Sao chép sáng kiến kinh nghiệm giáo viên bị bêu tên: Việc làm ấu trĩ?

14/08/2020 - 15:56

PNO - Vừa qua, bốn giáo viên tiểu học và THCS ở Phan Rang - Tháp Chàm bị nêu tên vì có sáng kiến kinh nghiệm thuộc diện "sao chép và đạo văn".

Cụ thể, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) vừa có thông báo gửi các trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, THCS Trần Phú, Tiểu học Mỹ Hải, Tiểu học Thành Hải 2 về việc có giáo viên sao chép sáng kiến kinh nghiệm (năm học 2019-2020) của người khác để đề nghị công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cấp thành phố.

Bốn sáng kiến kinh nghiệm được xác định “sao chép” là: “Một số biện pháp giúp học sinh có kỹ năng tốt về tạo lập văn bản tự sự môn Ngữ văn 8”, “Một số trò chơi sử dụng trong dạy học sinh lớp 8”, “Một số giải pháp giúp học sinh hành văn tốt”, “Nâng cao chất lượng môn Tập viết lớp 2”.

Thông báo của Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang – Tháp Chàm về 4 giáo viên sao chép sáng kiến kinh nghiệm
Thông báo của Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang - Tháp Chàm về bốn giáo viên sao chép sáng kiến kinh nghiệm

Sự việc này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa số đều không đồng tình với việc bêu tên giáo viên trong trường hợp này, có thì chỉ nên nhắc nhở nội bộ để họ rút kinh nghiệm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chia sẻ thẳng thắn: “Việc bêu tên giáo viên khi họ sao chép sáng kiến kinh nghiệm là việc làm ấu trĩ trong cách xử lý tình huống của cơ quan quản lý giáo dục”.

Phân tích về việc này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay, sáng kiến kinh nghiệm là cuộc thi và việc giáo viên nộp bài thi thế nào là quyền của giáo viên. Nếu giáo viên sao chép, vi phạm quy chế thì có thể loại bài đó và không công nhận sáng kiến kinh nghiệm đó chứ sao lại bêu tên họ trong toàn ngành?

Sáng kiến kinh nghiệm là công trình nghiên cứu khoa học hay tài liệu có tính chất tham khảo đến cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Sáng kiến kinh nghiệm chưa phải công trình nghiên cứu khoa học và đương nhiên giáo viên không phải người nghiên cứu.

“Tôi biết hiện nay, nhiều nơi áp chỉ tiêu yêu cầu giáo viên bắt buộc phải làm sáng kiến kinh nghiệm. Nếu một việc mà họ không muốn nhưng mình cứ ép thì tất nhiên sẽ xuất hiện việc giáo viên làm một cách khiên cưỡng”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phan Đình Lý, Phó phòng Tổ chức Hành chính, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Sở GD-ĐT Ninh Thuận, cho hay: “Đúng là vừa qua, Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang - Tháp Chàm tổ chức xét sáng kiến kinh nghiệm nhằm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố công nhận sáng kiến này.

Đã là cuộc thi thì ai đạt, ai không đạt nếu không đạt thì vì sao phải được công khai kết quả cho người dự thi biết. Việc chấm thi phải công khai, minh bạch, đúng quy chế chứ không phải thích cho ai đạt là đạt.

Ở đây, Phòng GD-ĐT TP. Phan Rang - Tháp Chàm cũng chỉ thông báo trong nội bộ địa bàn để giáo viên rút kinh nghiệm chứ không phải chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội như mọi người hiểu nhầm".

Đại Minh 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI