FED tăng lãi suất ảnh hưởng gì tới giá... rau?

23/03/2018 - 16:30

PNO - FED là tên viết tắt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, và FED mới đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên trong năm 2018:

FED là tên viết tắt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, và FED mới đưa ra quyết định quan trọng đầu tiên trong năm 2018: tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Sẽ có người cho rằng đó là chuyện của Mỹ, ngồi trong hẻm ở Sài Gòn mắc gì phải lo. Cũng có người lại hồi hộp, e ngại những tác động bất lợi đến làm ăn, kinh doanh và đời sống. 

Bất kể nhìn ở góc nào, thì rõ ràng lãi suất được FED đưa ra vẫn là thứ lãi suất quan trọng nhất thế giới, do địa vị chi phối của kinh tế Mỹ và đồng tiền USD. Đây là lãi suất được coi là “ông kẹ”, là cột mốc cho các lãi suất tiền tệ toàn cầu. Kể từ tháng 12/2015 đến nay, lãi suất cơ bản của Mỹ đã tăng 6 lần.

FED tang lai suat anh huong gi toi gia... rau?
 

Đó cũng là thời điểm kinh tế Mỹ bắt đầu sáng sủa dần, thoát khỏi sự khó thở trong một thời gian dài. Lãi suất của FED tăng, đồng nghĩa với sự kết thúc của giai đoạn tiền siêu rẻ. Và nó sẽ gây tác động dây chuyền đến các đồng tiền khác, dù có thể chưa phải là ngay lập tức. Mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau theo từng khu vực và quốc gia. 

Khi đồng tiền rẻ, lạm phát sẽ thấp. Khi đồng tiền trở nên có giá trị hơn, lạm phát bị nhốt trong nhiều năm sẽ nhanh chóng nhảy xổ ra. Về mặt kinh tế, lạm phát ở một mức độ phù hợp sẽ được coi là thuận lợi cho phát triển trong ngắn hạn. Nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, “con thú lạm phát” sẽ đá lung tung, gây tổn thương trên diện rộng. 

Lãi suất từ FED tăng sẽ dẫn đến kỳ vọng lãi suất tiết kiệm cũng hưởng lợi, kiểu nước lên thuyền lên. Dòng tiền nhàn rỗi sẽ chảy mạnh hơn vào các nhà băng, người gửi tiền sẽ có lợi. Lĩnh vực ngân hàng và tài chính đói tiền sẽ có nguồn cung dồi dào, và dòng tiền mạnh lại từ đây tỏa đi vào đầu tư, cho vay...

Ở tầm vĩ mô, khi một đồng tiền mạnh lên thì trong tương quan so sánh, sẽ có những đồng tiền khác yếu đi. Cán cân càng nghiêng về bên này thì càng nhổng cho bên kia. Điều đó sẽ dẫn đến mất cân bằng cán cân thương mại.

Trong giai đoạn trước, khu vực đồng euro đã hút được nhiều màu mỡ trong thặng dư thương mại với Mỹ. Khi đồng USD mạnh lên, Mỹ sẽ giành lại được lợi thế. Những nhà phân tích và dự báo bi quan sẽ nhanh nhảu lo sợ về viễn cảnh chiến tranh thương mại tạo ra nhiều hệ lụy khác.  

Lãi suất của FED tăng, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VNĐ và có thể tác động đến mức lãi suất tiết kiệm ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị xem xét lại chính sách duy trì trần lãi suất 0% trong thời gian khá dài vừa qua.

Nếu lãi suất gửi tiết kiệm USD tăng đáng kể sẽ dẫn đến chênh lệch lãi suất với VNĐ hiện tại, kích thích lãi suất đồng nội tệ nhích lên. Tuy vậy, việc tăng lãi suất FED lần này có lẽ chưa tác động nhiều đến lãi suất huy động VNĐ, do thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo.

Ảnh hưởng kế tiếp là sự đổi chiều của một phần trong dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư sẽ điều chỉnh dòng vốn, rút tiền ra để chuyển đến nơi có khả năng sinh lời tốt hơn. Mâm nào ngon sẽ có nhiều người muốn ngồi, đó là chuyện dễ hiểu.

Nhưng ở chiều ngược lại, xuất khẩu sẽ được lợi vì khi lãi suất USD tăng, giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi Mỹ và các nước khác cũng tăng. Tác động nữa là chi phí vốn vay bằng USD của Chính phủ và khu vực doanh nghiệp sẽ đắt thêm. Khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn sẽ tăng lên.

Chỉ lưu ý có một điều đáng mừng là trong vài năm qua, kinh tế Việt Nam khá ổn định, các khoản vay nằm trong sự kiểm soát và dự trữ ngoại hối lớn. Do vậy, sức chống chọi với các tác động bất lợi sẽ vững vàng hơn. 

Câu hỏi ở tít trên đầu bài là lãi suất FED tăng ảnh hưởng thế nào đến giá rau, chỉ là một cách nói tượng trưng.

Với điều kiện Việt Nam, các bà nội trợ đang gửi tiết kiệm bằng VNĐ ở ngân hàng vẫn nên yên tâm, vì lãi suất sẽ theo chiều hướng ổn định hoặc tăng nhẹ. Giá cả sinh hoạt cũng chưa thể có gì đột biến. Đừng để mối bận tâm về lãi suất làm khét nồi thịt kho trên bếp!

Vũ Bách 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI