Đội nữ pháo binh năm ấy

28/04/2023 - 13:00

PNO - Tháng 10/1968, Bộ Chỉ huy Quân khu 10 họp tại suối Đắk Mai (Bù Gia Mập), ra quyết định thành lập đội nữ pháo binh B11 nhằm hỗ trợ bộ đội chủ lực trên các mặt trận. Trung tá Vũ Thành Trung lúc ấy là một trong những cán bộ được phân công giúp đỡ, hỗ trợ cho đội nữ pháo binh. 55 năm đã đi qua, trong hồi ức về chiến trường những ngày rực lửa, trung tá Vũ Thành Trung đã gửi cho Báo Phụ nữ TPHCM bài viết về đội nữ pháo binh năm ấy…

Để tăng sức chiến đấu cho chiến trường, cuối năm 1968, Bộ chỉ huy Miền có chủ trương thành lập lực lượng nữ pháo binh từ quân khu đến các địa phương. Sau khi ra đời, đội nữ pháo binh đã sát cánh cùng các đơn vị khác trên mọi mặt trận, chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đội nữ pháo binh B11 có 34 chiến sĩ, được tập hợp từ các đơn vị, các ngành tại nhiều địa phương, hầu hết ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Vào đơn vị, các nữ chiến sĩ được tập huấn đánh bộ binh, bắn cối 82 li, biết đánh tập trung hoặc phân tán, đào công sự, bắn máy bay… Chị em vừa học vừa chuẩn bị lương thực, vũ khí, đạn dược. 

Ngày 16/2/1969, đơn vị nữ pháo binh lần đầu tiên xung trận. Khẩu đội cối 82 của đội được phân công đánh yểm trợ cho đại đội đặc công, đại đội 54 bộ binh, đồng thời phối hợp cùng đơn vị bạn đánh vào chi khu và sân bay Phước Bình đêm 22/2. Đêm 24/3/1969, ta tiếp tục tấn công vào các mục tiêu quan trọng của địch. B11 nhận nhiệm vụ pháo kích tòa hành chính Phước Long. Khẩu đội cối 82 đặt tại đồi Đắk Son cách 700m hướng đông nam của thị xã. Nhờ đồi cao nên nhìn rõ mục tiêu, ngay loạt đạn đầu khẩu đội đã bắn cháy và làm sập một góc tòa nhà. Liên tục 3 ngày đêm, đội nữ pháo binh B11 đã chi viện hiệu quả cho các đơn vị bạn đánh vào mục tiêu của địch bên trong thị xã Phước Long.

Đến ngày thứ ba, địch phát hiện trận địa của ta, tập trung bắn phá ác liệt. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Dân hy sinh, 4 đồng chí khác trong đó có nữ Trung đội trưởng Phạm Thanh Men (Bảy Men) bị thương. 

Đầu năm 1970, B11 tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược từ biên giới Campuchia về Quảng Đức. Mang trên vai hàng chục ký hàng, đi đường trường, trèo đèo, lội suối, vượt rừng mây chằng chịt, nhưng tất cả các nữ chiến sĩ đều đã hoàn thành nhiệm vụ. Vừa về đến đơn vị đã bước ngay vào trận đánh lớn, tấn công vào tiểu khu Gia Nghĩa. Nhận nhiệm vụ bắn chặn xe bọc thép của địch, rồi lại vận chuyển đạn dược tiếp tế cho bộ binh, đưa thương binh về tiền phương cứu chữa… Suốt 3 ngày đêm trên tuyến lửa, những bông hồng của đội pháo binh B11 vẫn bền chí chiến đấu, tải thương. 

Những ngày đầu tháng 4/1970, trời đổ mưa, đường trơn trượt, B11 cùng với K50 chuyển thương binh về căn cứ K58. Suốt 4 ngày đêm, các nữ chiến sĩ thay phiên nhau mang vác pháo, súng đạn, tải thương. Chị em đã nhường những tấm ni lông che mưa cho thương binh, nhường cả những bữa cháo. Giữa rừng, đói cơm lạt muối, quần áo ướt rồi lại khô, bị vắt cắn không cầm được máu, chị em phân công nhau người hái lá, người lấy măng rừng làm lương thực thay cơm, chăm sóc cho anh em thương binh từng thìa cơm, muỗng cháo. 

Và những nữ chiến sĩ pháo binh năm ấy lại tiếp tục có mặt trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch kéo dài từ Phước Long đến Tây Ninh để bảo vệ vùng giải phóng… 

Đi qua cuộc chiến tranh ác liệt với những vui buồn, đói khổ, những bông hồng trên chiến trường miền Đông năm ấy người đã hy sinh, nằm lại chiến trường, người trở về với cuộc sống thời bình. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao của các chị - những người con gái tuổi đôi mươi đã quên mình vì Tổ quốc. 

Trung tá Vũ Thành Trung

Cựu nữ pháo thủ Phạm Thanh Men (Bảy Men, thứ hai từ trái sang) thay mặt đội nữ pháo binh B11 nhận quà tặng của UBND tỉnh Sông Bé tại cuộc họp mặt đội nữ pháo binh vào năm 1995 ẢNH: TRUNG TÁ VŨ THÀNH TRUNG CUNG CẤP
Cựu nữ pháo thủ Phạm Thanh Men (Bảy Men, thứ hai từ trái sang) thay mặt đội nữ pháo binh B11 nhận quà tặng của UBND tỉnh Sông Bé tại cuộc họp mặt đội nữ pháo binh vào năm 1995 ẢNH: TRUNG TÁ VŨ THÀNH TRUNG CUNG CẤP

3 lần tổ chức đám cưới trong chiến khu

Trong hồi ký Nước mắt và niềm vui (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022), trung tá Vũ Thành Trung có viết về cuộc hội ngộ và nên duyên giữa ông và người vợ Phạm Thanh Men. “Vào khoảng đầu mùa mưa năm 1968, chúng tôi đi công tác về tới suối Đắk Mai. Suối rộng chừng 40m, trước đó có mưa lớn nên nước dâng lên nửa suối. Chúng tôi đến, thấy 4-5 cô nữ, mỗi người mang bồng gạo ni lông cho khỏi ướt, đang phăng theo đường dây mây, lội qua suối. Giữ được gạo khô nhưng người các cô ướt đẫm” - ông viết. 

Trong 4-5 cô nữ ấy có cô Bảy Men (Phạm Thanh Men) là y sĩ của Ban Quân y thuộc Phòng Hậu cần Quân khu 10. Sau khi đội nữ pháo binh B11 được thành lập, Bảy Men được phân nhiệm vụ trung đội trưởng. Cô bị thương trong trận đánh vào tiểu khu Phước Long, sau đó trở lại công tác ở bệnh xá. Mối duyên giữa người lính Vũ Thành Trung và Bảy Men trong chiến khu gặp nhiều trắc trở. Đám cưới của 2 người diễn ra đến 3 lần mới thành. Lần thứ nhất, chưa kịp tuyên bố thì bị địch tập kích. Lần thứ hai, đang chuẩn bị thì máy bay địch xuất hiện, tất cả phải lao vào cuộc chiến kéo dài 20 ngày đêm. Lần thứ ba, đám cưới diễn ra trên đất bạn Campuchia…

Song Giang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI