Hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm: Liệu có thu hút thí sinh giỏi?

30/09/2020 - 16:06

PNO - Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm. Liệu chính sách mới có thu hút được thí sinh giỏi đầu quân vào ngành này?

Cử nhân sư phạm khó khăn khi xin việc

Em Nguyễn Minh Anh (TP.Hà Nội) - thí sinh được 27,25 điểm thi tốt nghiệp năm nay chia sẻ: “Cho dù có hỗ trợ sinh hoạt phí nhiều hơn nữa cho sinh viên sư phạm em cũng không đầu quân vào ngành này. Năm nay em đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế Quốc dân”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Minh Anh cho biết, em có chị gái cũng học khoa sư phạm văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng tốt nghiệp 6 năm nay, cầm tấm bằng đi khắp nơi xin việc, đến giờ vẫn chưa có chỗ làm ổn định với mức lương có thể sống được.

“Xin vào trường công thì họ không nhận vì giáo viên văn hiện thừa nhiều quá, một năm có vài suất biên chế nhưng cả trăm người đăng ký thi nên không đến lượt chị mình. Xin vào một số trường tư thì học sinh quá quậy, coi thường môn văn nên chán quá chị mình đành xin vào làm tại một nhà xuất bản tư nhân với mức lương 8 triệu đồng/tháng và đến giờ cũng hết luôn tình yêu với nghề...”, Minh Anh kể.

Theo Nghị định  quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.

Về hỗ trợ chi phí sinh hoạt, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Còn cô Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa Giáo dục Học viện Quản lý Giáo dục, cho hay: “Chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm sẽ tạo động lực cho những sinh viên học giỏi mà khó khăn về kinh tế. Đây sẽ là cơ hội giúp các em có môi trường học tập tốt, lại được trang trải sinh hoạt phí thay vì học phí quá cao các em học giỏi nhưng không có cơ hội theo học”.

Cô Loan phân tích như ngành y tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì rõ ràng sinh viên có đủ điểm đỗ nhưng nếu gia đình khó khăn thì các em buộc phải chọn ngành khác. Với mức 3,6 triệu đồng/tháng, sinh viên dư sức trang trải sinh hoạt phí.

“Rõ ràng, vào sư phạm đã có những ưu đãi tốt hơn cho người học nhưng lại đi kèm điều kiện sau 2 năm không làm trong ngành thì phải bồi hoàn tiền hỗ trợ. Điều này cũng khiến nhiều sinh viên phải cân nhắc vì hiện nay để có một công việc ổn định trong ngành sư phạm không hề đơn giản.

Muốn học sư phạm, chắc chắn cần sự quyết tâm và yêu nghề, muốn công hiến của người học. Với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì tôi nghĩ học sư phạm cũng là sự lựa chọn không tốt”, cô Loan chia sẻ.

Quan trọng là hỗ trợ việc làm

Cô Văn Quỳnh Giao, Phó hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội), cho rằng, dù có khuyến khích sinh hoạt phí nhưng ngành sư phạm chưa chắc hút được sinh viên giỏi.

“Học sinh bây giờ rất năng động nhất là những học sinh giỏi. Thay vì vào sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí nhưng buộc phải làm trong ngành, nếu không sau 2 năm các em phải bồi hoàn số tiền hỗ trợ nhiều em đã tính đến việc chấp nhận vay tiền học ngành "hot", ra trường làm cho công ty nước ngoài với mức thu nhập cao.

Với mỗi chính sách, học sinh đều đặt lên bàn cân để cân nhắc chứ không phải cứ hỗ trợ học phí là học sinh sẽ thích. Việc hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm không phải bây giờ mới có mà trước kia cũng đã làm nhưng cũng chưa thực sự thu hút sinh viên giỏi, dù trước kia không kèm điều kiện phải bồi hoàn nếu không làm trong ngành”, cô Giao chia sẻ.

Theo cô Văn Quỳnh Giao, song song với việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí chúng ta nên bàn đến chuyện hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Vì sao những trường công an, quân đội chưa bao giờ hết "hot" và điểm chuẩn năm nào cũng cao? Là vì ngoài mức hỗ trợ sinh hoạt phí, sau khi ra trường các em không phải lo đến chuyện việc làm. Chúng ta hãy có thêm chính sách hỗ trợ việc làm với mức thu nhập tốt thì mới có thể thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm”, cô Giao phân tích.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI