn bị bại não. Vì con bệnh nên cô phải sống cùng phòng trọ để nhờ cậy ba mẹ đỡ đần. Thấy hoàn cảnh đại gia đình này quá éo le, năm 2018, Chi hội Phụ nữ khu phố 6 cho họ vay 6 triệu đồng (không lãi) từ nguồn tín dụng tiết kiệm. Tới nay, chị Lan Thảo đã vay năm lượt từ nguồn quỹ này để trang trải việc gia đình và làm vốn mua bán. Chị thổ lộ: “Chúng tôi ở trọ ở đây đã hơn 10 năm. Chồng làm nghề lắp đồng hồ điện, thu nhập không bao nhiêu. Vì cháu ngoại cần người kề cận chăm sóc nên tôi và con gái út phải thay phiên nhau chứ chẳng thể bươn bả bên ngoài quá lâu. May nhờ có Hội Phụ nữ giúp mà chúng tôi mới trụ được tới bây giờ”.

Khá lên từng ngày 
Sắp xếp những món hàng mới bổ sung cho tiệm tạp hóa của mình, chị Ngô Thị Thùy Phương, 54 tuổi, phấn khởi: “Tiệm được như giờ là nhờ có Hội giúp đó. Ngày trước hàng hóa lưa thưa lắm. Nhà cửa thì hết ngập lại đến dột”. 

Nhờ nguồn vốn xoay vòng của Hội mà tiệm tạp hóa của chị Thùy Phương ngày càng có nhiều hàng hóa, buôn bán khấm khá
Nhờ nguồn vốn xoay vòng của Hội mà tiệm tạp hóa của chị Thùy Phương ngày càng có nhiều hàng hóa, buôn bán khấm khá

Chị Thùy Phương hiện là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 11, P.Bình Hưng Hòa B. Năm 2003, cả nhà chị rời Q.Tân Bình sang Q.Bình Tân sinh sống. Năm 2004, chị mở tiệm tạp hóa, nhưng do ít vốn nên hàng hóa không được phong phú, khó cạnh tranh. Để lo cho hai con ăn học, vợ chồng chị nhận gia công đinh dù và hoa vải. Tuy nhiên, kinh tế cũng chẳng thể khá lên. Năm 2010, Hội Phụ nữ P.Bình Hưng Hòa B làm cầu nối cho chị vay 15 triệu đồng vốn ngân hàng và tiếp sức cho chị bằng 5 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng tiết kiệm không lãi. “Tôi vay vốn xoay vòng đã nhiều lượt. Cũng nhờ nguồn vốn xoay vòng ấy mà tôi sửa được mái nhà, làm gác, nâng nền, căn nhà giờ sáng hẳn ra. Cũng nhờ có thêm nhiều mặt hàng mà mọi người ghé tiệm tạp hóa của tôi đông hơn” - chị Thùy Phương bộc bạch. 

Tới năm 2012, Hội Phụ nữ phường lại giới thiệu anh Mai Văn Thới, chồng chị Phương, vào làm bảo vệ trường học. Rảnh rỗi, anh nhận sửa đồ điện gia dụng cho bà con lối xóm. Sự tiếp sức kịp thời của Hội và nỗ lực không ngừng từ phía hai vợ chồng chị Thùy Phương đã cho quả ngọt. Năm 2019, gia đình chị chính thức thoát nghèo. Hai con trai đều đã lớn, có việc làm, thu nhập ổn định cũng đỡ đần được nhiều cho ba mẹ. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI