GS.Vũ Dương Ninh: Dạy Sử như thế nào để học sinh không ngán?

14/12/2015 - 12:03

PNO - “Học Lịch sử, niên đại và các sự kiện là cần thiết nhưng phải chọn niên đại nào là chính, từ đó học sinh có thể suy ra các sự kiện khác”.

Chiều 9/12 phóng viên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã có cuộc trò chuyện với GS.NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề học Lịch sử như thế nào trong chương trình giáo dục.

GS.Vu Duong Ninh: Day Su nhu the nao de hoc sinh khong ngan?
GS. NGND Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Hoàng Dương).

PV: - Vừa qua, dư luận xã hội và Hội khoa học lịch sử đã cố gắng đòi giữ môn Lịch sử là một môn độc lập. Tuy nhiên, học sinh chán môn Sử cũng phải có nguyên nhân. Là một nhà sử học, GS nghĩ sao về sách giáo khoa và cách giảng dạy môn sử trong nhà trường hiện nay?

GS Vũ Dương Ninh: - Vừa rồi có diễn ra cuộc tranh luận giữa chủ trương tích hợp của Bộ GD-ĐT và ý kiến của nhiều nhà sử học mà tập trung thể hiện ở Hội khoa học lịch sử Việt Nam.

Chiều thứ hai (8/12) đã diễn ra cuộc họp giữa hai bên dưới sự chủ trì của Ban tuyên giáo trung ương. Tại cuộc họp, hai bên đã gần hiểu nhau, thống nhất được một số việc nhưng chưa hoàn toàn. Dẫu sao đó là một thuận lợi dẫn đến kết luận giữ lại môn Lịch sử là môn học độc lập như nghị quyết của Quốc hội.

Ai đó nói vui bên này thắng hay bên kia thắng, theo quan điểm của tôi là không ai thua mà tất cả cùng thắng. Tại sao? Vì chúng ta đã cùng xác định đúng vị trí của môn Lịch sử và từ đó tìm cách xử lý đúng môn này trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Bộ GD cũng mong thế, Hội khoa học lịch sử và chúng ta cũng mong thế, nhưng khác ở chỗ Bộ GD quan niệm để làm được việc ấy là đi theo con đường tích hợp, còn Hội khoa học lịch sử cho rằng, để làm được việc này phải tách ra thành môn học độc lập. Cuối cùng quyết định để lại thành môn học độc lập, cùng tìm ra cách tốt nhất, như vậy là chúng ta cùng thắng, cùng hướng tới một mục tiêu chung phục vụ nền giáo dục nước nhà.

Báo động mà chúng ta đều thấy trong nhiều năm nay là môn Lịch sử không được yêu thích. Cuộc tranh luận này đặt ra vấn đề trách nhiệm của nền giáo dục nói chung và của giới sử học nói riêng phải giải quyết. Đây được xem là thời điểm thuận lợi để giải quyết một cách căn bản và toàn diện vấn đề dạy sử trong chương trình phổ thông. Nếu chúng ta để lỡ cơ hội này thì tình hình rất xấu và sẽ rất bất lợi cho công cuộc cải cách giáo dục.

Rất nhiều học sinh không thích học môn sử. Cần phải làm rõ, các em “không thích học môn sử” chứ không phải các em “quay lưng với lịch sử nước nhà”. Thực ra, các em rất yêu thích lịch sử nước nhà với biết bao tấm gương trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhưng sự truyền đạt đến các em thiếu hấp dẫn, rất khô khan làm cho việc học mất hứng thú. Cho nên, vấn đề là làm sao môn Lịch sử có sức hấp dẫn đối với các em.

Về bộ sách giáo khoa mà hiện tại các em đang học, trước đây tôi cũng có tham gia nên việc tôi nói bây giờ có phần tự trách mình chứ không phải chỉ nói người khác.

Sách giáo khoa trước đây có sự chỉ đạo chung là theo xu hướng cung cấp kiến thức toàn diện, đầy đủ để nâng cao trình độ của học sinh. Sợ rằng nếu không nói thì học sinh không biết, cho nên đưa vào môn Lịch sử tất cả các vấn đề, các sự kiện, các quá trình diễn biến. Tất nhiên là có chọn lọc, nhưng với tinh thần chỉ đạo ở trình độ cao như vậy, kinh điển như vậy thì chắc chắn là sẽ rất nặng nề đối với lứa tuổi của các em.

Người viết sách giáo khoa đều chọn từ những người giảng dạy đại học có trình độ cao, có hiểu biết sâu nhưng không cảm nhận được tâm lý và trình độ của đối tượng tiếp nhận là học sinh trường phổ thông. Điều này chính tôi cũng đã nhận thức sớm là chúng ta bắt các cháu đang độ tuổi quàng khăn đỏ hoặc vừa mới đeo huy hiệu Đoàn đã phải học nhiều “vấn đề của người lớn”, như vậy là quá nặng.

Vậy nên phản ứng của các em là đòi hỏi chính đáng. Môn Lịch sử phải diễn đạt thế nào để các em tiếp nhận được, qua đó có sự thích thú, say mê cả về trí tuệ và tình cảm. Cho nên việc xã hội phê phán là điều rất đúng và đáng báo động đối với người làm sách.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI