Giễu nhại sinh viên mua nhà ở tuổi 23 hay thói đố kỵ của người Việt

23/09/2020 - 13:05

PNO - Chỉ vì chia sẻ câu chuyện mua được nhà sau khi vừa tốt nghiệp đại học, mà một bạn trẻ phải hứng chịu bao nhiêu bình luận nghi ngờ, giễu nhại.

Suốt mấy ngày liền, mạng xã hội với những tranh luận, bình phẩm không dứt về sự việc K.H. - một sinh viên báo chí vừa tốt nghiệp một tuần đã mua được căn hộ chung cư. Bài báo viết về em là sự chia sẻ, đánh giá cao lối sống tiết kiệm, thái độ làm việc chăm chỉ, tinh thần tích cực và khả năng làm báo lăn xả, cống hiến của em. 

Lẽ ra đó là một tấm gương để người trẻ nhìn vào học hỏi, cố gắng. Nhưng đổi lại, sau những bộc bạch rất chân tình ấy, điều H. nhận lại được là những nghi ngờ, giễu nhại và có cả lời ác ý trên mạng xã hội. Niềm vui chia sẻ ra đáng lẽ phải được nhân đôi, chung vui, nhưng H. lại phải hứng chịu cả một cơn mưa bình luận dè bỉu, miệt thị. 

Sao lại như vậy?

Bài báo làm dậy sóng mạng xã hội
Bài báo làm dậy sóng mạng xã hội

Người ta bắt đầu cân đo đong đếm số tiền em tiết kiệm được từ tiền ba mẹ cho khi còn ở giảng đường đại học, thu nhập có được từ khoảng thời gian làm cộng tác viên cho các trang báo điện tử, tính toán các kiểu để phô bày ý kiến của bản thân. Dư luận chia làm hai phía: phía "có thể" dành nhiều lời khen, động viên bạn trẻ. Còn phía "không thể" bắt đầu cay nghiệt. Thậm chí một tờ báo còn đăng tranh biếm họa, mang chuyện "sugar daddy - sugar baby" ra để giễu nhại.

Lời ác ý đôi khi người nói ra chỉ xem là đùa vui thoáng chốc, gió thổi mây bay, nói cho "sướng miệng" nhưng đó lại là lưỡi dao vô hình sắc nhọn làm tổn thương sâu đến người khác. Nói lời cay nghiệt với người khác - ở góc nhìn tâm lý học - đó cũng chính là phản ánh nội tâm của bản thân mình. 

Mỗi người có riêng những lựa chọn và mục đích sống khác nhau. Thành quả mà bất kỳ ai đạt được cũng là kết quả của một quá trình dài nỗ lực, vất vả. Ta không làm được không có nghĩa người khác không thể. Cái mà số đông thấy về một ai cũng chỉ có thể là phần chóp của đỉnh tháp, là phần nổi của tảng băng trôi. Hôm nay nhìn thấy người ta thành công như vậy, nhưng mấy ai biết hôm qua là một đoạn đường khó khăn, vất vả, nỗ lực nào mà họ đã phải vượt qua?

Bức tranh biếm họa bị cộng đồng phản ứng
Bức tranh biếm họa bị cộng đồng phản ứng

Trong cuốn sách Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai (Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, 2016), GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã đúc kết những hệ lụy này với những phi giá trị: đó là đố kỵ, thói cào bằng, hẹp hòi, ích kỷ; biến tướng thành những "căn bệnh"; nói xấu sau lưng, triệt tiêu cá nhân...

Nhìn lại trong đời sống hiện nay, quả đúng là như vậy. Những căn bệnh này ngày càng trở nên trầm kha hơn khi mà trên mạng xã hội ai cũng có thể trở thành "anh hùng bàn phím". 

Không thích ai hơn mình là một kiểu "căn tính" của người Việt. Thay vì nhìn thấy thành công của người khác thì tự nhìn nhận lại mình, rút tỉa học hỏi kinh nghiệm cho bản thân thì một bộ phận người lại thích lao vào soi mói, xỉa xói, "dìm hàng" người khác. Như thế chẳng những không giúp nâng mình lên trên người khác, mà thật ra là ngược lại. 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hai 23-09-2020 17:38:00

    Nếu ai để dành bình bình quân mỗi ngày 01 triệu đồng, thì:
    1.000.000 đồng x 365 ngày x 4 năm = 1.460.000.000 đồng
    Sẽ mua được căn chung cư.

    Khi ai đó muốn chia sẻ, hoặc khoe khoang gì đó cho bàn dân thiên hạ, thì cũng nên lường trước những hệ lụy có thể xảy ra. Mỗi người đều có thể hiểu, suy nghĩ, phân tích, tính toán, … theo cách của họ, chín người mười ý mà, không phải cứ có phản biện, không đồng tình, hoài nghi, … đều là tiêu cực, đều là đố kỵ đâu!?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI