Hiếm muộn và nỗi đau người trong cuộc - Bài 2: Gian nan hiến tặng trứng, tinh trùng

29/05/2015 - 07:24

PNO - PN - Cho đến nay, dù luật đã cho phép nhưng cả nước vẫn chưa có ngân hàng trứng. Trong khi đó, ngân hàng tinh trùng đã ra đời hơn 10 năm nay nhưng số người hiến còn rất thưa thớt. Những quy định về hiến tặng trứng và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Người hiến trứng phải tốn hàng chục triệu đồng

Theo ThS - bác sĩ (BS) Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức), về việc hiến trứng, trước đây, sau khi ngành y tế và truyền thông tuyên truyền vận động, một số chị em có đến bệnh viện (BV) tìm hiểu.

Nhưng khi nghe BV giải thích: người hiến phải chịu mọi chi phí kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, phí trữ lạnh… từ 20-40 triệu đồng thì nhiều chị em lẳng lặng ra về. BV có muốn đứng ra làm trung gian, chịu thay chi phí này cho người hiến trứng và sau này thu lại ở người xin trứng, cũng không được, vì luật quy định: phải hiến trên tinh thần tự nguyện, không được liên quan đến vấn đề mua-bán.

Trong khi đó, ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, ngoài việc hỗ trợ mọi chi phí kích thích, chọc hút trứng cho người hiến vì mục đích nhân đạo, nhà nước còn hỗ trợ từ 1.000-5.000 USD (tương đương 20-100 triệu đồng) cho người hiến trứng và cho một lần hiến trứng. Chi phí này nhà nước sẽ chịu hoặc có thể thu lại từ chính người xin trứng.

ThS-BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM nói: “Để hút được trứng thì người hiến phải được chích thuốc nội tiết tố kích thích buồng trứng trong khoảng 10-12 ngày, sau đó mới tiến hành chọc lấy trứng trưởng thành. Do đó, chẳng có ai mất nửa tháng trời đến BV để xin “Bác sĩ ơi hãy chích thuốc rồi lấy trứng tôi đi. Lấy xong tôi còn nộp vài chục triệu đồng”.

Do đó, nếu luật không sửa đổi cho phù hợp thì ngân hàng trứng không thể hình thành. Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp hiến trứng hiện nay chủ yếu là người quen, chị em trong gia đình, họ hàng. Có trường hợp phôi có hình dáng bên ngoài xấu, chất lượng không tốt, nhưng vẫn muốn được chuyển vào tử cung để mang thai”.

Hiem muon va noi dau nguoi trong cuoc - Bai 2: Gian nan hién tạng trúng, tinh trung

Cho tinh trùng: sáu tháng mới hoàn thành nghĩa vụ

Theo thống kê, số vợ chồng bị vô sinh do chồng vô tinh hoặc tinh trùng bị bất thường về di truyền hiện chiếm khoảng 10%. Ở Việt Nam, có đến 23 BV hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và hàng loạt ngân hàng tinh trùng đã ra đời, nhưng để “vay vốn” từ ngân hàng này là việc không dễ.

BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó giám đốc BV Từ Dũ trăn trở, ngân hàng tinh trùng đã thành lập từ lâu nhưng người cho quá ít. Tại BV Từ Dũ, số người tự nguyện hiến tinh trùng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người cho lo lắng con ruột của mình sẽ lấy nhau gây cận huyết, hoặc lo con sinh ra từ tinh trùng đã hiến tặng cho người khác, không biết sống cuộc sống ra sao…

Về nguyên do khách quan, BS Lê Đăng Khoa, khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương, phân tích: rào cản lớn nhất không thu hút được nam giới đi hiến tinh trùng tự nguyện là thời gian kéo dài, quy trình phức tạp, một người muốn hiến phải phải bỏ công ăn việc làm, tốn chi phí đi lại BV bốn-năm lần để làm các thủ tục, xét nghiệm và kéo dài trong sáu tháng mới xong nghĩa vụ, trong khi họ không được một chế độ hỗ trợ gì.

Nhiều lần, BV Hùng Vương đã tổ chức và vận động được nhiều người đến hiến tinh trùng tự nguyện, nhưng sau khi biết được thời gian làm thủ tục kéo dài, không được hỗ trợ vật chất, lại bỏ công ăn việc làm để "lo cho người khác" thì họ đã thoái lui.

Do những khó khăn vừa nêu nên cứ 10 ca đến hiến thì chỉ có hai-ba trường hợp đi đến đích và thành phần chủ yếu là sinh viên y khoa, người không có ý định lập gia đình... Và cũng có nhiều trường hợp lợi dụng chính sách xét nghiệm để kiểm tra miễn phí cho bản thân. Sau khi có kết quả sức khỏe, nhiều nam giới đã rút lui, không chấp nhận hiến tinh trùng.

Chính sách cần thay đổi!

BS Lê Đăng Khoa cho rằng có sự chưa hợp lý trong quy định việc hiến tinh trùng. Việc hiến máu, nhà nước hỗ trợ sữa, đường và có xe chuyên dụng đến lấy máu, tổ chức nhiều hoạt động vận động, hay như người hiến thận dù là hiến cho người trong gia đình cũng được tặng thẻ bảo hiểm y tế.

Khảo sát gần đây của một BV tại TP.HCM cho thấy, một số người có ý định làm mẹ đơn thân vì sợ già không ai lo, sống cô đơn, muốn kiếm thêm một thành viên lao động.

Sau khi được các BS tư vấn về những thiệt thòi khi trẻ thiếu cha, cũng như cho tham khảo các tài liệu dạy trẻ không có cha, thì chỉ còn 60% phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân, 20% suy nghĩ lại nhưng vẫn tiếp tục quyết định và hơn 10% chuyển sang ý định xin con nuôi.

Trong khi đó, việc hiến tinh trùng bị cấm mọi hình thức hỗ trợ vì luật cho rằng như vậy là mang tính thương mại, trong khi chi phí cho việc kiểm tra sức khỏe để hiến tinh trùng lên đến vài trăm ngàn đồng và BV phải tự gánh chịu. Để số lượng nam giới đăng ký hiến tinh trùng gia tăng thì luật phải bổ sung, sửa đổi về chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, 23 BV hỗ trợ sinh sản trên cả nước phải kết nối với nhau dựa vào công nghệ nhận diện người hiến bằng dấu vân tay, tránh trường hợp một người hiến nhiều lần, hạn chế tối đa tình trạng cận huyết, dù xác suất này rất thấp.

Theo BS Tuyết, tại Việt Nam, người cho chỉ cho một lần, nếu một em bé đã sinh ra từ tinh trùng người hiến thì tất cả phôi, tinh trùng còn lại của người hiến còn trong ngân hàng phải tiêu hủy. Nhiều nước trên thế giới quy định, nếu bé đủ 18 tuổi thì các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thông báo cho bé biết cha ruột của bé. Vì vậy, một nam giới nước ngoài có thể hiến tinh trùng nhiều lần, và, đây là hướng mở giúp ngân hàng có nhiều mẫu để hoạt động.

Bên cạnh việc phải cải thiện chính sách, các BV cũng nên có khu tiếp nhận tinh trùng riêng biệt để người hiến không e ngại.

Gửi thư đến báo Phụ Nữ, một bạn đọc tên K.N. chia sẻ: “Cách đây một năm, thấy báo chí thông tin thiếu người hiến tặng tinh trùng, tôi đã đến BV Từ Dũ để hiến. Đến nơi, mỗi cô hộ lý, y tá chỉ dẫn theo cách khác nhau. Khi tìm được Khoa Hiếm muộn, tôi đã trình bày là muốn hiến tặng tinh trùng cho các cặp vợ chồng vô sinh thì một cô y tá oang oang: “Em hiến cho ai? Hiến mục đích gì?” khiến tôi ngượng ngùng và bỏ về luôn. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên đáng lẽ các BV phải có khu vực trao đổi tư vấn riêng cho những người hiến tặng”.

Để việc hiến trứng trở thành hiện thực, các BS cũng cho rằng trước tiên Việt Nam phải có ngân hàng trứng nhằm giúp người cho và người nhận không biết nhau, không gặp rắc rối về mặt tình cảm về sau. Ngoài ra, khi tổ chức được ngân hàng trứng, trứng luôn có sẵn thì người xin trứng sẽ không phải lệ thuộc vào người cho khi họ có việc đột xuất hay bị bệnh.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, nhà nước nên cho phép một số BV uy tín làm trung gian hỗ trợ một phần chi phí cho người hiến trong suốt thời gian xét nghiệm, lấy trứng. Chi phí này cụ thể ra sao sẽ được hiệp hội nghề y quy định.

TRƯỜNG SA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI