Hàng loạt trường mầm non 'tẩy chay' thịt lợn khỏi thực đơn

08/03/2019 - 10:52

PNO - Hàng loạt trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã thông báo cắt giảm tối đa, thậm chí nói “không” với thịt lợn trong thực đơn bữa ăn, trước thông tin dịch tả lợn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành

Quay lưng với thịt lợn

Tuần vừa qua, ngay sau khi thông tin Hà Nội và nhiều địa phương lân cận xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhiều trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đã gửi thư hoặc nhắn tin thông báo về việc điều chỉnh thực đơn của trẻ.

Trong thư gửi từ trường mầm non M.L.S (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Vì hiện tại ngoài thị trường đang có dịch tả lợn châu Phi nên nhà trường sẽ hạn chế thực phẩm của các con có liên quan đến thịt lợn”. Theo đó, thực đơn cụ thể của nhà trường trong tuần chỉ có 1 bữa sáng và 1 bữa chính sử dụng thịt lợn, còn lại hầu hết là thịt bò, chim bồ câu, cá, ngao…

Hang loat truong mam non 'tay chay' thit lon khoi thuc don
Hàng loạt trường mầm non tuyên bố hạn chế, thậm chí ngừng hoàn toàn thịt lợn trong thực đơn hàng ngày

Không chỉ hạn chế như trường M.L.S, trường mầm non G.Q (Long Biên, Hà Nội) cũng đưa ra thông báo tạm dừng hẳn việc chế biến các món ăn từ thịt lợn. Nguyên nhân là nhà trường muốn “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các con” trước thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội). Nhà trường cho biết sẽ chuyển sang thịt bò, gà, hải sản… cho phù hợp với thực đơn hàng ngày của trẻ.

Theo ghi nhận của PV, rất nhiều trường mầm non khác trên địa bàn tỉnh Hà Đông, Long Biên đã ra thông báo hạn chế, hoặc “tẩy chay” thịt lợn hoàn toàn khỏi thực đơn hàng ngày. Thậm chí, một trường mầm non tại Hà Đông còn yêu cầu phụ huynh nộp thêm 5.000 đồng/ngày do thức ăn thay thế cho thịt lợn đều đắt hơn, làm gia tăng chi phí.

Tẩy chay vì hiểu sai về dịch bệnh?

Trao đổi với PV Báo Phụ nữ TP.HCM, lãnh đạo của một trường mầm non cho biết, nhà trường cũng gặp khó trong vấn đề tiếp tục sử dụng thịt lợn, bởi ngay sau khi thông tin dịch tả lợn có mặt tại Việt Nam, nhiều phụ huynh đã đóng góp ý kiến tới nhà trường và yêu cầu ngừng thịt lợn trong thực đơn hàng ngày của trẻ. 

Chị T.P (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cả tuần nay gia đình chị đã không sử dụng thịt lợn. Do đó, nếu nhà trường không ngưng sử dụng sản phẩm này thì chị phải bố trí công việc để đưa con... về nhà ăn cơm.

Thậm chí, tại trường T.X (Hà Đông), nhiều phụ huynh vẫn hẹn nhau để kiểm tra thực tế bữa ăn của nhà trường để đảm bảo nhà trường không tiếp tục sử dụng thịt lợn như đã thông tin.

Hang loat truong mam non 'tay chay' thit lon khoi thuc don
Nhiều phụ huynh "an tâm" với việc nhà trường ngừng sử dụng thịt lợn

Điều đáng nói, việc tẩy chay thịt lợn đang gây ra một áp lực đáng lo ngại đối với các hộ chăn nuôi trên thị trường. Và trước đó, hàng loạt bộ, ngành đã đồng loạt lên tiếng khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Ông Nguyễn Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra.  “Tuy nhiên, dịch bệnh không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”.

Tại cuộc họp trực tuyến Phòng chống dịch tả lợn do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh, dịch tả lợn không gây bệnh trên người nên người dân không vì quá lo lắng mà quay lưng với sản phẩm này. “Trên thực tế đã có địa phương bị ứ đọng sản phẩm thịt lợn sau khi có thông tin dịch bệnh”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, hiện nay, đối với các ổ dịch bệnh, ngay sau khi phát hiện, các địa phương đều tiến hành tiêu hủy, kiểm soát chặt chẽ việc tuồn lợn bệnh ra thị trường để đảm bảo nguồn thịt lợn chất lượng và không làm lây bệnh dịch.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI