Gửi trọn yêu thương vào ẩm thực tết

14/02/2021 - 06:08

PNO - “Với tôi, mọi người đều là gia đình. Tết này có chút khó khăn vì dịch bệnh thật, nhưng không thể vì thế mà mình ngừng yêu thương lại”, chị Thơ nói.

Ẩm thực ngày tết là nét đẹp trong văn hóa Việt Nam, và càng đẹp hơn khi được những người phụ nữ Sài Gòn chăm chút không chỉ cho gia đình mà còn để chia sẻ với những lao động nhập cư đón Xuân nơi đất khách.

Nghĩ ít lại, làm nhiều hơn

Từ giữa tháng Chạp, nhà bà Lê Thị Thanh Thúy, 51 tuổi, ở tổ 3, khu phố 7, P.Thới An, Q.12 toàn mùi kiệu nồng, những nia củ cải, cà rốt đang phơi. Như thường lệ, bà lại cất công muối cải, muối kiệu tặng công nhân khu trọ mình và mấy khu lân cận. Năm nay, bà làm tới 60kg củ kiệu do người lao động ở lại ăn tết nhiều hơn mọi năm.

Không chỉ vậy, vợ chồng bà và các con còn đi chợ mua đủ loại nguyên liệu về nấu nước sâm, làm chân bò hầm, mì Ý, sườn bò nướng, tôm sú nướng muối ớt, xôi, gỏi, cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng đãi công nhân. Rồi thì gạo, các loại thực phẩm khô, bà gói đủ 17 phần tặng 17 phòng trong khu trọ của mình.

Nghe quở, nay chơi lớn dữ, bà cười hiền: “Có gì đâu, tôi thấy các cháu cực quá, lại lo nghĩ nhiều vì dịch bệnh nên càng thương quý. Ngày xưa tôi hay lo lắm, tiền bạc eo hẹp, ăn bữa nay lo bữa mai. Từ hồi COVID-19 ập tới, lại thêm bản thân bị bệnh huyết áp hay đau đầu, tôi dặn lòng nghĩ ít lại, làm nhiều hơn, việc gì tốt cho đời thì làm”, bà Thúy giãi bày.

Bà Thúy làm củ cải, của kiệu tặng người ở trọ.
Bà Thúy làm củ cải, củ kiệu tặng người ở trọ

Bà Thúy sống bằng nghề nấu đám tiệc đã nhiều năm, suốt ngày loanh quanh chợ búa, rau củ, thịt cá. Thế nhưng, cứ độ giữa tháng Chạp, bà chọn ngưng lại chuyện kiếm tiền, dồn hết tâm sức chăm lo cho công nhân và bà con nghèo quanh khu phố. Có năm, bà gói bánh tét, năm khác đổ bánh tổ. Riêng củ kiệu muối giấm, củ cải và cà rốt ngâm đường, nước mắm thì năm nào cũng có. Bà tâm sự: “Đây là những món ăn trên bàn cơm ngày tết của gia đình tôi. Tôi mong các cháu công nhân cũng có như vậy. Mấy món này chua chua ngọt ngọt, lại giòn, ăn kèm bánh chưng, bánh tét hay cơm đều được”.

Bà Thúy còn chuẩn bị quà và bữa cơm ấm cúng đãi mọi người.
Bà Thúy còn chuẩn bị quà và bữa cơm ấm cúng đãi mọi người

Cũng như bà Thúy, chị Trần Thị Kiều Thơ, 45 tuổi  - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 2, P.Bình Chiểu, TP. Thủ Đức - chọn làm mứt mãng cầu me để chia sẻ với mọi người. Từ sáng 21 tháng Chạp, sau khi cắt rau trong vườn nhà giao cho khách, chị liền lên chợ đầu mối Thủ Đức chọn mua mãng cầu xiêm và me về làm mứt. Chị nói món này không khó, nhưng cần kiên trì vì khâu sên rất lâu, phải đảo đều tay để tránh mứt bị cháy khét. Mứt làm xong, chị gửi Hội LHPN P.Bình Chiểu mang tới tận nhà tặng các cụ già, hội viên phụ nữ khuyết tật, mắc bệnh nan y.

Chị Kiều Thơ làm mứt mãng cầu me.
Chị Kiều Thơ làm mứt mãng cầu me

Gia đình chị Thơ có khu nhà trọ xây từ năm 2006. Người thuê đa phần làm công nhân, đến từ các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Đồng Tháp. Năm nay, vì dịch bệnh, nhiều người chọn ở lại Sài Gòn ăn tết. Để góp chút hương Xuân trong phòng trọ của anh chị em, chị Thơ đã nhờ người thân ở Tiền Giang gói bánh chưng, bánh tét chở lên chia cho mọi người. Ngoài ra, chị còn mua bánh ngọt, lạp xưởng, gạo, thực phẩm khô tặng, chuẩn bị phong bao đỏ lì xì cho các bé con công nhân vào sáng mùng Một tết. “Với tôi, mọi người đều là gia đình. Tết này có chút khó khăn vì dịch bệnh thật, nhưng không thể vì thế mà mình ngừng yêu thương lại”, chị Thơ nói.

Bánh tét, bánh chưng cho tết sum vầy

Năm nay, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ ở Q.Bình Tân đã cùng góp sức gói, nấu 500 đòn bánh tét tặng công nhân và lao động nhập cư không về quê ăn tết. Một trong những người phụ nữ cần mẫn chăm chút từng đòn bánh ấy là bà Ngô Thị Ba, 63 tuổi, ở khu phố 8, P.Bình Trị Đông A. Gói bánh tét vốn là nghề kiếm sống của bà hơn 20 năm qua.

Bà Ba dành thời gian gói bánh tét làm quà tặng.
Bà Ba dành thời gian gói bánh tét làm quà tặng

Thời trẻ, bà Ba tham gia công tác đoàn thanh niên, hội phụ nữ, từng đi bán gạo, bánh mì gây quỹ cho hoạt động phong trào. Từ ngày làm dâu, bà nối nghiệp mẹ chồng gói bánh tét giao cho tiểu thương các chợ quanh Q.Bình Tân, trung bình 100 đòn/ngày, dịp Tết Nguyên đán thì 200 - 300 đòn/ngày.

“Thời chưa có mối, tôi đạp xe ra Chợ Lớn tìm khách, nắng nôi mưa gió gì cũng đi. Bánh tét nhà tôi gồm nhân mặn với đậu xanh, mỡ và nhân chuối, trộn thêm đậu đen vô nếp cho ngon nữa. Từ ngày giữa Chạp là bận lắm, nhưng nghe Hội Phụ nữ quận thông tin muốn làm chương trình hỗ trợ công nhân vui tết, tôi gác hết việc nhà, bởi thấy chuyện này rất nên làm”, bà Ba chia sẻ.

Bà Phượng (bìa trái) góp sức cùng phụ nữ khu phố gói bánh chưng tặng bà con nghèo.
Bà Phượng (bìa trái) góp sức cùng phụ nữ khu phố gói bánh chưng tặng bà con nghèo

Dù việc nhà ngổn ngang, bà Vũ Thị Phượng, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 8, P.Trường Thọ, TP. Thủ Đức - cũng gác lại, lo gói, nấu bánh chưng tặng bà con nghèo địa phương. Là con gái đất Bắc (tỉnh Nam Định) sống ở Sài Gòn gần 40 năm, bà vẫn giữ những nét riêng trong văn hóa ẩm thực ngày tết của quê hương, đó là gói bánh chưng, làm nem rán, dưa hành.

Cũng giống như bà Ba, bà Thúy, chị Thơ, bà Phượng nói, điều mong mỏi lớn nhất của mình là dù khó khăn hay dư dả, bữa cơm ngày tết trên mâm nhà ai cũng đủ đầy bánh trái để khoảnh khắc sum vầy thêm đầm ấm, tươi vui. Ba năm nay, cứ cuối tháng Chạp, bà lại góp tiền, góp sức cùng các dì, các chị ở khu phố gói, nấu bánh chưng tặng mọi người.

“Năm nay không được trọn vẹn lắm vì nỗi lo dịch bệnh COVID-19. Dẫu vậy, tôi nói với chị em là tụi mình ráng làm cho đàng hoàng để bà con có cái tết ấm lòng”, bà Phượng bộc bạch.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI