Đỗ Bảo và tình ca mới cho người lính

24/09/2021 - 16:02

PNO - Trong ca khúc "Tôi là anh lính binh nhất" (do ca sĩ Đông Hùng thể hiện) được công bố mới đây, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã viết về một anh lính binh nhất, người đồng bào dân tộc, tham gia chống dịch COVID-19.

Cảm hứng đến từ một câu chuyện có thật

Ca khúc được lấy cảm hứng từ một bài báo nói về những người lính trẻ đi chống dịch ở TP.HCM. Trong đó, có một nhân vật tên Ya Thiện, chàng binh nhất người K’Ho (Lâm Đồng) thuộc Sư đoàn 302, được điều đi chống dịch ở Q.7.

Ya Thiện kể, đây là lần đầu cậu xuống thành phố, không được chứng kiến một Sài Gòn nhộn nhịp như những hình dung trước đây của mình, mà là khắp nơi dịch bệnh căng thẳng, bà con gặp nhiều khó khăn. Cậu quyết tâm “phải tích cực làm việc nhiều hơn; dù mệt, nhưng được chung tay giúp đỡ mọi người, em lại thấy rất vui”.

Từ trái qua: Trần Toàn K300, Đỗ Bảo
Từ trái qua: Trần Toàn K300, Đỗ Bảo

Tâm sự của Ya Thiện đã mở ra cho Đỗ Bảo nhiều cảm xúc. Nhịp sống lúc này diễn ra với khá nhiều khó khăn, nỗi buồn, sự thử thách khắc nghiệt, cùng với đó là những nỗ lực từ nhiều phía. “Tôi tự hỏi, trong gian khó, liệu người ta còn có thể tìm ra bài học, điều ý nghĩa, những kinh nghiệm trưởng thành hay niềm vui tích cực nào không? Chia sẻ của anh lính Ya Thiện là một cái gì đó gần như tương phản, cho thấy một sự lạc quan, hồn nhiên, khiến tôi “được thức tỉnh”. Chính những khó khăn đó giúp chúng ta nhận ra cuộc sống vẫn còn những điều tốt đẹp, trân trọng những vẻ đẹp cuộc sống mà bình thường ta không để ý”, nhạc sĩ chia sẻ.

Ca khúc cũng giúp nhạc sĩ giải tỏa những trăn trở dồn nén suốt thời gian qua. Đỗ Bảo nói: “Tôi muốn viết một ca khúc ghi lại quãng thời gian khó khăn này. Qua đó, gửi gắm lòng biết ơn đối với các lực lượng tham gia chống dịch”.

Bài này được Đỗ Bảo viết rất nhanh, từ khi ngồi xuống viết đến khi xong chỉ chừng vài ngày. Sau đó, nhạc sĩ gửi bản demo cho ca sĩ Đông Hùng hát, rồi phối lại rất đơn giản với một cây đàn guitar và tiếng huýt sáo.

Tình ca mới… cho lính

Để lại bình luận trên kênh YouTube của nhạc sĩ Đỗ Bảo, khán giả Diệp Cẩm Tú muốn cảm ơn tác giả vì đã viết về “những chủ đề rất cần trong đời sống”.
Sở dĩ gọi Tôi là anh lính binh nhất của Đỗ Bảo là một “bản tình ca mới” viết cho lính, để tạm phân biệt với những bản “tình ca cũ” cho người chiến sĩ trong chiến tranh với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng. Bên cạnh những bài hát mang giọng hào hùng chủ đạo, có không ít tác phẩm mang âm hưởng trữ tình.

Dư âm dòng nhạc đó kéo dài sang những năm hậu chiến, có thêm những tình ca mới viết về hình ảnh người lính hậu chiến. Trong đó có nhạc sĩ Trần Tiến với các ca khúc Vết chân tròn trên cát, Chuyện năm người… nhạc sĩ Thế Hiển với Hát về anh, Nhánh lan rừng…

Chiến tranh khép lại, đất nước đi lên đổi mới, những bài ca cũ viết về người lính vẫn tìm được sức sống mới qua những giọng ca trẻ và cách hòa âm phối khí mới mẻ. Có không ít ca khúc mới, viết về đề tài này, ra đời sau trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc lớn, nhỏ; song, không có nhiều ca khúc “trụ” lại được như cách thế hệ nhạc sĩ trước đó đã làm. Còn trên bình diện dòng chảy của thị trường âm nhạc, đề tài này gần như vắng bóng. 

Năm 2006, nhạc sĩ Trần Toàn K300 (tên thật là Trần Văn Toàn) gây tiếng vang với bản “hit” Hai người lính - một ca khúc viết về người lính ở hai bờ chiến tuyến gặp lại nhau, phối trên nền nhạc rock mới lạ, được ca sĩ Phạm Anh Khoa biểu diễn tại chương trình “Bài hát Việt”. Trần Toàn K300 có một ca khúc rock khác viết về đề tài này là Không là trò chơi, thuộc album K300 - Những khoảnh khắc (2012); mới được anh viết lại lời nhạc gần đây, lấy cảm hứng từ bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn. 

Ca khúc Tôi là anh lính binh nhất

 

 

Có lẽ từ đó đến nay, khi Đỗ Bảo tung ra ca khúc Tôi là anh lính binh nhất, mới có một tiếng nói “khác biệt” khi viết về đề tài này. Hình ảnh người lính trong nhạc Đỗ Bảo không còn là người lính vệ quốc đầy khuôn mẫu trong chiến tranh, mà là một người lính trong thời bình, người lính của ngày hôm nay, đang tham gia chống dịch COVID-19. Đương đại, gần gũi và “thực” hơn rất nhiều trong mắt những người trẻ hôm nay. Hơn nữa, lại được nhạc sĩ viết theo tạng vốn có của mình đó là tình ca, dễ đi vào lòng người. Ca khúc là mạch tự sự, tâm tình của anh lính trẻ; cũng là của cái tôi nhạc sĩ, đồng thời cũng là một người lính.

Trần Toàn K300 chia sẻ, những bạn viết nhạc ngày nay, ngoài những định chế về đề tài, một phần vì cơ chế nền kinh tế thị trường, chạy theo “top trending”, theo những thứ âm nhạc có vẻ là thời thượng làm ra những thứ âm nhạc “mì ăn liền” nhưng hái ra tiền, thì phần nữa, bản thân họ cũng ngại tích lũy vốn kiến thức nền, những suy cảm về cuộc sống và lịch sử, nên ngại viết về đề tài này. “Đáng ra âm nhạc phải thể hiện những khía cạnh đa dạng của cuộc sống; trong cuộc sống có những câu chuyện, con người cụ thể. Thì với các bạn, phần lớn chỉ có “mây bay”, “gió thổi”, “thất tình”… một cách chung chung cũng viết nên một ca khúc tình yêu”, tác giả Hai người lính nói.

Lý giải việc hiện nay hiếm những bài hát viết về người lính mà thoát khỏi lối mòn, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng: “Có lẽ vì nó khó viết hay về mặt kỹ thuật. Có những mảng đề tài mà khi chạm vào nó thì đương nhiên sử dụng những từ ngữ, hình ảnh mang tính đặc thù của đối tượng hướng đến, khiến cho bài hát ít nhiều vang vọng giống nhau”.

“Thực ra, người lính hôm nay cũng có nhiều câu chuyện cần được kể, và nó vẫn là đề tài hấp dẫn, nếu người sáng tác đủ rung cảm, đủ duyên và muốn chinh phục”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI