Hãy cho con 12 năm hạnh phúc

03/08/2022 - 06:51

PNO - Mười hai năm, từ lúc bước chân vô lớp Một cho đến ngày tốt nghiệp lớp 12, là khoảng thời gian mà con người lớn lên nhanh nhất. Qua tuổi 18, sự trưởng thành ập đến như một đòi hỏi tất yếu. Rất nhiều đứa trẻ không thể gánh nổi tuổi trưởng thành bởi suốt 12 năm trước đó, những quyết định quan trọng nhất trong đời đều do người khác làm thay.

 

Chọn trường học là một kiểu quyết định như vậy. Nhìn sự cạnh tranh khốc liệt mỗi đầu năm khi các bậc cha mẹ chọn trường cho con, cảm giác sợ hãi trong tôi lại sống dậy. 

Tôi là một đứa trẻ hướng nội. Mãi đến sau này, tôi mới nhận ra điều này nhưng cha mẹ tôi nhận ra từ lâu. Khi tôi khó kết bạn, chỉ thích ngồi yên trong lớp đọc sách, suy nghĩ, chưa bao giờ được bầu làm lớp trưởng, lớp phó hay thậm chí tổ trưởng, cha mẹ đã liên tục xin chuyển trường cho tôi.

Mẹ nghĩ sang trường mới, tôi có thể quên những “thất bại” ở trường cũ và có một khởi đầu mới. Mười hai năm, sáu lần chuyển trường, tôi bơi và bơi liên tục trong những bể bơi mà cha mẹ đã ném tôi vào với suy nghĩ rằng “chỉ muốn tốt cho con”. 

Tất nhiên, tôi luôn cố gắng. Đứa trẻ nào mà không cố gắng cho được khi có những bậc cha mẹ tuyệt vời chỉ muốn tốt cho con? Làm sao không lây niềm hãnh diện khi mình được vô trường “tốt”? Làm sao không cố gắng khi vô trường “top”? Làm sao không tự hào khi khoác lên người bộ đồng phục trường “điểm” của quận, của 
thành phố?

Cố gắng của cha mẹ thật đáng khâm phục. Đâu phải ai cũng giành được một chỗ tốt như vậy, hiếm như vậy cho con. Nhưng cha mẹ tôi - cũng như nhiều cha mẹ khác - đã nhầm. Tốt, hiếm không hẳn là hạnh phúc. Tôi không bao giờ có cảm giác an toàn ở trường bởi hầu như các bạn trong lớp đều học khá hơn tôi, hướng ngoại hơn tôi. Mẹ phải đi rất xa để đưa đón tôi. Và mẹ mệt, mẹ bận rộn, tất bật. Tôi phải đạt điểm cao để không làm mẹ buồn, mà điểm cao nào có dễ. Tôi sợ thầy cô, sợ những bài học, giờ kiểm tra, trả bài cũ. Nhiều khi, tôi sợ đến mụ mị cả đầu óc mà không dám nói với ai.

Cũng bởi vậy, tôi chỉ có thể kết bạn với những đứa có chung cảm giác như mình. Năm lớp Chín, tôi có một đứa bạn rất thân. Tôi hiểu cảm giác của bạn khi không thuộc bài, bạn hiểu cảm giác khi tôi bị gọi lên bảng làm toán mà không làm được. Hai đứa nói chuyện suốt, gần như không rời nhau. Cuối học kỳ, mẹ tôi đi họp phụ huynh, kết quả: hoặc tôi chấm dứt ngay với bạn đó, hoặc tôi chuyển trường. Theo mẹ, cái tôi cần là vào được trường cấp III “xịn” chứ không phải “bạn bè kiểu ấy”. Mẹ đâu biết rằng, tôi chỉ chớm hòa nhập được với trường bởi nơi ấy tôi có bạn. 

Năm tôi lên cấp III, mẹ vô cùng hãnh diện vì trường mới rất nổi tiếng, là trường dành cho học sinh giỏi. Mẹ không biết rằng, tôi khổ sở vô cùng với bạn bè, với các thầy cô vì chỉ sau hai tháng, tôi bị xếp vào nhóm cuối lớp. Tôi đã đầu hàng, không cố gắng hòa nhập nữa. Học lực của tôi tụt dần dù cha mẹ đã đưa đón tôi đi học thêm, học kèm. Tôi chán nản mỗi ngày đến lớp vì tôi biết thầy cô sẽ chăm chú vào tôi, gọi hỏi bài, mời lên bảng... Thầy cô cũng muốn tốt cho tôi thôi mà, tập trung giúp tôi để cộng điểm thêm thôi mà. Đó đúng là cơn ác mộng từ những người tốt mà không hiểu mình.  

Khi lớn lên rồi, tôi thôi oán trách cha mẹ về vụ học hành. Nhưng 12 năm học của tôi đúng là thiếu vắng hạnh phúc. Chính những nỗ lực “muốn tốt cho con” của cha mẹ tôi đã gây ra bất hạnh, bởi những nỗ lực đó biến tôi thành một đứa trẻ không tự quyết định và hay đổ lỗi. 

Có lẽ, hơn ai hết, cha mẹ là người hiểu rõ nên để con học ở trường nào là phù hợp. Nhưng đó là khi cha mẹ không bị chi phối bởi sự cạnh tranh, bởi sĩ diện cá nhân. 

Suốt 12 năm, không phải chỉ riêng tôi mà đứa trẻ nào cũng chưa đủ lớn để đấu tranh cho quyết định của mình. Sự thay đổi chỉ có thể đến từ người lớn. Để có được hạnh phúc suốt 12 năm là khó. Nhưng tôi muốn kể lại câu chuyện này để nói rằng, hạnh phúc chỉ có thể xuất phát từ bên trong đứa trẻ; hãy lắng nghe và tôn trọng đứa trẻ ấy trước khi trùm lên chúng chiếc khăn “chỉ muốn tốt cho con”. Đôi khi, chiếc khăn ấy sẽ làm chúng ngạt thở. 

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI