Điểm sàn 'nhảy múa': Thất tín với thí sinh

20/07/2018 - 07:24

PNO - Nhiều trường phải điều chỉnh điểm sàn theo hướng cao hơn điểm đã công bố vì Bộ GD-ĐT nhắc nhở, trong khi quy chế tuyển sinh nêu rõ trường được tự xác định ngưỡng điểm sàn.

Diem san 'nhay mua': That tin voi thi sinh
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: P.Huy

Trường được tự xác định điểm sàn… theo ý bộ?

Trường đại học (ĐH) Quang Trung (tỉnh Bình Định) đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển cho tất cả tám ngành là 10,5 điểm. Chưa cần đến điểm ưu tiên, thí sinh chỉ cần mỗi môn 3,5 điểm là đủ xét vào ĐH. 

Ngoài Trường ĐH Quang Trung, còn có khoảng 50 trường ĐH, học viện khác xác định mức “sàn” xét tuyển dưới 14 điểm. Trường ĐH Xây dựng Miền Trung có mức điểm sàn là 11 điểm/3 môn. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là 12 điểm cho 29/31 ngành, kể cả những ngành thuộc nhóm sức khỏe như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.

Trường ĐH An Giang có 13/36 ngành trình độ ĐH lấy mức điểm sàn 13 điểm; Trường ĐH Xây dựng Miền Tây lấy 13 điểm; Trường ĐH Võ Trường Toản nhiều ngành cùng xét mức 13 điểm, ngành y đa khoa 15 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ có 21/77 ngành có điểm sàn xét tuyển là 14 điểm, mức điểm sàn thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay…

Thực tế, việc xác định mức điểm sàn này chẳng có gì sai khi trường ĐH được tự quyết trong việc xác định tuyển sinh đầu vào. Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm năm 2018 có quy định: trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành còn lại trường được tự xác định ngưỡng điểm sàn. Tuyển như thế nào là quyền tự chủ của các trường, dù mức điểm sàn có thấp hơn đi nữa. Thế nhưng, mới đây nhiều trường có mức điểm sàn dưới 14 điểm đã bất ngờ nhận được sự nhắc nhở của Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT.

Theo đó, các trường có ngưỡng từ 13 điểm trở xuống sẽ được chuyển cho thanh tra kiểm tra và xử lý; đồng thời đề nghị các trường nghiên cứu, cân nhắc và cập nhật hoàn thiện lại ngưỡng đảm bảo chất lượng. 

Theo các nhà quản lý giáo dục, bộ đang làm một chuyện rất… vô duyên khi can thiệp vào chuyện của các trường. Và cũng chính bộ đã vi phạm quy chế tuyển sinh mà mình ban hành. “Lấy cơ sở nào nói thí sinh được 10-13 điểm là không đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH? Nhất là khi hàng loạt địa phương đang bị nghi ngờ có điểm thi bất thường. Thế thì bộ cho các trường xét học bạ, chỉ cần tốt nghiệp THPT thì có đảm bảo chất lượng không? Tôi cho rằng, có đảm bảo chất lượng đầu vào hay không cũng là chuyện của các trường phải tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Quá trình đào tạo là một tổng thể gồm nhiều yếu tố: giảng viên, chương trình, cơ sở vật chất…”, một vị trưởng phòng đào tạo nêu quan điểm. 

Câu chuyện “dài tay” của bộ còn tạo ra sự trái khoáy ở cục diện điểm sàn nhóm ngành khoa học sức khỏe. Khi cho mở ngành y đa khoa, các trường ĐH tư phải cam kết điểm tuyển đầu vào, như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ được tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia và mức điểm tối thiểu là 22,5; Trường ĐH Nam Cần Thơ có điểm chuẩn tối thiểu là 24 điểm… Và hãy nhìn vào mức điểm sàn xét tuyển của các trường ĐH y lớn: ĐH Y Hà Nội từ 18-20 điểm; ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ 16-18 điểm; ĐH Y Dược Cần Thơ từ 17-19 điểm; ĐH Y Dược TP.HCM xác định 18-21 điểm… Rốt cuộc, các trường non trẻ bị “ép” phải có điểm cao trong khi các trường danh tiếng lại thấp hơn. Nghịch lý này tạo ra dòng chảy gì thì ai cũng dự đoán được. Thí sinh điểm cao tháo chạy khỏi các trường non trẻ. Và đến thời điểm này, các trường muốn “hạ sàn” phải “xin” bộ.

Nhiều lần điều chỉnh điểm sàn

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Điểm sàn vô nghĩa

Điểm sàn có ý nghĩa gì trong xét tuyển? Thực ra điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường ĐH tốp trên và trong đợt xét tuyển 1. Điểm sàn chỉ sử dụng cho xét tuyển dùng điểm THPT quốc gia, trong khi các trường ĐH xét tuyển bằng học bạ thì điểm sàn gần như vô nghĩa, bởi có rớt điểm thì cũng đậu bằng học bạ, dù điểm thi có “bèo” cỡ nào.

Theo các trường, chuyện phải xin bộ để điều chỉnh điểm sàn tuy vô lý nhưng không khó xử như việc phải “nói lại” với thí sinh. Giám đốc trung tâm tuyển sinh một trường ĐH công lập cho hay: bộ yêu cầu các trường điều chỉnh điểm sàn xét tuyển ở thời điểm đã công bố rộng rãi thông tin gây rất nhiều xáo trộn cho công tác tư vấn, kế hoạch tuyển sinh của trường. Nhưng quan trọng là sự thất tín với thí sinh. Đóng vai trò là người xét tuyển mới hiểu thí sinh và gia đình lo lắng cỡ nào, điểm sàn cứ nhảy múa từng ngày càng làm tăng thêm cái khó cho người học. 

Ngay sau khi công bố mức điểm sàn 10,5 điểm/3 môn vào ngày 16/7, đến nay Trường ĐH Quang Trung đã thay đổi đến ba lần. Vào đầu giờ chiều 18/7, hội đồng tuyển sinh trường này đã điều chỉnh mức điểm xét tuyển lên 12 điểm. Đến cuối giờ chiều 18/7, mức điểm tiếp tục được sửa thành 13 điểm. Cũng trong ngày 18/7, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã điều chỉnh mức điểm xét tuyển. Theo đó, ngành răng hàm mặt với điểm nhận hồ sơ là 18 điểm, ngành giáo dục mầm non 17 điểm, ngành dược 16 điểm và các ngành còn lại là 14 điểm. Như vậy, mức điểm sàn này đã điều chỉnh theo hướng tăng lên hai điểm so với công bố trước đó đối với nhiều ngành. Trước đó, trường này thông báo điểm sàn xét tuyển ngành dược là 13 điểm, các ngành còn lại 12 điểm.

Trường ĐH Văn Hiến cũng điều chỉnh ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hướng tăng so với công bố ban đầu. Hiện tại, ngành có điểm sàn cao nhất là văn hóa học 17 điểm; đa phần các ngành đều xét từ 14 điểm. Trước đó, trường này có đến mười ngành xác định điểm sàn 13-13,5 điểm…

Còn hàng loạt trường ở vào thế phải tiếp tục điều chỉnh điểm sàn. Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào những trường này ít nhiều phải có sự dịch chuyển. Điểm sàn - ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng - là mức điểm tối thiểu mà người học đủ khả năng để vào học và nghiên cứu ở bậc ĐH. Vậy lẽ ra nó phải là thước đo chuẩn nhưng đa phần các trường, thậm chí ở các năm còn do bộ xác định điểm sàn cũng chạy theo phổ điểm thi hằng năm mà thay đổi. Đã vậy thì nó cũng chẳng đúng là năng lực chuẩn như ý nghĩa ban đầu nữa. Thế nên, việc bộ nhắc nhở điểm sàn của các trường có khác nào làm chính sách kiểu… chạy theo dư luận. 

Thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng

Từ ngày 19/7 đến 26/7, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào ĐH theo hình thức trực tuyến, điều chỉnh bằng hình thức phiếu sẽ kéo dài thêm hai ngày. Trong thời gian này, các trường THPT phải có cán bộ trực hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh.

Bộ GD-ĐT lưu ý, thí sinh khi điều chỉnh phải thực hiện đủ quy trình, nếu thiếu một bước hoặc làm tắt một bước thì quá trình này không hoàn thành. Nếu không hoàn tất quá trình thay đổi thì các nguyện vọng đăng ký xét tuyển vẫn được giữ như thời điểm đăng ký hồi tháng 4/2018.

Theo quy định, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

 Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI