Đừng ngại, hãy đạp xe!

30/04/2023 - 11:26

PNO - Ý tưởng đến khi Đoàn Đình Đông ngồi lên chiếc xe đạp công cộng thành phố.

Anh nhìn thấy nhiều ưu điểm: xe chạy bằng sức đạp, bánh cao su liền khối không phải bơm (không lo xẹp, thủng), cách thanh toán tiện lợi, có khay để điện thoại tra định vị… Đoàn Đình Đông bắt đầu dùng xe đạp công cộng thử sức trong các buổi đi dạo ra ngoại thành và các tỉnh gần TPHCM. 

Anh Đoàn Đình Đông nhận bức thư pháp của một thành viên nhân ngày 20/11. Nhiều thành viên gọi vui anh là “thầy Đông” vì sau mỗi chuyến đi, họ được mở mang với nhiều kiến thức về Sài Gòn - ẢNH: MINH TUYỀN
Anh Đoàn Đình Đông nhận bức thư pháp của một thành viên nhân ngày 20/11. Nhiều thành viên gọi vui anh là “thầy Đông” vì sau mỗi chuyến đi, họ được mở mang với nhiều kiến thức về Sài Gòn - Ảnh: Minh Tuyền

Từ duyên với xe đạp công cộng

Càng đi nhiều, Đoàn Đình Đông càng nhìn ra vấn đề: rất ít người đạp xe ra những khu dân cư ngoại thành; tình hình kẹt xe trên đường, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông… vẫn khá nghiêm trọng… 

“Rất nhiều chi phí và dự án đầu tư nhằm giải quyết vấn đề nhưng chưa hiệu quả, trong khi giải pháp trước mắt đã có - xe đạp công cộng. Bản thân mỗi người phải tích cực tận dụng cơ hội sẵn có đó, thay vì chờ đợi đến khi có trạm xe đạp công cộng gần nơi sinh sống” - Đông nói.

Ngày 3/5/2022, chuyến xe đạp đầu tiên dài 15km khởi hành từ công viên Tao Đàn đi qua quận 3 - quận 10 - quận 5, về lại quận 1 với 17 người tham dự. Đây là buổi giao lưu tiếng Pháp kết hợp hoạt động thể chất dành cho những thành viên từng sinh hoạt tại Câu lạc bộ Tiếng Pháp Sài Gòn mà Đoàn Đình Đông là người sáng lập. Sau đó, anh chọn mở rộng cho cả đối tượng không biết tiếng Pháp với ý muốn quảng bá mô hình xe đạp công cộng đến nhiều người hơn. 

Đầu tiên, Đông tìm các công trình kiến trúc lịch sử qua Google Maps, sau đó tìm những bài viết trên các trang web uy tín. Sau khi chốt 3-5 địa điểm, anh bắt đầu chạy xe đạp đi tiền trạm và bổ sung một số địa điểm thú vị như lối mòn, cảnh thiên nhiên phát hiện thêm trên đường đi.

Ngoài ra, anh còn tham khảo kênh của những youtuber phượt xe máy để thiết kế những thử thách “chặt hẻm" cho các thành viên. 

Từ mục tiêu ban đầu khám phá hết các quận, huyện của Sài thành, anh bắt đầu sáng tạo thêm những tour đạp xe kỷ niệm các chuyến đi cũ với điểm đến là các tỉnh, thành lân cận. Những chuyến đi không chỉ thử thách về thể chất mà còn là cơ hội gắn kết các thành viên do có buổi picnic đi kèm. 

Anh Đông chia sẻ, vấn đề lớn nhất ban đầu là sự kiện này chưa được biết đến nhiều, cần chạy quảng cáo Facebook để nhiều người nhìn nhận giá trị tích cực của hoạt động. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết (chẳng hạn những cơn mưa bất chợt) gây khó khăn trong hành trình. Tuy nhiên, khi được hỏi về động lực để thiết kế những chuyến đi có đông người hưởng ứng chỉ qua một dòng sự kiện trên fanpage, anh Đông chia sẻ rằng mình rất tin tưởng vào sức mạnh cộng đồng.

Anh nói: “Theo dõi hoạt động trên mạng xã hội, tôi thấy rất nhiều vấn đề được giải quyết nhanh chóng hơn khi nhiều người cùng lên tiếng. Tôi tận dụng lợi thế này để đưa hoạt động của mình đến được với nhiều người hơn - những người quan tâm đến vấn đề môi trường, cùng lo ngại về vấn nạn ô nhiễm, kẹt xe...”.

Ở mỗi bài đăng về thông tin chuyến đi, anh Đông luôn nhắc nhở người tham gia mang theo bình nước và bộ dụng cụ ăn uống cá nhân (nếu đó là những buổi picnic) để hạn chế phát sinh rác thải trong quá trình vui chơi. Dần dần, nhiều thành viên đã chủ động mang theo bình nước cá nhân để mua nước tại các trạm dừng. 

Những thành viên quen thuộc trong đoàn gồm nhiều độ tuổi, lớn nhất là một chú 65 tuổi, nhỏ nhất là một cậu bé 12 tuổi có mẹ luôn đi cùng.

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn đều đặn tham gia cùng đoàn. Có người là phượt thủ hay vận động viên đạp xe xuyên Việt nhưng cũng có thành viên mắc bệnh tim và cả những người mới “biết” đạp xe. Dù vậy, kể cả những người đạp chậm nhất vẫn không bị bỏ lại phía sau vì mọi người luôn chờ nhau ở một điểm nhất định, đếm đủ sĩ số rồi mới đi tiếp. Đặc biệt, chi phí cho mỗi chuyến đi khá rẻ, thường dưới 100.000 đồng.

“Có rất nhiều nhóm đạp xe nhưng hầu hết dành cho người đã có kinh nghiệm hoặc mang yếu tố thương mại. Ở nhóm chúng tôi, luôn có 20 - 50% anh chị chưa đạp xe. Họ thấy cơ hội sử dụng xe đạp công cộng vừa sức và lộ trình có nhiều điểm dừng mới mẻ, thú vị nên quyết định tham gia. Tôi không kỳ vọng họ theo đến cùng trên chặng đường dài nên tour thường xuất phát từ trung tâm thành phố để ai đạp được tầm 10km mà cảm thấy mệt có thể đạp ngược về cho thuận tiện. Trong 10 cây số ấy, họ cũng đã đi được gần hết địa điểm tham quan, thỏa mãn nhu cầu vận động và thăm thú của mình” - Đoàn Đình Đông cho biết.

Nổi bật trong đoàn là mẹ con chị Dương Thị Minh Tuyền. Có con trai ở độ tuổi đang lớn, chị Tuyền đưa con theo cùng như một cách để gắn bó và hiểu con hơn. Nhờ những chuyến đi, 2 mẹ con có khoảng không gian và thời gian riêng cho nhau. Dù nhiều lúc sức khỏe không tốt nhưng chị vẫn cố gắng tham gia để con có môi trường giải trí lành mạnh.

Bé Đỗ Dương Bảo Ân - con chị Tuyền - từ khi tham gia nhóm đã có thêm nhiều bạn mới, bớt phụ thuộc vào thiết bị điện tử. 

Đến những tour xe buýt 

Đến nay, Câu lạc bộ Tiếng Pháp Sài Gòn đã tổ chức được 45 tour đạp xe. Gần đây, anh Đông còn thiết kế thêm những tour xe buýt đến các quận, huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận. Chuyến đi đầu tiên mất 3 tiếng qua 2 tuyến xe đến bãi biển 30 tháng 4 Cần Giờ (TPHCM) cũng là chuyến đi mang nhiều kỷ niệm nhất với anh.

“Tour này đến từ tình huống bất khả kháng - tôi bị té xe phải nghỉ ngơi nên thiết kế tour đi buýt bù lại. Tôi không nghĩ chuyến đi thu hút nhiều người đến vậy vì mọi người phải mất cả ngày để tham gia và bãi biển Cần Giờ cũng chưa hấp dẫn lắm. Đó là nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục duy trì những hoạt động về sau.

“Mọi người thường không để ý tới xe buýt vì cho rằng đây chỉ là phương tiện công cộng. Thực chất, có nhiều tuyến buýt ngoại thành đi qua Tây Ninh, Bình Dương, Long An...

Những chuyến đi như vậy vừa truyền tải thông điệp giảm ô nhiễm cho thành phố vừa giúp mọi người khám phá thêm nhiều điều thú vị. Nếu đi một mình sẽ không có động lực nhưng đi nhiều người với nhau ắt sẽ vui hơn” - anh Đông cho biết.

Mình học từ người, người học từ mình

Đoàn đạp xe trước khi vào chùa Châu Thới, Bình Dương ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Đoàn đạp xe trước khi vào chùa Châu Thới, Bình Dương - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Đoàn Đình Đông, “Những hoạt động tôi làm từ trước đến giờ đều gắn liền với giáo dục (quản lý trường mầm non, dạy tiếng Pháp, giảng viên đại học). Tôi thích mang lại những giá trị và sự mới mẻ trong tư duy đến mọi người. Những tour xe đạp cũng vậy. Các thành viên sẽ chủ động học hỏi cái mới khi quan sát địa điểm - qua bài đăng, trên hành trình và qua chia sẻ của các thành viên tham gia...”.

Kinh nghiệm thời du học ở Pháp giúp Đông rất nhiều trong việc tự lên kế hoạch và lộ trình một cách tiết kiệm nhất. Đông tự nhận là người không hoạt ngôn nên anh rất vui vì sau những chuyến đi, anh đã học được tinh thần hòa đồng; về cách giao tiếp, kết nối để có thể cởi mở hơn. Kỹ năng sơ cấp cứu từ các dược sĩ, bác sĩ trong đoàn cũng là những bài học đáng giá.

Đông muốn nhắn gửi tới những bạn nữ còn ngần ngại về sức lực nên chần chừ đến với bộ môn đạp xe, rằng: “Đừng ngại gì cả, hãy mạnh dạn tham gia tùy theo sức của mình”.

Thực chất, thiết kế những chuyến đi này, anh nhắm đến nhóm đối tượng nữ ít vận động, “Trong khi nhiều quốc gia luôn chú ý đến vấn đề sức khỏe cộng đồng qua những hoạt động thể chất, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều. Hầu hết các hoạt động thể thao dành cho nam giới, môi trường vẫn chưa đủ tạo sự thoải mái cho chị em tham gia. Khi tổ chức tour này, nữ giới tham gia rất đông là điều khiến tôi rất vui…” - Đoàn Đình Đông bộc bạch. 

Vĩnh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI