“Hoa hồng” ngành y

06/06/2022 - 06:49

PNO - Sau hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành y tế bị phanh phui, giờ đây, lãnh đạo bệnh viện nào cũng “chùn tay” trong đấu thầu, mua sắm.

Cuối tuần qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) khánh thành Trung tâm Tim mạch trẻ em. Thông thường, sau lễ khánh thành, cơ sở mới sẽ đi vào hoạt động, nhưng… 

Một bác sĩ trong cuộc cho hay, đây chỉ là khánh thành “lấy ngày” nhằm chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), bởi ngoài tòa nhà đẹp đẽ, bên trong gần như trống không, chưa có những thiết bị hiện đại cần thiết để vận hành trung tâm, như máy CT, MRI, siêu âm hoặc DSA.

Điều này không lạ bởi hiện nay, việc đấu thầu và mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao của mọi bệnh viện trên cả nước gần như “đứng hình”. Tại TPHCM, ngoài bệnh viện trên, nhiều bệnh viện khác cũng đang thiếu vật tư, trang thiết bị trầm trọng.

Bác sĩ M. - công tác tại một bệnh viện nhi đồng ở TPHCM - ngao ngán: “Ở chỗ chúng tôi, vật tư phẫu thuật thiếu đủ thứ, từ cây kim, sợi chỉ cho đến bộ đồ mổ. Các bệnh viện nhi đồng khác cũng thế”. Theo bác sĩ M., có những lúc ngặt nghèo, bác sĩ không tìm đâu ra vật tư y tế cho ca mổ, đành phải kêu bệnh nhân về nhà và quay lại khi bệnh viện có đủ vật tư. Có bệnh nhi chuẩn bị lên bàn mổ nhưng bác sĩ thiếu đồ dùng phẫu thuật nên lại phải chờ.

Vật tư, trang thiết bị y tế trên thị trường không thiếu, tại sao các bệnh viện không mua sắm được? Hóa ra, sau hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành y tế bị phanh phui, giờ đây, lãnh đạo bệnh viện nào cũng “chùn tay” trong đấu thầu, mua sắm. 

Bản chất của hầu hết vụ tiêu cực trong đấu thầu, mua sắm y tế ở nước ta là từ chuyện tiền “hoa hồng”. Trong mua bán, “hoa hồng” là khoản phần trăm nhất định trên tổng số tiền sử dụng dịch vụ mà người kinh doanh dịch vụ dành cho người sử dụng dịch vụ hoặc người môi giới, nhằm duy trì, phát triển giao dịch giữa hai bên. 

Các dịch vụ trong lĩnh vực y tế đều liên quan đến vấn đề sức khỏe con người, nên “hoa hồng” là vấn đề nhạy cảm. Đáng nói là có những trường hợp thông thầu, móc nối, thổi giá để tăng tỷ lệ chia chác “hoa hồng” với nhau. Y tế là ngành đặc biệt, không phải kinh doanh, làm như thế có khác gì “kinh doanh sức khỏe”?

Đại dịch COVID-19 lắng xuống cũng là lúc nhiều quan chức y tế từ Trung ương xuống cơ sở đối diện án tù do dính dáng đến việc ăn chia “hoa hồng”. Nhưng không phải bây giờ mà từ hàng chục năm qua, “hoa hồng” đã trở thành vấn nạn trầm kha trong ngành y tế, từ chuyện bác sĩ bị hãng dược “cầm tay kê toa”, đến việc công ty nâng khống giá trang thiết bị nhằm tăng tỷ lệ chia chác cho lãnh đạo bệnh viện. 

“Hoa hồng” trong ngành y tế thực chất là một dạng hối lộ, tham nhũng. Nó khiến dư luận xã hội bức xúc, làm hoen ố uy tín, thanh danh của ngành y tế. Hơn thế nữa, nó còn gây những hệ lụy sức khỏe cho bệnh nhân mà không ai đo đếm được. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International), hằng năm, thế giới có khoảng 140.000 trẻ em tử vong do nạn hối lộ, tham nhũng y tế. Bệnh nhân bị biến thành nạn nhân do phải sử dụng những loại thuốc giả, kém chất lượng hoặc bị áp đặt những giải pháp điều trị lãng phí, kém hiệu quả. 

Vấn nạn “hoa hồng” trong ngành y tế nước nhà cần được giải quyết đồng bộ bằng nhiều giải pháp, gồm giáo dục đạo đức trong trường phổ thông để mọi học sinh ý thức được hối lộ, tham nhũng là tội ác; giảng dạy y đức ở trường y khoa để mọi bác sĩ ra trường phải trân trọng màu áo trắng của ngành; tạo thu nhập thỏa đáng cho nhân viên ngành y tế để họ không nghĩ đến chuyện làm bậy; minh bạch và công khai giá cả các mặt hàng y tế để hạn chế việc nâng khống giá; sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn ngừa hành vi phạm tội. 

Ngày 1/6, thảo luận tình hình kinh tế, xã hội tại nghị trường Quốc hội, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nhận định: “Những con sâu đã bị gạt khỏi hệ thống, nhưng những người ở lại rất hoang mang, loay hoay tìm đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai do hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.

Nhiều vụ tiêu cực liên quan đến “hoa hồng” trong ngành y tế đang bị phanh phui. Lẽ ra, nhà quản lý không nên vì thế mà hốt hoảng siết chặt các quy định khiến cả hệ thống bị tê liệt, bác sĩ nản lòng, bệnh nhân bị điều trị chậm trễ. 

Phải mất 15 năm, Trung tâm Tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng 1 mới ra đời nhưng hiện vẫn đang thiếu trang thiết bị nên chưa thể hoạt động. Và nhiều trẻ mắc bệnh tim nặng, phức tạp vẫn phải chờ cơ hội điều trị. 

Bình Yên

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu