Kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV:

Giám sát tối cao việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống COVID-19

19/05/2023 - 11:48

PNO - Đây là kỳ họp có nội dung xây dựng pháp luật gấp đôi các kỳ họp khác - với 20 luật và nghị quyết chứa quy phạm pháp luật.

Khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng

Sáng 19/5, họp báo về Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp này có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng với việc dự kiến xem xét cho ý kiến và thông qua 20 luật và nghị quyết được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin cụ thể: kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, 8 dự án luật gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, Quốc hội xem xét, thông qua 3 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Xem xét, kiểm điểm từng trường hợp gây ra sự chậm trễ

Bên cạnh đó, 1 chuyên đề quan trọng cũng sẽ được Quốc hội giám sát trong kỳ họp này: Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cũng tại họp báo, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết: Quốc hội đã giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi trên trước ngày 31/3/2023. Tuy nhiên quá trình triển khai chậm trễ nên sau 31/3 vẫn còn số vốn rất lớn chưa được phân bổ, theo nghị quyết thì sẽ không phân bổ tiếp.

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời “Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chủ quan, xem xét kiểm điểm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu, báo cáo từng trường hợp cụ thể gây ra sự chậm trễ”. Bởi “để chậm trễ như trên là hạn chế rất lớn, làm chậm quá trình đưa nguồn lực của đất nước vào sử dụng, đây cũng là lãng phí” - ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra thành 2 đợt, tại Hà Nội. Trong đó, đợt 1 từ ngày 22/5 - 10/6/2023; đợt 2 từ 19 - 23/6/2023

M.Tâm

 
TIN MỚI