Diễn viên Trần Tuấn Kiệt: Vai phụ không mờ nhạt

28/05/2021 - 08:02

PNO - Chỉ được giao vai phụ hoặc đóng thế, nhưng diễn viên Trần Tuấn Kiệt quan niệm chính, phụ không quan trọng bằng việc khi ánh đèn sân khấu tắt, khán giả có nhớ mình hay không.a

Trần Tuấn Kiệt là tay ngang trong nghề diễn. Anh từng đảm nhận nhiều công việc như: marketing, sáng tạo nội dung, xây dựng hình ảnh nghệ sĩ… trước khi chuyển hướng sang nghiệp diễn nhờ tham gia gameshow. 

Tuấn Kiệt xuất hiện từ phim truyền hình, điện ảnh đến sân khấu. Từ năm 2018 đến nay, anh tham gia nhiều vở diễn tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ như: Đẹp bất chấp, Tía ơi con lấy chồng, Bồ công anh, Rồi… mắc cái gì cười?… Chỉ đảm nhận vai phụ, hoặc vai “đúp” (đóng thế), nhưng chưa bao giờ chàng trai sinh năm 1991 mờ nhạt trên sân khấu. 

Phóng viên: Quyết định nghỉ việc để theo đuổi con đường nghệ thuật có khiến anh trăn trở?

Diễn viên Trần Tuấn Kiệt: Tôi không ngại những phép thử. Tôi muốn tìm câu trả lời nếu cùng con đường đó, tôi có làm tốt như khi đứng sau người khác hay không? Nếu chỉ suy nghĩ mà không hành động, thì sẽ chẳng có câu trả lời nào cả.

Trần Tuấn Kiệt (phải) trong chùm hài kịch ngắn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ
Trần Tuấn Kiệt (phải) trong chùm hài kịch ngắn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ

* Bản lĩnh không ít, nhưng hẳn lần đầu tiên diễn trên sân khấu, anh cũng có sự e dè?

- Đó là lần tôi đóng vai trợ lý trong vở Đẹp bất chấp, một nhân vật khá mưu mô. Thực tế, tôi chỉ là người thay thế khi diễn viên được chọn bận lịch. Tôi thấy vui và tràn đầy hy vọng. Nhưng sau suất ra mắt, tôi đọc một nhận xét từ giới truyền thông rằng: cần trau dồi nhiều hơn để đứng được trên sân khấu chuyên nghiệp. 

Tâm lý tôi bị ảnh hưởng khá nhiều từ việc này. Mỗi lần bước lên sân khấu tôi nhát hơn. Nhưng không có cách nào bằng việc đối diện và vượt qua. Tôi bắt đầu thực hiện những phép thử. Mỗi suất diễn đều là dịp để tôi thử và chọn cách diễn mà khán giả cảm thấy thích nhất, qua đó cũng khắc phục những lỗi, hạn chế. Sau này, phần lớn mọi người xem tôi diễn đều phản hồi tích cực, tôi biết sự nỗ lực của mình có kết quả.

* Việc chuyên đóng vai phụ, hoặc chỉ là lựa chọn thay thế, có khiến anh chạnh lòng?

- Mục tiêu của tôi với nghề diễn là trải nghiệm nhiều dạng vai. Chính, phụ không quan trọng. Tôi chỉ sợ sau vở diễn, khán giả chẳng nhớ mình.

Mỗi lần thế vai là cơ hội để tôi được trải qua thử thách, áp lực và thích nghi. Tôi chỉ có thời gian ngắn để xem lại bản phúc khảo, học thuộc thoại và bước lên sân khấu, nhưng đây cũng là động lực để tôi học nhanh hơn. Có một suất của vở Tía ơi con lấy chồng, mọi người xem xong không ai nghĩ tôi “đúp” hôm đó. Nếu một tháng diễn đi diễn lại hai vở dễ sinh chán, thì những lần thế vai giúp tôi có được năng lượng mới mẻ. 

* Hẳn năng lượng phải 200% để anh có thể tỏa sáng…

- Mỗi lần diễn, tôi sẽ có một miếng hài khác nhau để tung hứng với bạn diễn. Tôi cố gắng làm sao để vai đó không là mình thì không ai khác làm được. Có lẽ, vì thế khán giả nhớ tôi lâu hơn một chút.

Biên kịch, đạo diễn đã “chia đất” cho từng người, và nhiệm vụ của diễn viên phải tận dụng tốt nguồn vốn đó. Tôi không thuộc tuýp có duyên, nói hoặc làm gì khán giả cũng cười. Tôi chỉ là người biết làm hài, nghĩa là có sự cân đo, bố trí mảng miếng hợp lý để lấy được nụ cười khán giả.

* Giọng nói hơi đớt có phải là trở ngại của anh với nghề diễn?

- Thời gian qua, tôi đi học lồng tiếng phim nên có thêm kinh nghiệm để đài từ sân khấu được tròn, đẹp hơn. 
Khi khuyết điểm của bạn khiến ai đó nhớ đến, cũng là một thành công. Hiện tại, chưa cần ra sân khấu, chỉ nghe giọng, khán giả đã nhận ra tôi. Tôi sợ khi nhắc đến Trần Tuấn Kiệt, khán giả ậm ừ cho qua vì chẳng có gì đặc biệt để bàn luận.

*Có bao giờ anh phải lăn tăn việc chọn sân khấu hay đi show ngoài, khi thu nhập từ hai nguồn này thường chênh lệch rất lớn?

- Tôi có nguyên tắc, việc gì nhận trước sẽ làm trước. Không phủ nhận thu nhập từ sân khấu rất ít. Nhưng tại đây, chúng tôi được rèn luyện rất nhiều điều. Thứ nhất, cân đo được phản ứng của khán giả để điều chỉnh cách diễn, tạo nên sự ứng phó linh hoạt. Thứ hai, tâm lý diễn viên sẽ được rèn luyện vững hơn. Chẳng hạn, có cảnh diễn vài suất khán giả đều cười, nhưng bất ngờ một suất họ im lặng, không cười, nếu tâm lý không vững, diễn viên sẽ thất bại ngay. Diễn trên sân khấu cũng cho diễn viên tinh thần làm việc nghiêm túc, tập trung cao độ. Lần nào lên sân khấu, diễn viên cũng phải diễn như lần đầu. 

* Bây giờ, anh đón nhận lời khen chê dễ dàng hơn trước chứ?

- Có những đóng góp mang tính cá nhân tôi sẽ xem xét cẩn thận, cái gì hay thì tham khảo, không hợp lý sẽ bỏ qua. Nhưng khi nhiều người cùng chỉ ra một vấn đề, là lúc tôi cần tìm cách tháo gỡ. 

Tôi thường đối thoại thẳng thắn với anh chị đồng nghiệp tại sân khấu để thống nhất cách diễn. Có trường hợp, họ đứng ở vai trò khán giả sẽ nghĩ khác, nhưng tâm thế của diễn viên sẽ khác. Hai bên cùng trao đổi để tìm được điểm chung. Khán giả đứng ở ngoài, cách nhìn có thể khách quan, đa dạng hơn. 

* Đóng hài, giả gái, có khiến anh lo ngại sẽ bị đóng khung?

- Tôi vẫn có thể đóng vai nam, vai bi. Tôi nghĩ quan trọng nhất là niềm tin của diễn viên. Khi họ có sự chuẩn bị đầy đủ, tin mình là nhân vật, thì khán giả cũng sẽ tin như vậy. Tôi không áp lực để thuyết phục người khác tin mình. Khi đó, đồng nghĩa bạn vẫn chưa tin mình. 

Với phim ảnh, tôi đã được thử nghiệm nhiều. Còn sân khấu, tôi vẫn mong chờ một kịch bản mới, vai diễn khác trước nay.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI