Giám thị coi thi nhiễm COVID-19: Còn đổ lỗi, còn sai!

20/08/2020 - 13:40

PNO - Thầy giáo có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chỉ sau khi gác thi tốt nghiệp THPT vài ngày, kéo theo một cuộc truy tìm F1, F2. Nhưng, đó có phải lỗi của thầy, như Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam đang "đổ"?

Tối 19/8, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc COVID-19, trong đó có ca thứ 991, nam, 34 tuổi, ở xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Sẽ không có gì đáng nói nếu người này không phải là cán bộ được điều động coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, dù sống trong vùng đang thực hiện giãn cách (TP. Hội An).

Ngay sau khi lịch trình của bệnh nhân 991 được đăng tải, nhiều người lên án bệnh nhân vô trách nhiệm, không khai báo với đơn vị để dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Và, trả lời Báo Pháp luật TPHCM, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết: “Trường hợp của thầy C. là do thầy chủ quan, không báo cáo với lãnh đạo nhà trường. Ngoài thầy C., Trường THPT Nông Sơn còn một số giáo viên khác ở vùng đang giãn cách xã hội đã báo cáo và được dừng việc coi thi”.

Về trách nhiệm của lãnh đạo Trường THPT Nông Sơn trong việc điều thầy C. đi coi thi, vị Giám đốc Sở cho rằng, nhà trường không nắm rõ do hiệu trưởng mới chuyển công tác từ nơi khác về?!

Trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi tại Quảng Nam, đã có đến 2 trường hợp F1 lọt vào phòng thi
Trong đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi tại Quảng Nam, đã có đến 2 trường hợp F1 lọt vào phòng thi

Để cho rõ hơn, xin trích một đoạn trong giải trình của thầy C. với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam: Từ ngày 13/7 đến 17/7, ông có đi chăm vợ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Khi có thông tin dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng, ngày 31/7 vợ chồng ông có đến khai báo y tế tại trạm xá xã Cẩm Thanh. Tuy nhiên, sau khi khai báo xong, vợ chồng ông không nhận được thông báo, quyết định nào về việc cách ly tập trung hay cách ly tại nhà và tình hình sức khỏe của vợ chồng ông hoàn toàn bình thường.

Nếu tính từ ngày ông đến Bệnh viện Đà Nẵng (13/7) đến ngày đi coi thi (8/8) thì đã hơn 20 ngày.

Ông C. thực hiện xong việc coi thi và về lại nhà vào ngày 10/8. Sau khi đi coi thi về, đến ngày 14/8/2020 vợ ông mới được cơ quan y tế địa phương gọi đi lấy mẫu xét nghiệm, đến ngày 17/8 mới có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 19/8, đến lượt ông nhận kết quả dương tính. 

Như vậy, bệnh nhân C. đã làm đúng theo hướng dẫn của ngành y tế nơi mình cư trú, không cố tình giấu giếm khi trở về vùng dịch. Và, vì không nhận được yêu cầu tự cách ly tại nhà cho đến khi được trích mẫu xét nghiệm từ ngành y tế, như lý ra phải thế, việc thầy C. vẫn đến trường làm việc là đương nhiên. 

Thực tế, có một câu hỏi lớn hơn rất nhiều từ trường hợp của thầy C. Ở thời điểm dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng rơi vào tình trạng khó khăn không kém, với những ca nhiễm cực kỳ khó truy vết vì lộ trình lưu thông trong cộng đồng  phức tạp, lượng người tiếp xúc nhiều và số lượng người mắc cũng tăng lên mỗi ngày. Thế nhưng, dù "người anh em" Đà Nẵng chọn lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT để dồn sức chống dịch và để dịch không có cơ hội lan mạnh, khó lường hơn nữa trong cộng đồng, thì ngành giáo dục Quảng Nam vẫn kiên quyết tổ chức thi. 

Và thực tế đã chứng minh sự lo lắng của người dân trước đấy là đúng. Kỳ thi tốt nghiệp ấy đã kéo theo một cuộc chạy đua truy vết, cách ly, điều trị đầy mệt mỏi trong bối cảnh ngành y tế tỉnh gần như đuối sức. 181 trường hợp F1 và 1.114 trường hợp F2 - đa số là giáo viên, học sinh lãnh đạo địa phương và một số ban, ngành của huyện Phước Sơn - là con số liên quan đến chỉ riêng trường hợp thầy C. Trước thầy C. một thí sinh của tỉnh cũng trở thành F1, khiến không biết bao nhiêu người phải cách ly tập trung.

Quan trọng hơn nữa, liệu có gì đảm bảo rằng sẽ không còn trường hợp nào khác tương tự như thầy C.?

Trước và sau khi kỳ thi diễn ra, người đứng đầu ngành giáo dục của Quảng Nam vẫn khẳng định: tất cả được rà soát rất kỹ. "Lọt" trường hợp thầy C., đó là lỗi của cá nhân thầy, vì đã thầy không báo cáo việc mình đang ở trong vùng giãn cách.

Thực tế, có thể thầy C. đã chủ quan (hoặc sơ sót) trong việc báo cáo, nhưng còn ngành giáo dục địa phương, tỉnh? Việc TP. Hội An thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 31/7, người dân cả nước đều nắm, vì sao trường học nơi thầy C. công tác và ngành giáo dục địa phương phải đợi được chính người trong vùng giãn cách báo cáo thì mới có thể biết? Việc tầm soát, gạn lọc cán bộ coi thi, mà người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh khẳng định "đã làm rất kỹ", nghĩa là chỉ làm dựa trên báo cáo của các cá nhân?

Rủi ro là không thể tránh khi vi rút COVID- 19 đang ngày càng khó lường
Rủi ro là không thể tránh khi virus gây bệnh COVID-19 đang ngày càng khó lường

Có thể bây giờ không phải là lúc truy trách nhiệm đối với những người liên quan đến vụ việc vì phải để dành nguồn lực và thời gian khoanh vùng, dập dịch. Nhưng, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo ngành Giáo dục Quảng Nam cũng cần nghiêm túc nhìn nhận sự sai lầm mới mong không xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự. Hơn hết, để sửa chữa được một cái sai, bao giờ cũng phải bắt đầu bằng tinh thần trách nhiệm - và cái trách nhiệm của người đứng đầu cần nhất là biết tự nhận lỗi, không phải đổ lỗi. 

Nguyễn Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Anh 21-08-2020 07:05:17

    Trước thời điểm thi tốt nghiệp sở chỉ yêu cầu các thầy cô báo cáo có thuộc diên f1 f2 không thôi. Việc thầy đi coi thi là chấp hành sự phân công tổ chức. Sự việc xảy ra sao sở lại bắt thầy giải trình giống như là lỗi của thầy.

    • Bình uchiha

      sai thì ai cũng sai...nhưng ý thức của mình là chính...và bây giờ đừng nên trách ai...nên cùng nhau vượt qua đại dịch này

  • Đinh Thị Tâm 20-08-2020 16:56:42

    Thầy C phải báo là mình đang ở vùng dịch H An chớ sao im đi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI