Đừng xem nhẹ bệnh phụ khoa ở bé gái

29/08/2022 - 06:22

PNO - Đa số phụ huynh không có thói quen đưa bé gái đi kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ bởi nghĩ bệnh này chỉ người lớn mới mắc. Bé gái có thể bị các bệnh phụ khoa từ nhẹ cho tới nguy hiểm nhưng hay bị bỏ qua do dấu hiệu rất dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khác.

Khám tiêu hóa phát hiện... u bì buồng trứng

Phòng khám sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận không ít trường hợp bé gái mắc bệnh phụ khoa nhưng chỉ vô tình được phát hiện khi đi khám một bệnh khác. “Điều này chứng tỏ các phụ huynh vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức phải đưa bé gái đi kiểm tra sức khỏe định kỳ”, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phòng khám sản phụ khoa - nói.

Bác sĩ Nguyễn Hương Lan khám và tư vấn sức khỏe phụ khoa cho trẻ vị thành niên - ẢNH: T.B
Bác sĩ Nguyễn Hương Lan khám và tư vấn sức khỏe phụ khoa cho trẻ vị thành niên - Ảnh: T.B

Cụ thể là trường hợp nữ sinh P.T.D. (16 tuổi, ngụ quận Gò Vấp). D. đến bệnh viện khám vì hay bị rối loạn tiêu hóa. Khi được bác sĩ hỏi, em kể mình còn thường xuyên rối loạn kinh nguyệt, đau bụng vùng hạ vị, bụng cảm giác to lên. D. được khuyên nên khám thêm sản phụ khoa.

Khi khám cho D., bác sĩ Thắm nghĩ nhiều đến bệnh lý vùng buồng trứng. Lúc cô bé nằm trên giường, bụng đội hẳn lên rõ rệt. D. chia sẻ dạo gần đây mình tăng cân nhanh. Sau khi siêu âm, kết quả ghi nhận buồng trứng trái của D. có khối u bì kích thước 10cm. Bác sĩ quyết định phải làm phẫu thuật bóc tách khối u sớm cho D. Các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi, may mắn bóc tách được toàn bộ khối u mà vẫn bảo toàn được chức năng buồng trứng và tính thẩm mỹ của vết sẹo mổ cho bé gái. Bác sĩ Thắm cũng lưu ý phụ huynh cần theo dõi và đưa bé đi siêu âm để kiểm tra định kỳ bởi u bì rất dễ tái phát và có khả năng xuất hiện ở cả hai buồng trứng. 

Ngoài trường hợp của D., mới đây bác sĩ Thắm đã phối hợp xử trí một ca bé gái 13 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai, được chuyển đến trong tình trạng đau bụng dữ dội. Trường hợp này được chẩn đoán bị u bì buồng trứng gây xoắn buồng trứng. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo xoắn buồng trứng và bóc tách khối u nhưng tiếc rằng buồng trứng bị xoắn lâu dẫn tới thiếu máu nuôi nên đã hoại tử. Tuy tính mạng bệnh nhi chưa nguy hiểm nhưng có thể sẽ bị suy giảm chức năng sinh sản sau này.

Theo bác sĩ Thắm, u bì hay còn gọi là u quái buồng trứng hình thành khi tế bào mầm biệt hóa xuất hiện trong buồng trứng và không ngừng nhân lên. Trong khối u có bã, xương, tóc và da. Nếu u bì buồng trứng xảy ra ở trẻ gái chưa dậy thì, nguy cơ ác tính sẽ rất cao. Tuy nhiên, đối với những bé gái đã trưởng thành (có kinh nguyệt) thì u bì buồng trứng đa phần là lành tính. Tỷ lệ tái phát ở những khối u bì buồng trứng sau khi phẫu thuật là từ 5 - 10%.

Viêm nhiễm do chưa vệ sinh đúng cách

Liên quan tới sức khỏe phụ khoa của bé gái, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hương Lan - Phó khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, mình và các đồng nghiệp ghi nhận nhiều trường hợp bé gái bị mắc bệnh phụ khoa do phụ huynh chưa quan tâm con đúng mức. 

Mới đây, bé gái N.T.C.T. (5 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) được mẹ đưa đến khám vì vùng âm hộ đỏ, ngứa. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện vùng kín của bệnh nhi bị tổn thương trầy xước (do bé ngứa nên dùng tay cào gãi). Nguyên nhân gây ngứa được xác định vì bé không được tẩy giun định kỳ, bị nhiễm giun kim. Bác sĩ đã hướng dẫn mẹ cách vệ sinh vùng kín cho bé, cho bé uống thuốc tẩy giun sau đó các triệu chứng thuyên giảm. Trường hợp của bé T. không phải là duy nhất.

Trung bình mỗi tuần, bác sĩ Lan khám cho 2 - 3 trẻ ở độ tuổi mầm non bị viêm, ngứa vùng kín do giun kim. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác gây bệnh vùng kín ở trẻ gái là do không được hướng dẫn cách làm sạch sau khi đi vệ sinh. Nhiều bé đi tiểu xong không lau rửa, cứ để ướt quần lót. Khi bị ngứa, các bé đưa tay vào gãi làm vùng kín bị tổn thương, bội nhiễm vi khuẩn. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Lan còn ghi nhận một trường hợp bé gái (14 tuổi) bị u ác tính cả hai bên buồng trứng. Bé tới khám trong tình trạng bụng to nhanh, sụt cân và đau vùng hạ vị. Chỉ khi có các triệu chứng rõ rệt phụ huynh mới đưa bé đi khám, trước đó gia đình bé kể các dấu hiệu bệnh rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể mà ai cũng có thể gặp phải. 

Do đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát sức khỏe của các bé gái. Nếu thấy con có dấu hiệu bất thường như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân nhanh, bụng bự, hay đưa tay gãi vùng kín thì cần đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dù các bé gái không có triệu chứng bất thường, cha mẹ cũng cần đưa con đi siêu âm kiểm tra ít nhất một lần vào lúc bé 13 - 14 tuổi. Khá nhiều phụ huynh cứ tưởng con bụng bự là do mập mạp, tới khi siêu âm mới phát hiện bé bị u buồng trứng. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI