Hàng xuất không đảm bảo an toàn thực phẩm bị trả về, ai xài?

05/10/2016 - 11:30

PNO - Nhiều lô hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang các nước bị trả về do không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể được bán tại thị trường trong nước. Điều này khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.

Bị trả về do độc hại

Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (gọi tắt là Cục) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa cảnh báo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau khi hàng loạt lô gạo xuất khẩu sang thị trường này bị trả về do tồn dư các hoạt chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép của Mỹ.

Trong bốn năm qua, ước tính có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 DN Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về. Những lô gạo bị trả chủ yếu tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe… vốn là những chất có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu… Tuy vậy, Cục không công bố cụ thể DN nào có sản phẩm bị tồn dư hóa chất và biện pháp xử lý với những lô hàng xuất khẩu bị trả về.

Hang xuat khong dam bao an toan thuc pham bi tra ve, ai xai?

Trước đó, hàng loạt các nông sản, thực phẩm khác như trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả… cũng bị trả về, thậm chí có nước dọa “cấm cửa” những mặt hàng này với lý do nhiễm kháng sinh, chất cấm. Bà Hoàng Mai Vân Anh, đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cho biết, mỗi năm, Việt Nam bị thiệt hại khoảng 14 triệu USD do bị các nước trả hàng về.

Việt Nam hiện đang nằm trong số ba quốc gia có số lượng hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất tại các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật, EU. Theo cơ quan quản lý thị trường các nước, nguyên nhân khiến số hàng thủy sản của Việt Nam bị trả về ngày càng tăng là do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như chứa chất gây ô nhiễm, nhiễm vi sinh, lượng kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.

Điều tra của Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân theo hướng dẫn, quy định, gây mất an toàn thực phẩm khiến một số quốc gia tạm ngừng nhập khẩu. Song nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thú y thủy sản, thiếu cán bộ chuyên môn và trang thiết bị.

Từ đầu năm đến nay, có hàng chục lô hàng thủy sản nhiễm kháng sinh bị Nhật Bản trả về, chủ yếu nhiễm các loại kháng sinh như chroramphenico trong cá bò khô tẩm gia vị hay mực đông lạnh, furazolidone, enrofl oxacin trong tôm đông lạnh dù hàm lượng tồn dư những chất này ở mức cực nhỏ.

Nhiều lô tôm, cá xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu cũng bị trả về với lý do tương tự. Không chỉ thủy sản, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như chè, hồ tiêu cũng bị nhiều thị trường cảnh báo, trả về do không đảm bảo chất lượng.

Đáng lo ngại là, theo một số DN xuất khẩu thủy sản, hàng bị trả về được mang ra tiêu thụ tại thị trường trong nước, bởi cơ chế giám sát những sản phẩm này hết sức lỏng lẻo.

Xứ người chê thì bán ở xứ ta

Số phận những lô hàng nông sản, thực phẩm bị trả về lâu nay vẫn là một ẩn số, nhưng thi thoảng, mục đích sử dụng của chúng được hé lộ làm không ít người tiêu dùng trong nước phải giật mình.

Hang xuat khong dam bao an toan thuc pham bi tra ve, ai xai?
Nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do không an toàn vệ sinh thực phẩm đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước

Chẳng hạn, năm ngoái, công ty tư nhân Vĩnh Nghiệp (tỉnh Vĩnh Long) xuất khẩu một lô hàng trứng vịt muối sang Singapore, bị nước này trả về với lý do trứng nhiễm sudan, một loại chất giúp tạo màu cho lòng đỏ trứng nhưng độc hại; sau khi bị trả về, công ty Vĩnh Nghiệp đã cho công nhân bóc vỏ, lấy lòng đỏ bán lại cho các cơ sở chế biến bánh để làm nhân.

Ông Trương Hữu Nghị, đại diện DN này cho rằng, quy định ở Việt Nam và Singapore khác nhau về tỷ lệ sudan tồn dư trong sản phẩm; dù bị Singapore trả về nhưng xét nghiệm ở Việt Nam cho kết quả phù hợp thì... vẫn có thể tiêu thụ.

Với thủy hải sản bị trả về do nhiễm vi sinh vật, chẳng hạn như con tôm, có người còn cho rằng, chỉ cần luộc lên là hoàn toàn có thể dùng được. Rất nhiều chủ DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm có suy nghĩ như vậy.

Đại diện một DN xuất khẩu gạo thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, tiêu chuẩn đối với gạo xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là rất cao, và họ quy định rất nghiêm ngặt về các chất tồn dư (kháng sinh, chất kích thích tăng trọng, thuốc bảo vệ thực vật…).

Nhiều chất được phép sử dụng ở Việt Nam nhưng bị cấm tuyệt đối ở các nước nên dù không được bán vào những nước này vẫn có thể bán được tại thị trường trong nước hay ở những thị trường dễ tính như các nước châu Phi. Ngay cả những chất bị cấm tuyệt đối ở Việt Nam nhưng người trồng vẫn lén lút mua, sử dụng, DN không thể kiểm soát được.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, với hàng bị trả về, đơn vị xuất khẩu phải có nhiệm vụ kiểm tra lại nguyên nhân có đúng như đối tác đưa ra hay không. Nếu lô hàng có thể gây hại sức khỏe người dùng thì buộc phải tiêu hủy. Không thể đưa các lô hàng này ra tiêu thụ nội địa vì bản thân thị trường nội địa cũng có những tiêu chí chất lượng gắt gao.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi các đơn vị kiểm tra, kiểm soát như Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafi quad), Cục Thú y phải xây dựng chính sách, quy chế rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng với người tiêu dùng trong nước.

Bằng trực quan, dường như không thể nhận biết được thủy sản có nhiễm kháng sinh hay không. Do vậy, rất dễ hiểu khi người tiêu dùng lo lắng rằng thủy sản xuất khẩu bị trả do chứa kháng sinh vượt ngưỡng cho phép đi vào bữa cơm gia đình.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafi quad cho biết, cơ chế xử lý những sản phẩm xuất khẩu bị trả về do chất lượng không đáp ứng là có. Cụ thể, những lô hàng đó sẽ được kiểm định lại, nếu dư lượng chất kháng sinh hay hóa chất khác vượt mức cho phép thì phải tiêu hủy, không vượt ngưỡng thì DN có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng thừa nhận việc giám sát được nguồn hàng này hiện chưa chặt chẽ vì nhiều lý do, và Nafi quad đang phối hợp với các DN để tìm ra một giải pháp kiểm soát, quản lý một cách hiệu quả hơn.

Ông Tiệp cũng cho rằng, theo phân công của Bộ thì Cục Thú y là đơn vị thực thi việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng xuất, nhập khẩu. Đối với các trường hợp lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo, Nafi quad đã tổng hợp và cung cấp danh sách cơ sở nuôi cho Cục Thú y để kiểm tra, xử lý vi phạm. Thế nhưng, một số DN không hợp tác với Cục Thú y để xác minh thông tin.

Trong chín tháng qua, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về, chủ yếu là do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch dẫn đến tình trạng tồn dư chất kháng sinh vượt mức cho phép.

Nhưng, đại diện Cục Thú y cũng cho rằng, các lô hàng thủy sản bị trả về có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng quy định ở nước này nhưng nước khác vẫn chấp nhận; do vậy, số hàng trên được mang về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.

Thêm vào đó, ngoài nguyên nhân tồn dư các chất kháng sinh vượt mức cho phép, hàng thủy sản bị trả về còn do nguyên nhân khác như tàu đưa nhầm cảng, bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách. Những lô hàng dạng này sẽ được tiêu thụ như bình thường tại thị trường nội địa.

Điều đáng băn khoăn là: với các lô hàng xuất khẩu bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, muốn tiêu thụ trong nước cũng sẽ bị giám sát, kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt như đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam, nếu không đạt thì phải tiêu hủy.

Nhưng, người tiêu dùng dựa vào đâu để biết được lô hàng nào được phép tiêu thụ, lô hàng nào lẽ ra phải tiêu huỷ? Bởi trên thực tế, dường như cơ quan chức năng chưa từng công bố lô hàng nào buộc phải tiêu hủy.

Thư Hùng - Song Nam 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI