Hoa trên đất thép

24/12/2015 - 16:34

PNO - Hơn bốn năm làm Chi hội trưởng chị Cao Thị Châu đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho phong trào hội của đơn vị.

Chị là Chi hội phụ nữ (PN) khu di tích lịch sử (DTLS) Địa đảo Củ Chi (TP. HCM).

Gieo hạt yêu thương

Lớn lên trong gia đình cách mạng trên quê hương An Phú của vùng đất thép Củ Chi, cô bé Châu đã sớm biết dắt trâu ra ruộng, phụ má làm việc nhà, cày cấy... 12 năm tới trường, Châu luôn là học sinh khá, giỏi. Sau mấy năm vừa học vừa làm tại Công ty Minh Thành (doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng), năm 1990, chị về khu DTLS Địa đạo Củ Chi công tác với ước nguyện được đóng góp một phần tâm sức cho quê hương.

Năm 2011, Chi hội PN Khu DTLS Địa đạo Củ Chi được thành lập, chị em hội viên (HV) tín nhiệm bầu chị Châu làm chi hội trưởng. Vốn là trưởng bộ phận Bến Dược - vùng giải phóng, kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở của khu DTLS nên chị Châu hiểu rất rõ hoàn cảnh kinh tế của từng người trong đơn vị.

Chị đề xuất xây mái ấm tình thương, nhà đồng đội cho những HV gặp khó khăn về nhà ở như chị Nguyễn Thị Thơm, Phạm Thị Thiện, Võ Thị Bé, Trần Thị Anh Thanh… Hàng năm, chị vận động trao 10 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, trang bị góc học tập cho học sinh nghèo hiếu học.

Nhằm chăm lo, hỗ trợ HV cải thiện đời sống kinh tế, chị Châu tìm hiểu nhu cầu, viết đề xuất để HV nhận được vốn vay của Hội LHPN TP.HCM, Hội PN Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Từ năm 2012 đến nay, với khoản vay trung bình 10 triệu đồng/người, HV Chi hội PN Khu DTLS Địa đạo Củ Chi đã đầu tư nuôi gà, bò, trồng ổi, hoa lan, khoai mì… Nhờ đó, đời sống gia đình nhiều HV nghèo như chị Nguyễn Thị Thơm, Võ Thị Thoản, Đặng Thị Tiếng… dần được cải thiện, thậm chí có dư.

Hoa tren dat thep
Giới thiệu mô hình tái hiện khu chợ trong vùng giải phóng tại khu DTLS Địa đạo Củ Chi

Chị Nguyễn Thị Thơn (SN 1984) kể: “Tôi là nhân viên bộ phận nhà hàng của khu di tích. Vợ chồng tôi không có vốn, không đất đai canh tác nên cảnh nhà thiếu trước hụt sau hoài. Nhờ chị Châu giới thiệu, tôi nhận được vốn vay của Hội nên đầu tư nuôi bò, sau chuyển qua mướn đất trồng cải, bầu, bí. Chị Châu là người sâu sắc, tận tụy với công việc và chân thành với đồng nghiệp. Chị hỗ trợ rất nhiều người chứ chẳng riêng gì tôi”.

"Cây" phong trào

Chúng tôi ghé thăm khu DTLS Địa đạo Củ Chi vào một chiều cuối tuần. Đưa khách đi dạo quanh khuôn viên Bến Dược - vùng giải phóng với hệ thống địa đạo, những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh, thăm công binh xưởng, nhà may quân trang, bếp Hoàng Cầm… chị Châu phấn khởi: “Du khách đến đây rất đông vào dịp cuối tuần. Ai cũng hào hứng muốn tìm hiểu lịch sử vùng giải phóng này. Chị em HV, PN ở địa đạo mỗi người một nhiệm vụ, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, không chỉ trong công tác chuyên môn mà trong cả hoạt động Hội”.

Hiện, Chi hội PN khu DTLS Địa đạo Củ Chi có hơn 100 HV. Chị Châu thường tổ chức những buổi tập dượt, giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn”, họp chợ, nấu ăn trong đơn vị. Không chỉ PN, chị “rủ rê” cả nam giới tham gia.

Các hội thi, hội diễn văn nghệ do Hội LHPN TP.HCM, Hội PN Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức không lần nào vắng bóng Chi hội PN khu DTLS Địa đạo Củ Chi.

Chị Châu chia sẻ: “Dấu ấn của chi hội là hát, múa, diễn kịch về phong trào đấu tranh cách mạng trên quê hương Củ Chi năm xưa. Dù bận rộn mấy, chúng tôi vẫn dành thời gian ngồi lại bên nhau, cùng thảo luận, soạn kịch bản, chuyện trò rôm rả. Nhờ vậy mà những mệt nhọc, lo toan đời thường tan biến và chị em càng gắn bó với Hội hơn”.

Bếp Hoàng Cầm "nấu không khói" với món cơm vắt, khoai mì chấm muối đậu của du kích năm xưa giờ là đặc sản hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến khu DTLS Địa đạo Củ Chi.

Theo chị Châu, lượng khoai mì phục vụ tại bếp Hoàng Cầm ước tính khoảng 400kg/ngày. Mua khoai mì bên ngoài thì chi phí cao, lại phải phụ thuộc vào mùa vụ nên ban giám đốc chủ trương “tự cung tự cấp”.

Chị Châu kêu gọi chị em HV trồng khoai mì. Các chị còn tổ chức thành từng nhóm đi kiếm củi khô phục vụ bếp Hoàng Cầm. Chị Châu cũng chủ động triển khai phong trào tiết kiệm, bảo vệ môi trường đến từng HV thông qua các buổi gặp gỡ, sinh hoạt chuyên đề. Mỗi đợt dọn dẹp vệ sinh chung, chị đều hăng hái tham gia cùng HV.

Chị Châu bộc bạch: “Sau bốn năm, điều tôi vui nhất là chị em đã tin tưởng và xem Hội như điểm tựa trong cuộc sống. Sắp tới đây, tôi và ban chấp hành chi hội sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động hỗ trợ HV làm kinh tế. Có ổn định chuyện cơm áo thì chị em mới thoải mái, vui vẻ được”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI