Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - Gieo mầm yêu thương

26/08/2022 - 08:00

PNO - 32 năm kiên trì thực hiện, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã gieo vào các em những hạt mầm yêu thương theo suốt hành trình vào đời. Để từ đó, các em tiếp nối yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.

Cô sinh viên "3 tốt" và những đêm tát nước

Hơn 2g chiều, Trương Nữ Kiều My vẫn ngồi chú tâm bên bàn học với bài tiểu luận cuối học kỳ. Có khách đến nhà, cô sinh viên năm hai ngành truyền thông marketing của Trường đại học Tài chính Marketing xếp lại các tài liệu. 

Ở tuổi 20, My làm thêm rất nhiều việc như phục vụ quán cà phê, phụ việc ở các đoàn phim, nhận nhập liệu sổ sách, chạy quảng cáo bất động sản… để kiếm thêm tiền phụ mẹ trang trải học hành. “Kỳ này em vừa thi, vừa đi thực tập doanh nghiệp nên phải tạm nghỉ một tháng để tập trung việc học” - My nói.

Trương Nữ Kiều My (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) tham gia tích cực những hoạt động của trường sau những giờ học
Trương Nữ Kiều My (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) tham gia tích cực những hoạt động của trường sau những giờ học

Trong ngôi nhà nằm giáp ranh giữa xã Hiệp Phước (H.Nhà Bè) với tỉnh Long An, My trầm giọng nói về những khó khăn mà gia đình em đã trải qua: “Nếu năm ngoái chị đến đây thì không có cái chỗ này để ngồi.

32 năm xây dựng và phát triển quỹ học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai - người nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định, quỹ đã chăm lo cho rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Tôi nghĩ, sự tiếp sức của chúng ta hôm nay không gì hơn là gieo vào các em những hạt mầm yêu thương, làm hành trang vào đời, để tiếp nối yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.

Bên cạnh công tác vận động học bổng, các cấp Hội còn trợ vốn, vận động xây dựng mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình có con được xét cấp học bổng Nguyễn Thị Minh Khai như một nguồn động viên, giúp các gia đình vượt qua khó khăn, bảo đảm cho con em theo đuổi việc học đến nơi đến chốn.

Bà Trần Thị Phương Hoa 
- Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM

Năm em vào lớp Sáu, ba mẹ chia tay. Mẹ hai bàn tay trắng dắt em với anh Hai về đây”. Ấp 1, xã Hiệp Phước 10 năm trước còn vắng vẻ, gia đình My khi đó chưa có chỗ ở. “Nước mắt mẹ ngày nào cũng chảy khi nhìn thấy nước ngày nào cũng lênh láng trên mảnh đất dự định sẽ cất tạm ngôi nhà. Mẹ không biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào. Nhưng rồi cái nhà xập xệ cũng được dựng lên. Những năm dài sau đó, cảnh nước ngập đến đầu gối khiến ba mẹ con phải thường xuyên thức dậy tát nước giữa đêm” - My nhớ lại. 

Điều kiện sống đã dễ thở hơn vào năm ngoái, khi chị Vi Thị Hồng Gấm - mẹ My - vay mượn người thân để nâng nền và sửa chữa lại cái nhà cho thông thoáng. Nhưng vừa sửa phía trước thì phía sau bị sạt lở. Ngôi nhà nhỏ lại như tấm áo rách bị chắp vá.

Sau khi sửa nhà, mẹ My lại lao vào làm việc, xin tăng ca, đầu tắt mặt tối. Những căn bệnh liên quan đến xương khớp xuất hiện, nhưng chị lờ đi lời đề nghị phẫu thuật của bác sĩ để… dành tiền lo cho con. Hiểu và thương những vất vả của mẹ, My và anh trai bảo nhau ăn ít lại. Bữa cơm của hai anh em gần như chỉ có cơm với nước tương. Việc học hành cũng hoàn toàn tự giác, vì mẹ không có thời gian, không đủ kiến thức để kèm cặp.

Ấy vậy mà bao năm qua, My đều đạt loại giỏi. Những năm phổ thông, thành tích học tập của em luôn đứng đầu lớp và luôn nằm trong tốp 3 của trường. Đặc biệt, năm học lớp 12, My là một trong tám học sinh, sinh viên tiêu biểu tại TP.HCM được ra Hà Nội nhận phần thưởng dành cho những học sinh “3 tốt” cấp Trung ương. Những phần thưởng đó cùng với học bổng hằng năm của Hội và thu nhập từ việc làm thêm khiến hai năm nay, My đã tự lo học phí cho mình.

Chăm ngoan, học giỏi, biết nghĩ đến cộng đồng

Tại P.2, Q.Phú Nhuận, cụ Trần Thị Gấm chậm rãi ráp chiếc cổ vào phần thân áo, chúng tôi ngạc nhiên khi biết ở tuổi 82 nhưng mắt cụ vẫn còn tinh tường. Cụ Gấm đã có 50 năm gắn bó với nghề may. Cháu nội Hoàng Hải Quỳnh ngồi bên cạnh phụ bà cắt chỉ, sắp xếp hàng hóa. 

Hàng gia công do ba mẹ của Quỳnh nhận về. Ban ngày họ đi may ở công ty, tối về may thêm ở nhà, ngày nào cũng đến khuya mới nghỉ. Thương con vất vả nên bà Gấm gắng phụ để các con có thêm điều kiện lo cho cháu. Bà Gấm nói: “Gia đình khó khăn, ba mẹ không có của cải để lại cho con, chỉ biết lo cho con học hành như một cách đầu tư cho tương lai, sau này có được việc làm tốt, lo được cho bản thân, cha mẹ già”.

 Hoàng Hải Quỳnh phụ giúp bà trong công việc Hoàng Hải Quỳnh phụ giúp bà trong công việc
Hoàng Hải Quỳnh phụ giúp bà trong công việc Hoàng Hải Quỳnh phụ giúp bà trong công việc

Quỳnh là một trong 182 gương học sinh vượt khó được Hội LHPN TP.HCM trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai năm học 2022 - 2023. Em là học sinh lớp 12 chuyên văn của Trường THPT Gia Định, 11 năm liền là học sinh giỏi, đạt giải Ba học sinh giỏi văn cấp thành phố năm 2019 - 2020, huy chương đồng môn lịch sử lớp 10 trong Hội thi Olympic tháng Tư… Bà Gấm tự hào về cháu nội: “Con bé ham học dữ lắm. Hôm nào bài nhiều là học đến 1 - 2g sáng. Vì ngủ chung bà nội từ nhỏ nên hễ thấy cháu học nhiều tôi cũng nóng ruột. Bảo đi ngủ nhưng đâu có chịu nghe”. Quỳnh giải thích: “Học chưa xong bài, em cảm thấy lo lắng, có đi ngủ cũng không ngủ được”. 

Không chỉ chăm học, học giỏi, biết phụ giúp gia đình, Quỳnh còn tích cực tham gia các hoạt động và là đoàn viên tiêu biểu. Trong đợt dịch vừa qua, Quỳnh là tình nguyện viên tham gia vào các điểm tiêm vắc-xin, nhập dữ liệu, đi chợ giúp dân. Suốt mùa hè này, Quỳnh cùng với chi đoàn khu phố, đoàn phường tổ chức sân chơi hè cho trẻ em, ra quân tổng vệ sinh, làm sạch và sơn vẽ nắp cống, sơn vẽ lại các bức tường bị bôi bẩn… 

Thiên Ân - Thu Lê

Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ra đời năm 1989, đến năm 1990 được Hội LHPN thành phố triển khai, nhân rộng ra tất cả các cấp Hội. Trải qua 32 năm, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã trao 277.783 suất, với tổng số tiền hơn 206 tỷ đồng. Tính riêng trong năm học 2021 - 2022, các cấp Hội đã trao 6.025 suất với tổng trị giá hơn 10,3 tỷ đồng. 

Ngày 27/8/2022, Hội LHPN thành phố sẽ trao 182 suất học bổng và quà cho các em nữ sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí hơn 750 triệu đồng. Trong đó, 15 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập khá giỏi tiếp tục nhận học bổng từ dự án học bổng khuyến tài “Nâng bước em đi”, với mức học bổng là 18 triệu đồng/năm/em.

(Trích Báo cáo chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai lần thứ 32 của Hội LHPN TP.HCM)  

 

Học sinh nghèo bất ngờ được tặng xe đạp

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt Bé Thủy khi ước mơ xe đạp  đã trở thành hiện thực
Niềm vui hiện rõ trên gương mặt Bé Thủy khi ước mơ xe đạp đã trở thành hiện thực

Sáng 24/8, tại Đền thờ Vua Hùng (P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), đoàn về nguồn Hội LHPN Q.Bình Tân đã đóng góp trao tặng xe đạp trị giá 2,7 triệu đồng cho em Hồ Thị Bé Thủy - nữ sinh lớp Chín, Trường THCS Long Tuyền. Trong niềm vui được tặng xe đạp, Bé Thủy cho biết, chiếc xe đạp là ước mơ của em từ hồi còn học tiểu học, nay mới thành hiện thực. Ngoài tặng xe đạp cho Bé Thủy, đoàn còn tặng chị Thị Tài Chanh - mẹ em - 2,3 triệu đồng. Đây là tình huống phát sinh sau khi đoàn được nghe thông tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình Bé Thủy trong chuyến về nguồn kết hợp chăm lo cho phụ nữ và trẻ em tại TP.Cần Thơ.

Tin và ảnh: Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI