Góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM:

Để dân hài lòng, mỗi cán bộ phải tự đòi hỏi mình cao hơn

05/10/2020 - 08:50

PNO - Công tác cán bộ là một trong những nội dung được chú trọng đặc biệt tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra từ ngày 14 - 18/10/2020. Hướng tới đại hội, Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM - xoay quanh nội dung này.

 

Bà Phạm Phương Thảo phát biểu tại buổi tọa đàm 'Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết tại TPHCM vào tháng 6/2020 - Ảnh: N.A.
Bà Phạm Phương Thảo phát biểu tại buổi tọa đàm 'Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết" tại TPHCM vào tháng 6/2020 - Ảnh: N.A.

Quan tâm hơn nữa đến “GDP văn hóa”
Phóng viên: Hãy cứ đi về phía nhân dân là tập sách được bà cho ra mắt nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó gửi gắm thông điệp “nhân dân chính là mạch nguồn vô tận của cuộc sống”. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, bà có những nhắn gửi nào khác?

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách về đẩy mạnh hoạt động văn hóa. Cuốn sách này phù hợp với chủ đề năm 2020 - Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị và với đại hội đảng sắp tới, cuốn sách cũng có đôi lời nhắn gửi: trong xây dựng cán bộ, xây dựng con người, đảng cần lưu tâm lãnh đạo lĩnh vực văn hóa vì nếu không, sẽ không có sự cân bằng và phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững, phải quan tâm xây dựng con người. Chúng ta không chỉ chăm chăm vào kinh tế, theo đuổi các mục tiêu về tăng trưởng GDP mà bỏ qua “GDP văn hóa”. 

* Theo bà, công tác cán bộ có ý nghĩa thế nào trong cải cách hành chính?

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng phải gắn với cuộc sống của người dân, gắn với thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn nữa. Hệ thống hành chính phải có sự chuyển mình, sự thay đổi về chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn. Nhìn chung, trong cải cách hành chính, việc tổ chức thực hiện còn e dè, chậm chạp lắm. Để người dân thực sự hài lòng, cán bộ phải tự đòi hỏi cao hơn. 

Đơn cử, mình nói nhiều về công trình đột phá trong cải cách hành chính nhưng thực tế, sự đột phá có đem lại lợi ích cho người dân nhiều hơn không? Những mục tiêu như ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục liệu có đem lại hài lòng, sự thuận tiện cho người dân hay cứ muốn nâng tỷ lệ ứng dụng công nghệ lên để đạt chỉ tiêu trong khi một bộ phận người dân lại muốn đem giấy tờ đến phường làm? Việc thực hiện thủ công lại có khi còn nhanh hơn và người dân cũng đã quen và cảm thấy gần gũi hơn với các hoạt động ở phường? Mình bắt người dân phải nộp giấy tờ qua mạng trong khi họ không có điều kiện hoặc còn lóng ngóng, liệu có đúng không?

Tôi cho rằng, với tinh thần phục vụ dân, cán bộ, đảng viên cần đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp mong muốn của người dân; ngược lại, người dân cũng không thể dừng lại ở các thói quen cũ mà cần phải vươn lên, vượt qua rào cản để hòa nhập, hội nhập. Như vậy, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi và đội ngũ công chức, viên chức cần phải hướng dẫn tận tình để người dân cảm thấy thoải mái và chấp nhận ứng dụng công nghệ.

* Theo bà, cán bộ phải làm gì để tròn chức phận của mình, đáp ứng mong muốn của người dân?

- Muốn làm tốt công tác, cán bộ phải luôn gắn với thực tế cuộc sống, gắn với dân, tăng cường tiếp dân, tăng cường đi thực địa, sâu sát với cuộc sống. Thực tế cuộc sống chỉ cho mình rất nhiều điều. Đơn đặt hàng đến từ thực tiễn cuộc sống và lời giải cũng có trong thực tiễn cuộc sống. Có những bài toán rất khó nhưng thực tiễn cũng có sẵn lời giải, chỉ cần sâu sát cơ sở và chịu khó lắng nghe. Các cô chú ngày xưa thường có những chỉ đạo sâu sát xuất phát từ thực tiễn. Khi cán bộ biết lắng nghe, sẽ nhận được những chỉ dẫn, những mách bảo, những thông tin bổ ích, cần thiết từ cuộc sống của người dân. 

* Bà nhận định thế nào về việc cán bộ lắng nghe và “xuống với dân” trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Tôi cho rằng, nội dung này cũng được quan tâm, cán bộ lãnh đạo cũng đã có những cuộc gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, đi cơ sở, nhưng có lẽ cần phải nhiều hơn nữa, nhuần nhuyễn và thực chất hơn nữa. Cán bộ lãnh đạo các cấp cần có ý thức về việc lắng nghe và xuống với dân. Có ý thức thì sẽ làm được. Chỗ nào khó khăn nhất cũng cần biết tường tận để chia sẻ, tháo gỡ, chỗ nào người ta làm giỏi, làm hay cũng nên đi để đúc rút, nhân rộng. Quan trọng là tránh hình thức, phô trương, kiểu cho có, lấy lệ. 

Cần tăng tỷ lệ cán bộ nữ 

* Tại hội nghị lần thứ 49 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nói về công tác nhân sự chuẩn bị đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc rằng, “nếu xây dựng đảng là then chốt thì then chốt của then chốt là công tác cán bộ”. Trong nhiệm kỳ vừa qua, TPHCM có khá nhiều cán bộ sai phạm. Bà có gửi gắm gì với đại hội lần này về công tác cán bộ?

- Chúng ta cần phát hiện, phát huy những cán bộ giỏi, có năng lực và phẩm chất từ cơ sở. Trong thực tế, việc phát hiện của mình chưa nhiều, có lẽ do chưa thực sự sâu sát, lắng nghe đa chiều. Trong việc đánh giá cán bộ, cần nhìn nhận họ thông qua cách họ giải quyết công việc, hiệu quả chứ không phải qua lời nói hay bằng việc xây dựng mối quan hệ. Nếu phát hiện được nhân tố mới thì cần nhanh chóng đưa họ vào những vị trí cần thiết để họ sớm khẳng định và trưởng thành. Song song đó, cần bảo vệ cán bộ giỏi, bảo vệ người tài, những người dám nghĩ, dám làm...

* Từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, bà vẫn cho ra mắt gần 10 đầu sách. Nhờ đâu mà bà làm được điều đó?

- Đó là do sự thôi thúc từ bên trong lẫn bên ngoài. Đến giờ, tôi vẫn có nhiều trăn trở, quan tâm và cũng muốn chia sẻ cái nhìn, những cảm nhận, những trải nghiệm cho người trẻ.

* Bây giờ, khi không còn gắn với chức vụ, bà vẫn miệt mài làm việc. Vậy, bà dành thời gian cho đời sống riêng của mình thế nào?

- Thực sự, bây giờ tôi cũng không có thời gian, không hiểu vì sao cứ không có thời gian mãi (cười). Ngày xưa như vậy mà giờ cũng vậy, nhưng bây giờ đỡ làm những việc “sự vụ” hơn. Việc nhà nhiều nhưng việc được đặt hàng cũng nhiều. Tuy vậy, trong mọi công việc, mình có quyền lựa chọn, cân nhắc ưu tiên làm cái này hay cái kia và cứ thế xử lý.

* Phụ nữ luôn có sự hy sinh nhất định khi gánh vác trách nhiệm với xã hội. Bà nghĩ gì khi tỷ lệ cán bộ nữ của TPHCM ngày càng tăng?

- Tỷ lệ cán bộ nữ ở TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 có tăng. Nhiều quận, huyện đạt 27-28% cán bộ là nữ. Việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ là phù hợp với yêu cầu và nghị quyết cũng có nêu là phải đạt trên 25%. Tỷ lệ thực tế hiện nay cho thấy sự phấn đấu rất nhiều của cán bộ nữ. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn - nhất là gánh nặng gia đình - để học hành, rèn luyện, đầu tư cho sự nghiệp, nâng cao trình độ và luôn nỗ lực đáp ứng các đòi hỏi của công việc, thời cuộc.

Có điều, họ vẫn chưa thể hiện đúng tiềm năng của mình. Có thể trong công tác cán bộ, họ chưa được nhìn thấy một cách rõ nét, chưa được hiểu và chưa được lắng nghe để được khích lệ nhiều hơn. Trên mặt báo, trên nhiều diễn đàn, vẫn ít thấy gương mặt cán bộ nữ xuất hiện. Tôi cho rằng, dù không “bày ra” nhưng chưa chắc họ thua kém hơn thế hệ phụ nữ trước. Nếu nói họ không bằng thế hệ trước thì thật thiệt thòi cho họ. Thiết nghĩ, họ cần phải được khắc họa đậm nét hơn để xã hội nhìn thấy và thừa nhận. 

* Theo bà, TPHCM cần có những chính sách nào để phát hiện, tạo cơ hội hơn nữa cho cán bộ nữ phát triển?

- Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm hơn nữa. Cần mạnh dạn hơn nữa trong việc bố trí cán bộ nữ vào những vị trí chủ chốt. Cả nước hiện nay không có bộ trưởng nữ; riêng ở TPHCM, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo tuy có khá hơn nhiều nơi nhưng vẫn chưa tương xứng. Cần xem xét, bố trí cán bộ nữ tham gia lãnh đạo nhiều hơn, nhất là ở cấp hoạch định chính sách. Điều đó hợp với lẽ công bằng và sẽ góp phần để TPHCM phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn bà. 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

 
TIN MỚI