Hòa giải tại tòa có lợi cho các bên đương sự

22/12/2020 - 06:00

PNO - Ngày 1/1/2021 tới đây, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.

Theo các chuyên gia pháp luật, đây là một bước tiến lớn trong cải cách tư pháp. 

Luật gồm 4 chương, 42 điều. Hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện sau khi có đơn khởi kiện, nhưng trước khi tòa án thụ lý, được áp dụng cho các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định. 

Đối thoại, hòa giải tại tòa có lợi rất nhiều cho các bên đương sự. Việc hòa giải thành, đối thoại thành sẽ có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng Hành chính… Việc hòa giải, đối thoại cũng mang tính bí mật; các hòa giải viên không phải là người tham gia tố tụng tại tòa nên làm việc độc lập và theo thỏa thuận chung của các bên. Khi hòa giải không thành, hai bên đương sự có quyền tiếp tục yêu cầu đưa vụ việc ra phân xử tại tòa.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI