Giáng sinh u ám ở vùng chiến sự, xung đột

22/12/2024 - 07:06

PNO - Các gia đình theo Kitô giáo ở Bethlehem - nơi Chúa Jesus sinh ra - lại đang trải qua thêm một mùa Giáng sinh u ám khi phải rời khỏi Bờ Tây.

Ở nhiều nơi đang xảy ra chiến tranh, xung đột khác, người dân - đặc biệt là trẻ em - đang đối mặt với bạo lực, đói khát, không được tiếp cận với giáo dục, y tế…

Mục sư Munther Isaac (nhà thờ Lutheran ở Bethlehem, thuộc Bờ Tây do Israel kiểm soát)  thắp nến cạnh tác phẩm sắp đặt mô tả Chúa Jesus giáng thế giữa đống đổ nát - ẢNH: HISHAM KK ABU SHAQRA (Anadolu)
Mục sư Munther Isaac (nhà thờ Lutheran ở Bethlehem, thuộc Bờ Tây do Israel kiểm soát) thắp nến cạnh tác phẩm sắp đặt mô tả Chúa Jesus giáng thế giữa đống đổ nát - ẢNH: HISHAM KK ABU SHAQRA (Anadolu)

Tiếp tục di tản

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Dải Gaza không có không khí Giáng sinh. Du khách phải tránh xa Palestine. Cư dân địa phương tìm cách thoát khỏi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Quảng trường Manger trước Nhà thờ Giáng sinh (Bethlehem) vắng tanh. Các cửa hàng lưu niệm đóng cửa. Một lần nữa, không có kế hoạch dựng cây thông theo truyền thống tại khu định cư cổ xưa này, vì hiện nó nằm ở Bờ Tây do Israel kiểm soát.

Nhiều gia đình đang tìm cách sơ tán khi “mạch máu” kinh tế của thành phố không còn chảy nữa, sự chiếm đóng của Israel ngăn cản quyền tự do di chuyển trên lãnh thổ phía đông bắc Gaza. Người dân tuyệt vọng do du lịch suy thoái đã tàn phá nền kinh tế và bạo lực luôn treo lơ lửng.

Ông Alaa Afteem - một cư dân Bethlehem - cho biết người anh em họ của ông đã chuyển đến Úc. “Do điều kiện sống và tình hình tài chính tồi tệ, mọi người đã bắt đầu tìm kiếm những cơ hội cho con cái có nền giáo dục tốt hơn, một tương lai tốt đẹp hơn” - ông nói. Theo Afteem, khó khăn nhất tại thời điểm này là việc đi lại giữa các thành phố Bờ Tây. Không có gì bảo đảm an ninh cho việc di chuyển giữa Bethlehem, Ramallah, Jericho và Hebron.

Bạo lực đã gia tăng kể từ khi cuộc chiến Hamas - Israel nổ ra ở Gaza vào tháng 10/2023. Hàng chục ngàn người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với Israel. Hơn 1.200 người Israel cũng đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas.

Giáo hoàng kêu gọi ngừng bắn

Giáo hoàng Francis mong mỏi các nhà lãnh đạo bảo đảm lệnh ngừng bắn ở các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá trước Giáng sinh. “Các Chính phủ và cộng đồng quốc tế cần đạt được lệnh ngừng bắn trên mọi mặt trận vào lễ kỷ niệm Chúa giáng thế” - ông nói.

Giáo hoàng cũng kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện cho hòa bình trên toàn thế giới: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, cầu xin bình an ở bất cứ nơi nào người dân phải chịu cảnh chiến tranh và bạo lực”.

Lời kêu gọi của giáo hoàng được đưa ra khi bạo lực vẫn tiếp tục hoành hành ở Gaza, nơi hơn 40.300 người đã thiệt mạng kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Ở nước láng giềng Lebanon, các cuộc tấn công của Israel cũng đã leo thang trong những tháng qua.

Ukraine gần đây đánh dấu cột mốc bi thảm 1.000 ngày kể từ cuộc xung đột toàn diện với Nga. Myanmar đang nội chiến kể từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ năm 2021. Tình hình bất ổn ở Syria - nơi cuộc xung đột kéo dài 14 năm - đã lên đến đỉnh điểm khi phiến quân tuyên bố chiếm thủ đô Damascus.

Không có niềm vui Giáng sinh nào cho phụ nữ và trẻ em ở Sudan. Đất nước đang có giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), làm thiệt mạng hơn 60.000 người, khiến hàng triệu người phải di tản kể từ tháng 4/2023.

Ông già Noel không tồn tại trong một thế giới ngày càng ngột ngạt vì chiến tranh và các thảm họa do con người gây ra. Giáng sinh ở vùng Sừng châu Phi sẽ không có xe trượt tuyết màu đỏ anh đào hay những món quà được gói trong giấy đỏ của ông già Noel dành cho trẻ em Sudan vốn đang bị cuốn vào cuộc chiến tranh đẫm máu.

Theo Liên hiệp quốc, một “cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất đối với trẻ em” đang diễn ra ở Sudan. Ước tính có khoảng 15 triệu trẻ em đã phải rời khỏi nhà trong cuộc xung đột bạo lực và dai dẳng kéo dài 15 tháng qua giữa SAF và RSF. Trung bình có 16 cuộc tấn công xảy ra mỗi ngày. Nhiều người buộc phải sống trong các khu định cư tạm thời, thiếu lương thực và quá tải.

Bị tách khỏi gia đình, những đứa trẻ đói khát rất dễ bị tổn thương, bị lạm dụng, buôn bán và đẩy vào hoạt động liên quan đến quân sự như làm lính đánh thuê. Báo cáo từ ​​phái bộ điều tra thực tế của Liên hiệp quốc công bố vào tháng 10/2024 đã nêu chi tiết những tội ác kinh hoàng đối với trẻ em Sudan như bắt cóc, giam giữ, tra tấn, không được tiếp cận với giáo dục, y tế.

Nam Anh (theo VA, NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI