Gỡ khỏi sàn thương mại điện tử hàng ngàn sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng

22/04/2025 - 14:37

PNO - Ngoài thực phẩm chức năng và sữa không đảm bảo, Bộ Công Thương cũng vừa yêu cầu một số nền tảng tháo gỡ tất cả sản phẩm bán lẻ thuốc kê đơn.

Phó Tổng
Ông Trần Xuân Toàn - Phó tổng biên tập Báo Tuổi trẻ phát biểu khai mạc tọa đàm - Ảnh: M.Quang

Gỡ bán lẻ thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử

Sáng 22/4, tại tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" do Báo Tuổi trẻ tổ chức, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần xác thực danh tính điện tử đối với người bán trên các nền tảng thương mại điện tử.

Vừa qua có nhiều vụ việc bán hàng, sản phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng trên các nền tảng số, đặc biệt là sữa giả đã bị phanh phui. Khi nhận được phản ánh, Cục Thương mại điện tử và kinh tế đã yêu cầu các nền tảng số lớn về thương mại điện tử, nền tảng số trung gian gỡ bỏ hàng ngàn sản phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, sữa.

"Ngày 21/4, chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ, đăng tải thông tin cảnh báo" - bà Hà thông tin.

Tuy nhiên, theo bà Hà, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có thêm nhiều biện pháp rà soát, xử lý.

Trong thời gian tới, để giải quyết triệt để, bà Hà cho rằng, cần tạo được “niềm tin số”. Tức, người bán hàng phải được định danh trên môi trường ảo để tạo niềm tin cho người mua hàng. Bà mong muốn Cục Thương mại điện tử sẽ quản lý số bằng việc yêu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với ứng dụng VNeID.

“Khi có VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn" - bà Lê Thị Hà nhấn mạnh.

Cập nhật dữ liệu VNeID ngay sau khi sáp nhập tỉnh, xã

Tại tọa đàm, trả lời về việc người dân băn khoăn sẽ phải làm gì để cập nhật định danh cá nhân sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, ông Trần Duy Hiển - Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an) thông tin, Cục C06 sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.

"Việc này sẽ phụ thuộc vào thống kê vì liên quan đến mã các địa giới hành chính và các tên gọi được quy định. Sau khi có những thông tin này thì Cục C06 sẽ phối hợp công an địa phương cập nhật ngay. Chúng tôi đã có kinh nghiệm vì giai đoạn trước đây Cục C06 đã triển khai sáp nhập một loạt xã trước khi thực hiện tổng rà soát sáp nhập như hiện nay" - ông Trần Duy Hiển nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đặt câu hỏi, hiện có 62 triệu người được cấp định danh điện tử, Bộ Công an đã có kế hoạch mở rộng độ tuổi hay không. Bởi trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an nói đã hướng đến làm căn cước công dân với trẻ em từ khi sinh ra.

Trả lời nội dung này, ôngTrần Duy Hiển nêu lại việc Bộ trưởng Bộ Công an từng có cam kết cấp 100% căn cước công dân cho người dân đến độ tuổi, thời điểm đó Luật căn cước 2016 quy định chỉ cấp cho người trên 14 tuổi.

Còn hiện nay khi trẻ vừa sinh ra đã có dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế nên khi vừa sinh ra đã có thẻ căn cước thay thế đăng ký khai sinh. Chỉ có điều khác với trẻ dưới 6 tuổi không có ảnh chân dung và vân tay do còn quá nhỏ. Còn trên 6 tuổi có ảnh chân dung.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu địa phương rà soát số lượng trẻ đến độ tuổi đi học để bố trí trường. Nhưng nay khi có cơ sở dữ liệu dân cư, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kết nối với Bộ Công an để cung cấp số lượng trẻ đến độ tuổi. Từ đó, các đơn vị địa phương sẽ phải tham mưu để xây dựng trường lớp hoặc bố trí giáo viên. C06 đã chủ động để thực hiện việc này.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI