Hội đồng duyệt phim quốc gia: Ngoài thả, trong chặn!

14/10/2019 - 16:44

PNO - Khi ‘Everest - Người tuyết bé nhỏ’ bị rút khỏi rạp chiếu vì khán giả phản ánh trong phim để lọt hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò, chuyện duyệt phim còn quá nhiều vấn đề của Hội đồng duyệt phim quốc gia lại được nhắc đến.

Cùng thời điểm này, dư luận xôn xao vì số phận của 2 bộ phim.

Một bên, Ròm – bộ phim Việt giành được chiến thắng cao nhất tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan đang đứng trước nguy cơ không được ra rạp. 

Bên còn lại, hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò xuất hiện trong bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ (tựa gốc Abominable), ra rạp 10 ngày (từ ngày 4/10) nhưng đến khi bị khán giả phát hiện, Hội đồng duyệt phim quốc gia – những người quyết định để phim ra rạp mới ngớ người.

Một trong 2 nhà đồng sản xuất Everest - Người tuyết bé nhỏ là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc. Do đó, hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò dù chỉ xuất hiện thoáng qua trên phim, vẫn được xem là động thái cài cắm có chủ đích mà với những nhà kiểm duyệt phim, dù chỉ sơ hở vài giây cũng đủ làm nên những câu chuyện tuyên truyền lớn, liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.  

Hoi dong duyet phim quoc gia: Ngoai tha, trong chan!
Hình ảnh trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội

Nhưng với sai sót này, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho biết chưa thể kết luận ngay mà phải xem lại bản duyệt phim mà đơn vị phát hành đã trình lên hội đồng duyệt, sau đó mới kết luận.

Riêng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, người tham gia duyệt bộ phim này, thừa nhận sai sót. Tuy nhiên, bà Ngát nói rằng: "Mấy giây thì làm sao lúc nào cũng căng mắt ra, rồi cũng không để ý”.

Khối lượng phim mà Hội đồng duyệt phim quốc gia phải xem để quyết định số phận của một tác phẩm được ra rạp hay không, mỗi năm, theo tiết lộ là khoảng 200 phim ngoại nhập và 40 phim nội.

Với số lượng này, nhiều bộ phim có vấn đề, khi hỏi lại, Hội đồng duyệt phim cũng lơ ngơ, mơ hồ vì chính họ không thể nhớ hết được. Như vậy, với cái gọi là "trách nhiệm" của thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia, giả sử có nhiều hơn nữa phim cần duyệt thì “mấy giây” như bà Ngát nói, nếu sơ sẩy bỏ qua, chẳng khác nào mở cửa cho những ý đồ vô cùng nguy hại núp bóng nghệ thuật, đường đường chính chính ra rạp.

Hoi dong duyet phim quoc gia: Ngoai tha, trong chan!
Hình ảnh cụ thể hơn về khung hình chỉ chiếm "vài giây" trong Everest - Người tuyết bé nhỏ như lời của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia, từng duyệt phim này nói.

Everest - Người tuyết bé nhỏ không phải là trường hợp đầu tiên của thực trạng duyệt phim hời hợt đã được đặt ra rất nhiều lần.

Trước đó, trong phim Điệp vụ Biển Đỏ đã để lọt hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông), phát loa yêu cầu một chiếc tàu khác rời khỏi vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc. Thông điệp này không chỉ là "cài cắm" ý đồ xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển đảo Việt Nam nữa mà là sự ngang nhiên tuyên bố.

Cái gọi là “mấy giây” trên phim ấy đã để xảy ra những sơ sót vô cùng nguy hiểm, nhưng với Điệp vụ Biển Đỏ, ngoài việc rút phim khỏi rạp, chưa có bất kỳ hình thức xử lý thoả đáng nào để những thành viên thuộc Hội đồng duyệt phim quốc gia nhìn nhận nghiêm túc, xác đáng về vai trò của mình.

Sai thì rút phim khỏi rạp. Sai thì kiểm tra lại quy trình duyệt phim. Sai thì cho rằng có quá nhiều phim phải duyệt nên là gánh nặng cho hội đồng. Điệp khúc cũ rích và trái bóng trách nhiệm liên tục được "đá ra ngoài sân" khi thông điệp cài cắm trong các bộ phim từ phía nhà sản xuất đã ít nhiều đạt được mục đích tuyên truyền thì Hội đồng duyệt phim vẫn ngờ nghệch với chính quyền hạn trong tay mình.

Hoi dong duyet phim quoc gia: Ngoai tha, trong chan!
Hình ảnh trong phim Ròm - bộ phim đang đợi quyết định xử phạt từ Cục điện ảnh

Một mớ hổ lốn đang tồn tại ở thượng tầng của điện ảnh Việt, nhưng không chỉ qua việc thiếu cảnh giác với ý đồ độc địa từ bên ngoài, mà còn quá khắc nghiệt với phim trong nước. Cho đến giờ, đã 40 ngày kể từ ngày phim Ròm được gửi đi kiểm duyệt, vẫn chưa biết được số phận của bộ phim này ra sao, có đến được với công chúng hay không. 

Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết "sai lầm" của anh đơn giản đến từ việc chỉ muốn kịp thời hạn gửi phim dự thi LHP Busan. Ngay sau khi biết mình chưa làm đúng quy định, nhà sản xuất (NSX) đã xin rút phim khỏi LHP, chấp nhận bị xử phạt. 

Dẫu vậy, số phận Ròm sẽ ra sao hiện vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào, dù theo luật định (Nghị định 158/2013/NĐ-CP), phim chỉ bị phạt hành chính với mức 10 - 15 triệu đồng. Không lạ khi các nhà làm phim cho biết, việc Ròm đi Busan khi chưa được cấp phép là sai nhưng đó chỉ là cái cớ để phim bị "giam".

Vấn đề chính của Ròm nằm ở phản hồi của Cục Điện ảnh: phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bạo lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn.

Điều đó có nghĩa, nếu Ròm ra rạp tại Việt Nam, với những diễn biến trong phim, Ròm sẽ bị cắt gọn nhiều trước khi ra rạp.

Hoi dong duyet phim quoc gia: Ngoai tha, trong chan!
Hình ảnh trong phim Điệp vụ Biển Đỏ 

Cho đến nay, mâu thuẫn giữa quyền lợi của người xem và trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn chưa bao giờ thôi hạ nhiệt. Người xem than trời vì phim ra rạp bị "gọt đầu gọt đuôi" trong khi Hội đồng duyệt phim cho rằng đó là cách bảo vệ thuần phong mỹ tục, văn hoá, chính trị... Nhưng oái oăm thay, cái gọi là trách nhiệm đó vẫn chưa được 11 thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia thực hiện đối với phim ngoại. 

Điệp vụ Biển Đỏ, Everest - Người tuyết bé nhỏ và nhiều vụ việc liên quan đến vai trò của Hội đồng duyệt phim quốc gia đã từng và rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, chưa ai đứng ra đảm bảo về hậu quả khi để lọt những chi tiết nhạy cảm về chính trị, văn hoá trong phim ra rạp.

Trách nhiệm của đơn vị phát hành phim ở đâu?

CJ CGV là đơn vị phát hành phim Everest - Người tuyết bé nhỏ tại Việt Nam. Trước đó, Điệp vụ Biển Đỏ cũng do đơn vị này phát hành. Khác vụ việc nhưng chung hình thức, tính chất, thế nhưng trả lời cho việc rút phim khỏi rạp chiếu, đại diện CJ CGV cho biết do phim kém khán giả nên nhường thời gian cho phim khác. 

Cụ thể, trả lời báo chí về việc rút phim Everest - Người tuyết bé nhỏ khỏi rạp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành của CJ CGV Việt Nam nói: “Phim Everest - Người tuyết bé nhỏ đã chiếu gần hai tuần, lại là phim hoạt hình vào ngày trong tuần ít khách nên hôm nay CGV đã quyết định ngừng khai thác”. Trước đó, với Điệp vụ Biển Đỏ, câu trả lời cũng tương tự.  

Chỉ đến khi dư luận chỉ trích dữ dội, CGV đưa ra lời xin lỗi, vào chiều tối 14/10,  về việc thiếu trách nhiệm khi để phim Everest - Người tuyết bé nhỏ có chi tiết hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò ra rạp: "Với tư cách là nhà phát hành, CGV nghiêm túc nhận khuyết điểm do sơ suất trong quá trình phát hành phim. Nhận thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, CGV chân thành gửi lời xin lỗi sâu sắc đến khán giả Việt Nam và sẽ luôn tuân thủ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan quản lý nhà nước". 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI