Giải mã cơn sốt giày thể thao tại châu Á

27/11/2021 - 07:40

PNO - Từng chỉ được xem là món phụ kiện “bình dân” vào những năm 1980, giày thể thao giờ đây ngày càng khẳng định vị thế mới như một sản phẩm thời trang độc đáo. Sức sống bền vững của chúng đang trở nên đặc biệt rõ nét tại thị trường châu Á.

 

Ảnh: Hypebeast HYPEBEAST
Ảnh: Hypebeast 

Đầu năm 2020, thương hiệu đình đám Air Jordan thuộc Tập đoàn Nike đã hợp tác cùng nhà mốt Dior tạo nên Air Dior. Dẫu ra mắt trong giai đoạn đại dịch và có mức giá khởi điểm gây choáng (gần 60 triệu đồng/đôi), mẫu giày thể thao thời thượng vẫn hút khách với 8.500 đôi được bán ra ngay khi vừa xuất xưởng.

Ở Đông Nam Á, giá bán lẻ hiện tại của Air Dior trên nhiều kênh thương mại điện tử đã tăng gấp ba lần. Tiêu biểu như tại Singapore, những người đam mê giày thể thao có thể sẵn lòng chi 12.500 SGD (khoảng 200 triệu đồng) cho một đôi giày chính hãng. Đây là con số do Ox Street - trang thương mại bán lẻ giày thể thao uy tín ở đảo quốc sư tử xác nhận.    

Air Dior là một trong những đề cử mới nhất minh chứng cho sự bùng nổ ngoạn mục của thị trường giày thể thao vài năm trở lại đây. Có tổng giá trị toàn cầu ước tính gần 100 tỷ USD cùng mức tăng trưởng dự báo lên đến 40% riêng ở khu vực châu Á, “sneaker” (giày thể thao) hứa hẹn sẽ tiếp tục là từ khóa mua sắm yêu thích của nhiều khách hàng Á Đông.    

Lôi cuốn từ sự thoải mái

Mẫu giày Nike Air Force 1’07 có thiết kế cổ điển hút khách với mức giá chỉ hơn 2 triệu đồng/đôi  - ẢNH: PINTEREST
Mẫu giày Nike Air Force 1’07 có thiết kế cổ điển hút khách với mức giá chỉ hơn 2 triệu đồng/đôi - Ảnh: Pinterest 

“Đang có một làn sóng ưa chuộng giày thể thao nói riêng và đồ thể thao nói chung trên toàn cầu. Tôi nghĩ đại dịch bùng phát khiến người tiêu dùng ngày càng xem trọng hơn tiêu chí thoải mái, đa dụng của hàng thời trang. Ở châu Á, vì thời tiết quanh năm nóng ẩm, nhiều loại giày thể thao chất liệu mềm nhẹ càng được yêu thích” - Gijs Verheijke, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Ox Street, chia sẻ.

Những năm gần đây, thị trường giày thể thao phát triển vượt bậc tại Singapore. Hàng loạt nhà bán lẻ giàu tiềm năng như Limited Edt, Dover Street Market, Surrender đang khéo léo ứng dụng thương mại điện tử cũng như xây dựng nguồn cung chất lượng, mẫu mã độc đáo, đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tiện lợi và thú vị. 

Trung Quốc, “ông lớn” của ngành may mặc châu Á, đầu tư tích cực không kém cho mặt hàng giày thể thao. Sự kiện triển lãm giày thể thao Sneaker Con lớn nhất thế giới được tổ chức lần đầu ở Thượng Hải vào mùa hè năm 2019 thu hút 45 doanh nghiệp và hơn 20.000 người tham dự. Ngoài kinh doanh truyền thống, một số doanh nghiệp trẻ như Nice và Poizon đã biết cách tạo chỗ đứng đặc biệt trên thị trường nội địa với hoạt động “mua đi bán lại” các mẫu sneaker cao cấp. 

Irene Yu, nữ doanh nhân đang làm việc cho Joyce - nhà bán lẻ hàng thời trang nổi tiếng của Hồng Kông, nhận xét: “Khách hàng châu Á yêu thích các sản phẩm giày thể thao vừa mang tính tiện ích vừa lưu dấu ấn riêng biệt. Thị trường giày thể thao gần đây càng tăng tốc nhờ sự quảng bá của nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành thể thao, giải trí”.    

Ngành kinh doanh đa sắc thái

Giao diện ứng dụng Goat trên điện thoại có phong cách tối giản, trẻ trung, đi kèm cả chức năng AR Try-on (thử đồ trực tuyến với công nghệ thực tế ảo) - ẢNH: GOAT
Giao diện ứng dụng Goat trên điện thoại có phong cách tối giản, trẻ trung, đi kèm cả chức năng AR Try-on (thử đồ trực tuyến với công nghệ thực tế ảo) - Ảnh: Goat 

Song song đó, thị trường giày thể thao đang cho thấy nét đa dạng hóa đặc trưng, thu hút không ít loại hình dịch vụ phụ trợ. Ví dụ tiêu biểu như Circle Clean, doanh nghiệp chuyên cung ứng dụng cụ vệ sinh và chất tẩy rửa giày thể thao. Bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc năm 2012, từ một đơn vị nhỏ chỉ kinh doanh trực tuyến, hiện công ty đã có cửa hàng chính đặt tại Thượng Hải. Circle Clean quảng bá văn hóa giày thể thao bằng nhiều hoạt động giao lưu lý thú, bao gồm các lớp tư vấn sử dụng sản phẩm, hỗ trợ khách hàng chăm sóc giày thể thao đúng cách. 

“Khi trào lưu mua sắm giày thể thao tiếp tục lan rộng, tôi tin dịch vụ chăm sóc giày sẽ ngày càng phổ biến như việc bạn mang quần áo đến hiệu giặt khô” - Stella Sun, nhà sáng lập Kicks Town, công ty dịch vụ chăm sóc giày dép chuyên nghiệp, bày tỏ. Doanh nghiệp hiện đã có chi nhánh hoạt động thường trực tại loạt thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải, tiếp nhận 3.000 - 5.000 đơn hàng/tháng. 

Cảm nhận đa sắc thái còn nằm ở địa hạt mua đi bán lại các sản phẩm đã qua sở hữu, sử dụng. Goat, doanh nghiệp thương mại điện tử gốc Á có trụ sở tại Mỹ, đang nuôi tham vọng kích cầu một khuynh hướng mua sắm mới thông qua hoạt động kinh doanh giày thể thao cũ chất lượng cao.

“Chúng tôi muốn tạo ra một thương hiệu mang tính toàn diện, đóng vai trò cầu nối đáng tin cậy, giúp người mua và người bán nhanh chóng tìm thấy nhau. Mặt hàng giày mới lẫn cũ có thể được linh động trao đổi trong một môi trường an toàn, hiệu quả. Tôi nghĩ giá trị toàn diện này là điều khách hàng trẻ hướng đến ngày nay” - Eddy Lu, Giám đốc sáng lập của Goat, cho biết. 

Mẫu Adidas Yeezy 350 Boost được phái đẹp ưa chuộng có giá từ 4 - 5 triệu đồng - Ảnh Pinterest
Mẫu Adidas Yeezy 350 Boost được phái đẹp ưa chuộng có giá từ 4 - 5 triệu đồng - Ảnh: Pinterest

Diễn đàn giao dịch Goat hiện có hơn 30 triệu thành viên đăng ký cùng khoảng 600.000 nhà bán lẻ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số này, phải kể đến một số tên tuổi cao cấp như Balenciaga, Alexander McQueen, Versace… với nhiều mẫu giày thể thao danh tiếng. Lu tiết lộ, công ty đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại thị trường châu Á, cụ thể ở Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore.

Dấu ấn bình đẳng 

Trên phương diện thương mại lẫn xã hội, giày thể thao ẩn chứa thông điệp bình đẳng. “Tôi và các khách hàng của tôi, bất kể khác biệt về ngoại hình, giới tính, gu thẩm mỹ… có thể tìm thấy đa dạng thiết kế giày ưng ý theo phương thức nhanh gọn, giản đơn hơn bao giờ hết nhờ những diễn đàn trực tuyến linh hoạt.

Tôi nghĩ chủ trương kết nối thường trực giữa thương hiệu với khách hàng trong ngành kinh doanh giày dép truyền thống hay mua đi bán lại đều giúp đem đến những lợi ích bình đẳng cho đôi bên” - Madison Hotchkiss, nhà bán lẻ đã có nhiều năm kinh doanh giày thể thao, bày tỏ.

Sen Sugano, Giám đốc phát triển thương hiệu của Goat, nhấn mạnh thêm: “Có hơn 40% khách hàng tìm chọn Goat là phụ nữ. Con số đó góp phần bảo chứng cho tiêu chí trung lập, bình đẳng giới chúng tôi xây dựng từ khi thành lập doanh nghiệp. Thông qua giày thể thao, nhiều khách hàng nữ muốn chọn lựa phong cách ăn mặc bình đẳng, tôn vinh cá tính”. 

“Nói riêng về văn hóa giày thể thao, cột mốc khó quên với tôi là khi nhà thiết kế nữ Isabel Marant ra mắt Beckett Wedge - mẫu giày đế cao cá tính hút hàng - vào năm 2012.

Các dự án sản xuất nổi tiếng quốc tế khác như Adidas x Yeezy, Nike Dunk và Air Max khiến nhiều khách hàng nữ ưu ái mặt hàng giày thể thao. Yeezy 350 Boost nổi danh ở Hồng Kông đến mức mẹ tôi cũng muốn có một đôi khi mẫu giày này vừa xuất hiện” - nữ doanh nhân Irene Yu chia sẻ.  

Với một sản phẩm vốn đã luôn được ưa thích vì giá trị phi giới tính, tuổi tác, các chủ trương kinh doanh linh hoạt đi cùng thông điệp kết nối bình đẳng đang giúp thị trường giày thể thao phát triển ngày càng đặc sắc, nhất là ở châu Á. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI