Điểm tựa của người lao động nghèo

28/08/2020 - 12:27

PNO - Bình dị mà hào sảng, những chủ nhà trọ ấy đã cùng họa nên bức tranh sinh động về tình người giữa đô thị, đặc biệt là trong giai đoạn chông chênh nhất của người lao động nhập cư như hiện nay.

1. Chiều 23/8, bà Trần Thị Đẹp, 60 tuổi, ở khu phố 4, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM cầm rổ ra vườn cắt mướp và mớ đọt rau lang vô chia cho anh chị em khu trọ nấu bữa tối. Mảnh đất bên hông nhà, bà cuốc xới, chăm chút từng ngày cho cây lá lên xanh. Hễ ai quở “ăn bao nhiêu mà làm cho cực” thì bà cười: “Làm mới có cái để chia sẻ với những người mình yêu quý”. 
 
Bước đi khập khiễng do căn bệnh đau khớp hành hạ nhiều năm, nhưng hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng bà vẫn cùng chị em khu phố đi chợ nấu cháo, nấu cơm từ thiện tặng bà con nghèo, đến các khu trọ phát khẩu trang, hay mua quà tết tặng mọi nhà… 
Bà Đẹp hái rau chia cho mọi người
Bà Đẹp hái rau chia cho mọi người
Có mảnh đất nhỏ bên P.Phú Hữu, Q.9, năm nào bà Đẹp cũng nuôi vài con heo để tết đến làm thịt chia cho cả khu trọ. Năm nay, tuổi tác, bệnh tật khiến bà Đẹp không còn đi lại chăn nuôi được nữa, nhưng bà quyết tâm: “Tết thì vẫn phải có chút quà cho các cháu vui”. Bà khoe, vào ngày 1/9 tới đây, bà sẽ cùng chị em phụ nữ phường nấu 300 phần cơm tặng bà con.
 
Khu trọ của gia đình bà Đẹp có đến 40 phòng với hơn 100 người thuê ở, đa phần theo hộ gia đình. Có những cặp vợ chồng đã sống tại đây 22 năm, từ khi khu trọ ra đời, con cái họ nay đã lớn khôn, lập gia đình ra ở riêng, cũng thuê phòng tại khu trọ này. Dịch COVID-19 bùng phát, bà Đẹp nhanh chóng giảm tiền thuê trọ 500.000 đồng mỗi phòng và trợ cấp gạo, mắm cho những gia đình khó khăn, mất việc. 
 
Thời trẻ, bà Đẹp làm thợ hàn, còn chồng bà làm công nhân đóng tàu. Họ có hai người con trai, anh lớn theo ngành công an, còn anh út đã qua đời vì tai nạn giao thông. Bà bộc bạch: “Hồi thằng út mất, cả năm trời tôi không làm được gì, may mà có các chị bên Hội Phụ nữ tới động viên rồi rủ rê nấu cơm, nấu cháo tặng bà con nghèo nên lòng mình cũng khuây khỏa. Cũng từ đó mà anh chị em trong nhà mới bàn và thống nhất mỗi tháng hai lần nấu ăn tặng bà con nghèo”. 
 
2. Cuối tuần, ông Nguyễn Văn Em, 62 tuổi, chủ nhà trọ trên đường số 12, khu phố 1, P.Cát Lái, Q.2 mang về khu trọ mấy chiếc thùng đựng rác mới rồi tỉ mẩn cắt dán bảng hướng dẫn cách phân loại rác. Ông Em cho biết, khu trọ có 17 phòng, phần nhiều là sinh viên, công nhân và lao động tự do, ai cũng nặng gánh mưu sinh, về là chỉ muốn lăn ra ngủ. Để hình thành thói quen phân loại rác, cùng nhau bảo vệ môi trường, ông Em đã phải kiên nhẫn làm từng bước. Gần chỗ đặt mấy thùng rác là dãy khay trồng rau lang, húng quế, cải bẹ xanh… của các thầy cô giáo các trường học gần đó làm tặng khu trọ. Đối diện với vườn rau là mảng tường cũ cũng được phủ lên một bức vẽ những hàng cây xanh tươi và những người lao công đang quét dọn. Cả khu trọ phòng nào cũng được ông Em tặng một chậu trầu bà treo trước cửa. 
Ông Em dặn dò chuyện phân loại rác và hỏi thăm tình hình đời sống của gia đình em Nguyễn Trần Hằng
Ông Em dặn dò chuyện phân loại rác và hỏi thăm tình hình đời sống của gia đình em Nguyễn Trần Hằng
Đang lúi húi kê lại mấy chiếc thùng mới chở về thì một chị phụ nữ đi ra đổ rác, ông Em dặn dò chị nhớ coi hướng dẫn và phân loại rác trước khi bỏ vào thùng để người thu gom rác đỡ cực và đôi khi còn có được mớ ve chai bán kiếm ly trà đá. Sẵn dịp, ông Em mở màn hình camera cho chị xem và lưu ý mọi người phải cảnh giác vì mấy ngày qua có hai thanh niên lạ mặt nhiều lần vào khu trọ ngó nghiêng dáo dác. Trong khu trọ, ông Em mắc 5 camera an ninh. Ngày nào, ông cũng kiểm tra màn hình rồi điện thoại nhắc chừng mọi người. Có lần ông phát hiện nhân viên tiếp thị vào khu trọ lấy đi một đôi dép mới nên đã gọi điện đến công ty yêu cầu xin lỗi và mang dép trả lại.
 
Lần khác, qua camera, ông phát hiện một thanh niên bên ngoài vào gây thương tích cho bạn gái sống trong khu trọ nên đã giúp công an nhanh chóng vào cuộc điều tra, xử lý. Ông Em giãi bày: “Đôi dép mua chỉ có 300.000 đồng, tuy không lớn, nhưng nếu im lặng cho qua thì biết đâu sẽ lại có những lần mất cắp tiếp theo và hậu quả có khi không lường được. Tôi quan niệm, khi chỗ ở sạch, đẹp, an toàn thì người ở mới thoải mái, hạnh phúc. Với tôi, anh chị em ở đây đều như người nhà, vì thế ai đến hỏi thuê phòng tôi đều thẳng thắn sẽ không chấp nhận nếu tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke gây mất trật tự". 
 
Giữa lúc người ở trọ đang lao đao vì đại dịch COVID-19, ông Em tặng mọi người gạo, cá và giảm tiền thuê phòng từ 500.000 - 1.500.000 đồng/phòng/tháng. Em Nguyễn Trần Hằng, một sinh viên quê Bình Định, đang học cao đẳng, có hoàn cảnh khó khăn, còn được ông tặng học bổng, tập vở. Hằng bộc bạch: “Em sống ở đây cùng cha mẹ đã mấy năm nay. Cha mẹ đi phụ hồ, mấy tháng thất nghiệp vì COVID-19, cuộc sống rất khó khăn. Cả nhà em mừng muốn khóc trước sự ân cần của chú Em. Chú thương yêu tất cả mọi người. Ở tại khu trọ của chú ai cũng an tâm”. 
 
3. Mấy ngày nay, bà Võ Thị Thanh Thúy, 58 tuổi, ở khu phố 2, P.Bình Trưng Đông, Q.2 đang chuẩn bị 100 phần gạo, mỗi phần 10kg, để tới lễ Quốc khánh 2/9 chia sẻ với bà con nghèo địa phương. Tuần trước, trong lúc Đà Nẵng chống chọi với làn sóng dịch bệnh lần thứ hai, bà và những người bạn đã góp tiền gửi ra để mua thiết bị y tế tặng y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu. Bà Thúy tâm sự: “Như một cái duyên, mấy năm nay tôi dạy thể dục thẩm mỹ miễn phí ở chung cư Mười Mẫu, nên khi nói ra ý định muốn làm gì đó sẻ chia với Đà Nẵng thì chị em học viên hưởng ứng ngay. Đợt trước, Q.2 có mấy khu vực bị phong tỏa, các bạn học viên đã góp tiền cùng tôi mua gạo, thực phẩm tặng bà con lao động nghèo; chở rau củ, cơm nước tiếp sức cho tuyến đầu. Chúng tôi đều là công nhân, tiểu thương buôn bán nhỏ và làm nội trợ, tiền bạc không có nhiều nhưng có tấm lòng”. 
 
Được ba mẹ chia đất, anh chị em bà Thúy đều xây phòng trọ. Riêng gia đình bà có nguyên căn nhà với ba phòng ở rộng rãi, bà cho hơn 10 cô giáo mầm non thuê ở. Dịch bệnh xảy ra, trường học đóng cửa, các cô thất nghiệp, cô nào về quê thì bà không lấy tiền phòng, người nào ở lại, đi làm việc khác thì bà giảm giá một nửa. 
Bà Thúy (trái) nhắc người ở trọ cẩn thận để phòng bệnh dịch
Bà Thúy (trái) nhắc người ở trọ cẩn thận để phòng bệnh dịch
 
Khu trọ của bà Thúy cũng lắp camera an ninh và trang bị đầy đủ dụng cụ cứu thương. Chị Trần Thị Mỹ Trinh, 24 tuổi, giáo viên trường mầm non song ngữ Happykids House, tâm sự: “Em đang chắt chiu lo cho đứa em gái học cấp III. Những tháng trường phải đóng cửa, tinh thần hoang mang dữ lắm. Nhưng cô Thúy đã hỗ trợ em rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần. Với em, cô như là điểm tựa ở thành phố này vậy”. 

"Chị Đẹp, chị Thúy, anh Em là ba chủ nhà trọ vừa được Hội LHPN phối hợp Liên đoàn Lao động Q.2 biểu dương vì tấm lòng nhân ái và những đóng góp rất thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Cũng như các anh chị, nhiều chủ nhà trọ khác tại Q.2 đã và đang dành nhiều sự quan tâm, san sẻ trước những khó khăn của người lao động ở trọ. Những tháng qua, theo ghi nhận, tại Q.2 có 86 nữ chủ nhà trọ đã chủ động miễn, giảm tiền thuê cho 1.106 phòng trọ. Từ đề xuất của các chị, Hội Phụ nữ còn vận động kinh phí trao tặng 121 suất quà gồm gạo, mì, nước tương, nước rửa tay, khẩu trang cho các bạn công nhân”. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga Chủ tịch Hội LHPN Q.2
 
Thảo Nguyên
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI