Du học sinh Việt tại Phần Lan: Hai điều khó khăn nhất khi học ở đất nước "lạnh buốt"

30/07/2016 - 12:57

PNO - Dưới đây là chia sẻ của bạn Dương Mỹ L. (TP.HCM) về cuộc sống của du học sinh ở Phần Lan đầy khó khăn nhưng không kém thú vị.

Không hề... "dễ sống"

Dương Mỹ L. (TP.HCM) hiện đang là du học sinh du học tại Phần Lan - đất nước quanh năm với khí hậu khắc nghiệt. Cô gái trẻ tâm sự về những ngày buồn mênh mang... nhưng không kém phần thú vị tại đất nước xa xôi này.

"Học xong THPT, mình quyết định chọn Phần Lan là điểm đến tiếp theo của mình bởi lẽ qua tìm hiểu mình thực sự ấn tượng với văn hóa và con người Phần Lan. Phải thừa nhận rằng, Phần Lan vốn là môi trường học tập được đánh giá cao trên thế giới với đội ngũ giảng viên 100% có bằng master trở lên. Học sinh, sinh viên luôn luôn được khuyến khích tự do phát triển và đặc biệt đây là một trong những đất nước luôn áp dụng những công nghệ tiên tiến vào giảng dạy.

Du hoc sinh Viet tai Phan Lan: Hai dieu kho khan nhat khi hoc o dat nuoc

Đầu tiên, mình tìm hiểu trên các diễn đàn, trang mạng xã hội và được các anh chị đi trước hướng dẫn rất tận tình. Và trong hình dung lúc ấy của mình, du học Phần Lan không quá khó khăn. Nhưng khi đặt chân đến đất nước này thì gần như tháng đầu tiên mình đã bị sốc và tưởng như không thể tiếp tục được nữa", L. chia sẻ.

Mở đầu cho những chuỗi ngày "hội nhập" của L. là khí hậu lạnh buốt đến thấu da, cắt thịt, thứ thời tiết mà cô bạn chưa từng cảm nhận được khi sống tại Sài Gòn quanh năm nắng gió.

"Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, quần áo ấm thì có lẽ bạn sẽ gục ngay tuần đầu tiên không thể làm được gì vì quá rét. Có những hôm khí hậu còn xuống dưới 20 độ C. Bằng chứng là mình, dù đã có sự chuẩn bị khá cẩn thận nhưng những ngày đầu tiên cũng khá khó khăn khi phải chịu đựng thứ thời tiết kinh hoàng đó... mỗi ngày đến trường.", L. kể lại.

Du hoc sinh Viet tai Phan Lan: Hai dieu kho khan nhat khi hoc o dat nuoc

Bên cạnh khó khăn về thời tiết, L. cho biết, cô mất khá lâu để thích ứng, làm quen với những con người nơi đây.   

"Có lẽ họ khá rụt rè trong giao tiếp, thường thì họ sẽ không bao giờ chủ động bắt chuyện với bạn trước. Có thể đó là thói quen của họ, cũng có thể vì đa phần người Phần Lan đều rất cẩn thận, họ không nói tiếng Anh và sợ sai khi giao tiếp với người khác.

Tuy nhiên, khi đã thân thiết rồi, người Phần Lan lại rất thoải mãi và có thể chia sẻ với bạn bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống, gia đình, bạn bè, thậm chí là cả tình yêu... Đây được coi là điều khá thú vị. Tất nhiên chỉ là quan điểm và cái nhìn từ cá nhân mình thôi", L. nói.

Theo L., đó là 2 khó khăn cơ bản nhất mà bất cứ du học sinh Việt nào cũng gặp phải khi du học Phần Lan.

Cần chuẩn bị những gì?

Và để có đầy đủ quyết tâm "vượt sóng gió", du học sinh Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì? 

"Hồi mình sang đây, ba mẹ chuẩn bị quá nhiều thứ cho mình như nồi cơm điện, nồi, niêu, xoong, chảo, đồ ăn khô, quần áo... Nhưng khi sang đến nơi mình mới thấy đa số những vật dụng mình mang theo đều thừa thãi. Khoản xoong nồi, bát đũa... bạn không cần quá bận tâm, bởi lẽ các anh chị khoa trước sau khi hoàn thành khóa học  thường sẽ cho lại các em khóa dưới đồ dùng. Chịu khó liên hệ trước, bạn sẽ ít phải mang kích rích lên máy bay.

Du hoc sinh Viet tai Phan Lan: Hai dieu kho khan nhat khi hoc o dat nuoc

Cái bạn cần là mang quần áo ấm, thuốc tây và một số đồ khô, mì tôm... Vì ở Phần Lan dù có những thức ăn đó, tuy nhiên giá cả thì hơi đắt một chút", L. cho biết.

Một điều nữa là nếu bạn cố gắng mang thật nhiều sách vở sang Phần Lan thì đó là điều không nên chút nào. "Đa số các thư viện ở Phần Lan đều rất rộng rãi và đủ sách vở cho học sinh tham khảo.

Khi bạn học trên lớp cũng vậy, thường ghi chép rất ít. Thầy giáo của mình thường sẽ phát mỗi người 1 tập tài liệu cho buổi học. Sinh viên thường theo dõi bài giảng, có thể ghi chi chít vào đó nếu cần thay vì ghi vào vở. Thầy cô Phần Lan cũng khá thân thiện và nhiệt tình, luôn biết cách tạo động lực cho du học sinh".

Một điều khá cần thiết khi bước chân sang Phần Lan du học, theo L., bạn cần chuẩn bị vốn ngoại ngữ thật tốt: "Ngoài tiếng Anh ra, bạn cần phải khá rành tiếng Phần Lan. Không giống các nước khác như Mỹ, Anh, Singapore,... chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh, thì du học Phần Lan du học sinh chủ yếu giao tiếp bằng tiếng của họ, mọi công việc làm thêm cũng đòi hỏi tiếng Phần Lan nên học tốt tiếng Phần Lan sẽ là một lợi thế".

L. cho biết, du học sinh ở đất nước "lạnh buốt" này thường làm thêm những công việc như giao báo, xếp báo, phân loại bưu thư, đóng xúc xích, rửa chén,... Các bạn nữ còn có thể nhận trông trẻ.

"Công việc lựa chọn làm thêm của mình là giao báo trên chiếc xe đạp. Số tiền thu được cũng khiến cho cuộc sống của mình đầy đủ hơn", L. nói.

Ngoài việc xác định rõ mục tiêu học tập mà biết chủ động tìm kiếm, hòa mình vào các hoạt động xã hội thì trên đây là tất cả những kinh nghiệm về cuộc sống sinh hoạt, làm thêm mà bạn Dương Mỹ L. muốn chia sẻ với những người có ý định du học Phần Lan với mong muốn sẽ giúp ích cho các bạn khi đến với môi trường học tập này.

Lam Thanh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI