Doanh nghiệp căng thẳng vì thiếu lao động

02/09/2021 - 06:28

PNO - Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang phải cố gắng duy trì sản xuất, giải quyết các vấn đề như sức khỏe người lao động, hiệu suất giảm, thiếu gắn kết, gia tăng chi phí…

Theo Cục Thống kê TPHCM, trong tháng Tám, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục rất khó khăn. Nguy cơ đứt gãy sản xuất do toàn thành phố phải tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) tại các tỉnh thành phía Nam cũng đang đứng trước thách thức thiếu hụt nhân sự.

Công nhân lo lắng

Bà Nguyễn Lâm Hương - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu chế biến thực phẩm Hoàng Thiên Hương (Q.12, TPHCM) - cho biết khó khăn kéo dài buộc lòng DN phải ngừng hoạt động. “Chúng tôi đã cố hết sức gồng gánh, nhưng đến ngày 23/8, khi toàn thành phố tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội thì không làm nổi nữa dù phần lớn sản phẩm của công ty là hàng ưu tiên giao cho các siêu thị trên toàn quốc”, bà Nguyễn Lâm Hương nói.

Việc thực hiện “ba tại chỗ” tại các nhà máy là vô cùng khó. Theo bà Nguyễn Lâm Hương, các thiết kế nhà xưởng cơ bản là để sản xuất, không nhằm phục vụ ăn ở cho công nhân. DN rất đau đầu trong việc tính toán tổ chức bếp nấu ăn cho hàng trăm người lao động bởi các dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp trước đây cũng đã ngừng. Chi phí tăng quá cao khi cứ 3-4 ngày phải xét nghiệm cho công nhân một lần, rồi phải trang bị lều trại, bảo hộ… Sau một thời gian thực hiện “ba tại chỗ”, công nhân bắt đầu xuất hiện tâm lý không yên tâm, lo lắng cho người thân ở nhà, muốn về thăm gia đình… làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. 

Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh (trong ảnh: công nhân Công ty Pouyuen đang sản xuất lúc công ty chưa tạm ngừng hoạt động) - ẢNH: QUỐC NGỌC
Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh (trong ảnh: công nhân Công ty Pouyuen đang sản xuất lúc công ty chưa tạm ngừng hoạt động) - Ảnh: Quốc Ngọc

Tại Hậu Giang, sau khi UBND tỉnh cho phép DN ở “vùng xanh” được hoạt động trong điều kiện bình thường mới từ ngày 25/8, các công ty thủy sản cũng đau đầu tìm cách tuyển dụng công nhân. Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản CAFATEX - cho biết ngay khi được hoạt động lại, công ty cần phải tuyển hàng trăm lao động phổ thông làm việc tại các xưởng chế biến tôm. Dù thu nhập của công nhân từ 6-10 triệu đồng/tháng nhưng công ty vẫn rất khó tuyển do việc đi lại còn đình trệ. Trong khi các đơn hàng phải giải quyết cho đối tác nước ngoài đang tồn đọng khá nhiều.

Một DN sản xuất thiết bị điện tử có các nhà máy ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai (xin không nêu tên) với gần 6.000 công nhân, 500 nhân viên văn phòng cho biết đang có 30% công nhân đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin thực hiện “ba tại chỗ”, số còn lại phải tạm ngưng làm và nhận 50% lương. Với khối văn phòng thì 80% nhân viên làm việc tại nhà nhưng vẫn nhận 100% lương. Số nhân viên vận hành kỹ thuật thực hiện “một cung đường, hai điểm đến” tại khách sạn do công ty thuê. Chi phí hoạt động tăng rất cao. Sau khoảng hơn một tháng thì nhiều công nhân xin kết thúc “ba tại chỗ” vì mệt mỏi do khối lượng công việc tăng, không yên tâm, lo lắng cho người thân ở nhà…

Cần sớm phủ vắc-xin cho lực lượng sản xuất

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 31/8, ông Nguyễn Tường Huy (giảng viên Trường đại học Văn Lang) cho rằng “ba tại chỗ” chỉ là giải pháp tình thế ngắn hạn. Các điều kiện để người lao động “ba tại chỗ” tạm bợ, không thể kéo dài, họ còn có trách nhiệm chăm sóc gia đình. DN thì phải “cắn răng” chấp nhận đội chi phí vì áp lực đáp ứng đơn hàng, giữ uy tín với khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài, duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Việc thực hiện “ba tại chỗ” có thể chỉ hiệu quả ở các cơ sở sản xuất nhỏ, số lượng công nhân vài chục người. Còn với những DN có hàng trăm công nhân, cần những giải pháp căn cơ và lâu dài hơn.

Theo ông Nguyễn Tường Huy, giải pháp tốt nhất để tổ chức hoạt động, thích nghi với điều kiện dịch bệnh là áp dụng 5K. Chia nhỏ, ngăn cách các xưởng, phòng ban, lối đi không tiếp xúc. DN cần chia sản xuất thành nhiều ca để giãn cách, cho phép DN tự tổ chức test công nhân hằng tuần để giảm chi phí. Chỉ cho phép công nhân sản xuất và quản lý trực tiếp đến làm việc, hạn chế tối đa nhân viên văn phòng.

“Điều căn bản nhất là sớm phủ vắc-xin cho công nhân. Cần ưu tiên cho các đơn vị dược, vật tư y tế, thực phẩm, sản xuất hàng xuất khẩu. Công nhân đã tiêm vắc-xin tối thiểu một mũi mới được làm việc. Tiêm vắc-xin đầy đủ nên trở thành điều kiện bắt buộc để tuyển dụng của DN. Bên cạnh đó, cần triển khai đầu tư chỗ ở cho công nhân, xây dựng vùng xanh bền vững, để họ gắn bó lâu hơn kể cả khi không có dịch”, ông Nguyễn Tường Huy nói.

Bà Nguyễn Lâm Hương cũng kiến nghị tương tự về việc Nhà nước cần gấp rút bảo vệ lực lượng sản xuất bằng vắc-xin. “Chỉ như vậy mới có thể tái sản xuất trong điều kiện bình thường mới”, bà Nguyễn Lâm Hương nói. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI